Cào hến ở hồ thủy lợi

Ông Nguyễn Văn Mạnh, 52 tuổi, cùng đồng nghiệp hàng ngày đi cào hến ở các hồ thủy lợi trong tỉnh, được khoảng 60 kg mỗi người.

Mùa mưa, nước đầu nguồn đổ về dồi dào, mực nước các hồ thủy lợi dâng cao. Các loại thủy sản ở đây, nhất là hến, sinh sôi và phát triển nhanh. Đây cũng là thời điểm ông Nguyễn Văn Mạnh cùng đồng nghiệp Nguyễn Văn Tuấn (32 tuổi, ở thị trấn Tân Nghĩa, huyện Hàm Tân) đi cào hến kiếm sống mỗi ngày.

Ông Mạnh (phải) cùng đồng nghiệp cào hến ở hồ thủy lợi huyện Hàm Thuận Bắc, ngày 17/6. Ảnh: Việt Quốc.
Ông Nguyễn Văn Mạnh (phải) cùng đồng nghiệp cào hến ở hồ thủy lợi huyện Hàm Thuận Bắc, ngày 17/6. Ảnh: Việt Quốc.

Cả tuần nay, hai ông làm nghề ở các hồ tại huyện Hàm Thuận Bắc, cách nhà hơn 60 km. Từ 3h sáng, họ đi xe máy đến các hồ như: Hàm Liêm, Cẩm Hang, Sông Quao… Sau khi ăn sáng chóng vánh với hộp cơm mang theo, mỗi người vác dụng cụ đi xuống làm ngay cho kịp giờ. Hồ nước sâu, người cào hến bám vào chiếc phao ruột xe, dò theo vị trí nước từ đầu gối đến ngang ngực để cào.

Dụng cụ cào hến là khung sắt hình khối chữ nhật dài 60 cm, rộng 40 cm. Khe lồng rộng khoảng một cm để cát đá lọt xuống dễ dàng, giữ lại những con hến to bằng ngón tay cái trở lên. “Mình chỉ cào loại lớn, loại nhỏ để lại để mai mốt cào tiếp”, ông Mạnh cho hay.

Người cào hến ngâm mình trong nước, đặt lồng cào xuống đáy bùn cát, cán áp trên vai, hai tay đè mạnh xuống, vừa cào vừa đi thụt lùi. Sau vài phút, hến mắc trong lồng cào được nhấc lên, họ lắc cho sạch bùn rồi đổ vào bao lưới đặt âm dưới phao bánh xe.

Ông Nguyễn Văn Mạnh đang múc hến đổ vào bao sau 5 giờ ngâm mình cào hến. Ảnh: Việt Quốc.
Ông Nguyễn Văn Mạnh đang múc hến đổ vào bao sau 5 giờ ngâm mình cào hến. Ảnh: Việt Quốc.

Cào hết mẻ này đến mẻ khác, ông Mạnh và đồng nghiệp ngâm mình trong nước hơn 5 tiếng. Giữa cái nắng chói chang, họ đẩy phao lưới đựng hến vào gần bờ, sau đó dùng rổ múc hến qua các bao đựng, vác lên xe máy. “10h, mình phải ngưng cào để kịp đưa hến về bỏ mối cho các bà đi bán ở chợ”, ông Mạnh cho biết.

Mỗi chuyến mỗi người cào được hơn 60 kg hến, có hôm 80 kg. Với giá dao động 6.000-7.000 đồng một kg, họ thu nhập được 400.000- 500.000 đồng. “Nghề này khá vất vả, nhưng dù gì nó vẫn cho thu nhập ổn định và sướng hơn đi làm hồ dang nắng cả ngày”, ông Tuấn nói.

Cũng theo ông Tuấn, hai ông đi cào rất nhiều nơi trong tỉnh. Ngoài các hồ Tà Mon, Tân Lập, Đu Đủ, Sông Móng, Ba Bàu (huyện Hàm Thuận Nam), những hồ khác ở Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tuy Phong… cũng có nhiều hến.

Hến thuộc loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ, hình tròn, sống ở vùng nước ngọt hoặc nước lợ. Tại 48 hồ thủy lợi ở Bình Thuận đều có hến sinh sống. Đầu mùa mưa, hến có kích thức to, thịt rất béo. Thịt hến được dùng chế biến các món ăn truyền thống như: cơm hến, hến xào, canh hến… có tác dụng giải nhiệt, bồi bổ cơ thể.

Hến nước ngọt vừa được cào ở hồ Cẩm Hang, huyện Hàm Thuận Bắc. Ảnh: Việt Quốc.
Hến nước ngọt vừa được cào ở hồ Cẩm Hang, huyện Hàm Thuận Bắc. Ảnh: Việt Quốc.

“Hến ở nguồn nước hồ thủy lợi rất sạch sẽ, không có mùi hôi, nên mang về bán rất chạy hàng. Có bao nhiêu hết bấy nhiêu”, ông Nguyễn Văn Mạnh cho biết.

Tin liên quan