7 tác dụng của quả sung và một số lưu ý về sức khỏe khi ăn CÁC LOẠI THỰC PHẨM

Sung là loại quả quen thuộc gắn liền với cuộc sống của bao thế hệ người dân thôn quê Việt Nam. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết được tác dụng của quả sung đối với sức khỏe. Để có thêm hiểu biết về công dụng của sung và cách dùng cho đúng, mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây.

Sung (tên khoa học: Ficus racemosa) là loại cây thân gỗ lớn, mọc nhanh, thuộc họ Dâu tằm (Moraceae). Cây mọc hoang dại ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới tại những nơi đất ẩm bìa rừng, đặc biệt là ven các bờ nước ao, hồ, sông, suối. Cây mọc chủ yếu ở Trung Á, Đông Á, Đông Nam Á và Châu Đại Dương. Ở Việt Nam, cây phân bố rộng khắp ở cả 3 miền.

Cây sung có thể mọc cao tới 25–30 m, đường kính thân cây tới 60–90 cm. Cây ra hoa vào khoảng tháng 5 cho tới tháng 7 hàng năm, bao gồm cả hoa đực và hoa cái. Khi cây ra quả, quả sung mọc thành cặp trên các cành cây hoặc nách lá. Quả sung mang hình dáng giống quả lê nhỏ, đường kính 2-2,5 cm và có màu cam ánh đỏ, vị ngọt khi chín. Trong văn hóa của người Việt, quả sung là biểu tượng cho sự sung túc, đầy đủ trong năm mới.

1. Thành phần dinh dưỡng

Theo USDA, trong 100g quả sung (tươi/khô) có chứa:

 Quả sung tươiQuả sung khô
Calo74k249k
Chất đạm0.7g3.3g
Chất béo0.3g0.93g
Chất xơ2.9g9.8g
Đường16.26g47.92g
Canxi35mg162mg
Sắt0.37mg2.03mg
Magie17mg68mg
Photpho14mg67mg
Kali232mg680mg
Vitamin C2mg1.2mg
Folate6mcg9mcg
Choline4.7mg15.8mg
Vitamin A7mcg0mcg
Beta-carotene85mcg6mcg
Lutein & Zeaxanthin9mcg32mcg
Vitamin K4.7mcg15.6mcg

2. Tác dụng của quả sung

2.1. Tăng cường chức năng tiêu hóa

Quả sung là món ăn vặt quen thuộc của những người theo chế độ ăn uống lành mạnh. Lý do là bởi hàm lượng chất xơ hòa tan có trong quả sung sẽ đem lại cảm giác no lâu và tránh phát sinh cảm giác thèm ăn. Bên cạnh đó, loại chất xơ này cũng có tác dụng làm mềm các phần thức ăn khó tiêu hóa và giảm áp lực lên hệ tiêu hóa và hệ bài tiết. Các loại lợi khuẩn trong quả sung khi vào ổ bụng cũng có tác dụng kích thích tiêu hóa và phòng ngừa táo bón cùng các bệnh đường ruột.

Đối với những ai đang gặp phải các bệnh lý về đại tràng, đường ruột, ăn sung muối vừa hỗ trợ tiêu hóa, vừa giúp giảm tình trạng sưng đau và sung huyết.     

7 tác dụng của quả sung và một số lưu ý về sức khỏe khi ăn - Ảnh 2.
Sung muối là món ăn có nhiều tác dụng tích cực đối với hệ tiêu hóa (Nguồn: Internet)

Đọc thêm:

– Ăn vải lúc đói có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe

– 5 loại củ chứa nhiều tinh bột tốt cho cơ thể 

2.2. Ổn định sức khỏe tim mạch

Khẩu phần ăn quá mặn hoặc quá nhiều đồ chiên rán dễ dẫn đến các bệnh như huyết áp cao, tiểu đường, tắc động mạch hay suy tim. Để cân bằng lại khẩu phần ăn cho gia đình, bạn cần bổ sung thêm các loại rau, củ, quả giàu kali, trong đó có quả sung (sung tươi hoặc sung muối đều được). Hàm lượng chất chống oxy hóa cao trong quả sung sẽ giúp máu dễ dàng lưu thông trong các động mạch và ổn định huyết áp. Bên cạnh đó, tác dụng kích thích tiêu hóa của quả sung cũng sẽ giúp bạn đào thải các phần cholesterol, chất béo, đường, … có hại ra khỏi cơ thể thông qua hệ bài tiết.

2.3. Ngăn ngừa ung thư

Quả sung khô được đánh giá là 1 trong những loại quả có hàm lượng chất chống oxy hóa (đặc biêt là polyphenol) cao nhất. Đây là loại flavonoid thực vật đặc trưng có tác dụng ức chế, ngăn ngừa sự phát triển và tác hại của các gốc tự do  trong cơ thể. Nếu không thường xuyên ăn các loại rau, củ, quả để bổ sung polyphenol, cơ thể sẽ dễ bị tổn thương do thoái hóa mô hoặc các bệnh lý liên quan tới lão hóa khác.

Nhiều nghiên cứu khoa học sơ bộ cũng đã chỉ ra tác dụng của quả sung khô trong việc chữa và điều trị các chứng ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú, ung thư ruột kết. Để cải thiện miễn dịch và nâng cao sức khỏe, người ta thường thêm quả sung khô vào các món cơm, cháo dinh dưỡng hoặc ngâm rượu thuốc uống.  

2.4. Phòng chống lão hóa da, viêm da

Hàm lượng chất chống oxy hóa dồi dào cũng đem lại cho quả sung nhiều công dụng trong làm đẹp. Chiết xuất quả sung là thành phần của nhiều loại kem dưỡng và phục hồi da. Các khoáng chất và vitamin từ quả sung có tác dụng tăng cường lưu thông máu và nuôi dưỡng da sâu từ bên trong, còn các flavonoid thực vật sẽ kích thích sản sinh ra collagen và làm chậm tiến trình lão hóa của cơ thể.

Thay vì sử dụng các loại kem có nhiều thành phần hóa học như hydrocortisone, các chị em nên sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc thảo dược (như quả sung). Đối với các trường hợp mụn nhọt, mẩn ngứa, bỏng, …; bạn cũng có thể dùng quả sung kết hợp với nhựa và lá sung để đắp ngoài da cho chóng lành.

2.5. Có lợi cho bà bầu

Trong thời gian mang thai, dinh dưỡng là vấn đề quan trọng hàng đầu đối với bà bầu. Enzyme proteolytic trong quả sung có tác dụng hỗ trợ mẹ bầu tiêu hóa, hấp thụ các chất dinh dưỡng và ngăn ngừa các hiện tượng như đầy bụng, khó tiêu, ợ chua, … Nếu bạn có lo lắng về đường huyết và huyết áp trong thai kỳ do phải ăn quá nhiều các loại thực phẩm bổ sung, thì đừng lo. Lượng vitamin B và kali phong phú trong quả sung sẽ giúp cân bằng các chỉ số này và đảm bảo cơ thể luôn khỏe mạnh.

Sự thay đổi đột ngột về hormone trong thời kỳ mang thai cũng khiến cho nhiều mẹ bầu mắc phải các vấn đề tâm lý như stress hay mất ngủ. Để cải thiện tình trạng này, bà bầu có thể thêm quả sung muối hoặc sung khô vào khẩu phần ăn hàng ngày. Lý do là bởi hoạt chất tryptophan trong quả sung có khả năng giúp thư giãn tâm lý, giảm căng thẳng và cải thiện giấc ngủ.

Sau khi sinh con, bà bầu có thể uống nước sắc sung để vừa kích thích tuyến sữa, vừa nhanh chóng lấy lại vóc dáng ban đầu.

7 tác dụng của quả sung và một số lưu ý về sức khỏe khi ăn - Ảnh 3.
Quả sung được sử dụng trong nhiều bài thuốc của y học cổ truyền để cải thiện sức khỏe cho bà bầu (Nguồn: Internet)

2.6. Tốt cho xương khớp

Sung là 1 trong những loại quả hiếm hoi chứa hàm lượng vitamin và khoáng chất vừa phong phú, vừa đồng đều. Trong số này, canxi và kali là 2 loại khoáng chất chính đóng vai trò quan trọng trong việc tăng mật độ và cải thiện cấu trúc xương. Cùng với đó, các loại vitamin như C và K cũng có tác dụng phục hồi và tái tạo xương đối với những trường hợp gặp phải chấn thương hay các bệnh lý về xương khớp.

Cơ thể trẻ nhỏ và vị thành niên cần rất nhiều dưỡng chất hàng ngày để tạo điều kiện cho xương khớp phát triển khỏe mạnh. Ngoài việc cho con trẻ ăn uống các loại thực phẩm bổ dưỡng như thịt, trứng, sữa, các bậc phụ huynh có thể làm salad hoặc các loại bánh với sung tươi để bổ sung vào khẩu phần ăn hàng ngày.

2.7. Tăng cường sức khỏe sinh lý cho nam giới

Ở độ tuổi trung niên, phần lớn nam giới gặp phải hiện tượng sụt giảm ham muốn và phong độ trong chuyện phòng the. Đây cũng là độ tuổi mà các vấn đề như yếu sinh lý, xuất tinh sớm, … bắt đầu xuất hiện thường xuyên và gây ra nhiều phiền toái. Đối với những trường hợp này, quả sung được coi là loại thần dược có tác dụng giúp các quý ông “hồi xuân”. Lý do là bởi hàm lượng khoáng chất và vitamin có trong quả sung đều có khả năng tăng cường lưu thông máu, sản sinh hồng cầu và kéo dài thời gian quan hệ.

Ngoài ra, các loại amino axit trong quả sung cũng sẽ giúp kích thích ham muốn và khoái cảm trong quá trình quan hệ. Để đem lại hiệu quả cao nhất, bạn có thể ngâm quả sung với sữa qua đêm và ăn trong ngày hôm sau.

3. Tác dụng phụ của quả sung và những đối tượng không nên ăn quả sung

3.1. Tác dụng phụ của quả sung

Nhìn chung, việc ăn quả sung tự nhiên là tương đối an toàn đối với sức khỏe. Liều lượng sử dụng được các chuyên gia khuyên dùng nằm ở mức 30-60g/ngày dành cho việc sắc nước uống hoặc 1-2 chùm nhỏ/ngày đối với việc ăn sống. Sử dụng quả sung thường xuyên hoặc quá liều lượng cần thiết có thể đem lại những tác dụng phụ như sau:

– Hàm lượng vitamin K trong quả sung đem lại nhiều công dụng tích cực đối với sức khỏe. Tuy nhiên, khi cơ thể hấp thụ quá nhiều vitamin K, bạn sẽ dễ gặp phải hiện tượng đông máu. Nếu đang trong quá trình sử dụng thuốc chống đông máu, việc ăn quá nhiều sung dễ gây ảnh hưởng xấu đến tác dụng của thuốc.

– Quả sung thường có mặt trong các bài thuốc chữa chứng đầy bụng, khó tiêu và táo bón. Tuy nhiên, việc dùng quá liều lượng dễ dẫn đến những bệnh lý như tiêu chảy cùng các vấn đề về tiêu hóa khác.

– Những người bị dị ứng với quả bế hoặc phấn hoa thường rất dễ bị dị ứng với quả sung. Những đối tượng này khi ăn phải quả sung sẽ gặp phải các hiện tượng như đau đầu, chóng mặt, nổi mề đay, … Mức độ nặng hay nhẹ của các triệu chứng kể trên sẽ tùy theo thể trạng từng người.

Ngoài ra, quả sung chín còn có thể chứa 1 số loại côn trùng có hại và gây ngộ độc thực phẩm khi ăn. Vì vậy, bạn cần chú ý khi chọn mua, rửa sạch và sơ chế quả sung (chà/gọt vỏ, thái miếng nhỏ) trước khi ăn để đảm bảo sức khỏe.

3.2. Những đối tượng không nên ăn quả sung

Với những tác dụng phụ như trên, những đối tượng sau cần chú ý đặc biệt đến liều lượng dùng, hoặc ngừng sử dụng quả sung để đảm bảo sức khỏe:

– Những người bị dị ứng với quả sung nói riêng và các loại quả bế, phấn hoa nói chung không nên ăn quả sung để tránh gặp phải những phiền toái về sức khỏe.

– Những đối tượng đặc biệt như phụ nữ có thai và cho con bú, bệnh nhân mắc các bệnh về máu, người chuẩn bị hoặc đang trong quá trình phẫu thuật, điều trị thuốc, … cần tham khảo và nghiêm túc tuân theo chỉ dẫn từ các bác sĩ. Nếu cần thiết, có thể kiêng việc ăn quả sung hoặc sử dụng bất cứ sản phẩm nào làm từ quả sung để đảm bảo thể trạng.

– Trong quá trình ăn quả sung hoặc sử dụng các sản phẩm làm từ quả sung, nếu bạn gặp phải bất cứ hiện tượng bất thường nào về sức khỏe, cần ngừng ngay việc sử dụng lại và đến cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị kịp thời.

4. Quả sung trong cuộc sống thường ngày

Nhiều người thường phân vân giữa việc lựa chọn quả sung tươi hoặc khô để sử dụng cho gia đình. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào khẩu vị và sở thích của mỗi người. Nhìn chung, quả sung tươi chứa ít calo hơn và dễ sử dụng trong các món ăn thường ngày, còn quả sung khô lại chứa nhiều calo/đường hơn và phù hợp cho mục đích chữa bệnh.

Trong quá trình chọn mua sung tươi, cần đặc biệt chú ý đến màu sắc, mùi vị và bề mặt quả. Tránh chọn những quả bị thâm, bầm, dập, có nấm mốc và mùi lạ. Nếu cần thiết, bạn có thể hỏi người bán cho ăn thử trước khi mua để đảm bảo chất lượng. Đối với sung khô, cần để ý đến nguồn gốc và hạn sử dụng của sản phẩm.

Ở Việt Nam, người dân thường ăn sống quả sung tươi với các món ăn thường ngày như thịt, cá và đặc biệt là các món có vị ngọt bùi (vì chúng sẽ giúp cân bằng vị hơi chát của quả sung xanh). Bên cạnh đó, bạn cũng có thể làm các món tráng miệng, salad hoặc mứt từ quả sung tươi để bổ sung vào khẩu phần ăn lành mạnh cho gia đình. Đối với quả sung khô, bạn có thể ngâm rượu hoặc sử dụng như các loại trái cây sấy khô khác, hoặc thêm vào các món bánh, cháo hay ăn kèm với sữa chua.

Ngoài ra, y học cổ truyền Việt Nam cũng có nhiều bài thuốc sử dụng quả sung cùng các thành phần tự nhiên khác để chữa các bệnh như ho khan, viêm họng, táo bón, viêm loét dạ dày, … Nếu bạn có ý định sử dụng quả sung làm thuốc để chữa hoặc điều trị bệnh, trước hết cần tham khảo thêm tư vấn và chỉ dẫn của bác sĩ để đảm bảo phương thuốc này là phù hợp đối với thể trạng. Sau đó, cần tìm hiểu công thức từ các nguồn tin cậy để đảm bảo hiệu quả chữa hoặc điều trị bệnh cao nhất.

Sung là loại quả quen thuộc trong nếp sống của người dân Việt Nam. Từ bao đời nay, nhiều thế hệ đã tìm ra cách để sử dụng quả sung trong ẩm thực cũng như việc phòng và điều trị bệnh. Hi vọng rằng qua bài viết này, bạn đã có thêm nhiều tri thức bổ ích về tác dụng của quả sung cũng như cách dùng loại quả này để bồi bổ, nâng cao sức khỏe cho gia đình.

Đinh Đức Huy

Tin liên quan