Đổ xô vào rừng nhặt quả ươi bay

Hàng trăm người đổ vô rừng Trường Sơn Đông để khai thác quả ươi bay, thảo dược quý đang được thu mua với giá khoảng 170.000 đồng một kg.

Mười ngày qua, rừng phòng hộ ở khu vực giáp ranh Kon Tum, Quảng Ngãi đổi màu đỏ khi đến mùa ươi chín. Mỗi khi gió thổi mạnh, những quả ươi bay dính vào cuống lá khô lìa cành rơi xuống, xoay tít như hoa chò nâu rồi vướng vào tán lá rừng hoặc rớt xuống đất. Không chỉ mê hoặc bằng vẻ đẹp khi bay trong gió, lợi nhuận từ quả ươi như thỏi nam châm hút nhiều người vào rừng săn “lộc trời”.

Rừng ươi thuộc Rừng phòng hộ Thạch Nham ở xã Ngọc Tem, huyện Kong Plong, Kon Tum vào mùa chín . Ảnh: Phạm Linh.
Rừng ươi thuộc Rừng phòng hộ Thạch Nham ở xã Ngọc Tem, huyện Kong Plong, Kon Tum vào mùa chín. Ảnh: Phạm Linh

Đường Trường Sơn Đông là nơi gần nhất để ngắm rừng ươi. Từ cung đường này có nhiều đường rẽ, lối mòn hai bên để vào rừng. Đến thôn một xã Ngọc Tem, huyện Kong Plong, hàng chục chiếc xe máy được bỏ lại ở cuối con dốc thoai thoải. Chủ xe đã đi qua suối vào rừng từ sáng sớm.

Ông Đinh Văn Sắt, 40 tuổi, ở xã huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) cùng con và cháu trai cũng không cưỡng lại sức hấp dẫn của rừng ươi. Ở quê ông, “cơn lốc” khai thác ươi để lấy quả và thân bảy năm trước đã khiến hàng nghìn cây bị đốn hạ.Ươi chỉ còn thưa thớt trong rừng sâu, nên ông phải đi 50 km để đến cánh rừng ở Kon Tum.

Nhóm ông Sắt dừng chân ở khu vực có nhiều cây ươi cao 20-50 m, cách bìa rừng hơn nửa giờ đi bộ. Người vào rừng nhặt ươi chia thành tốp 5-7 người, “nhiều như đi đám cưới”, ông nói.

Con trai 17 tuổi của ông Sắt cùng cháu trai 12 tuổi đang nghỉ hè đi theo chú, hai thiếu niên mang theo túi nhặt ươi rụng dưới đất. Nhưng chờ rất lâu mới có một cơn gió mạnh, số lượng người nhặt quá đông, nên cả ngày mỗi người chỉ được 1-2 kg.Video Player is loading.ReplayHiện tại 0:28/Thời lượng 0:28Đã tải: 0%Tiến trình: 0%Bỏ tắt tiếngToàn màn hình

Để “cuốn chiếu” nhanh, ông Sắt dùng dây thừng buộc quanh cây ươi để tạo thành thang leo lên ngọn cây. Do cây cao đến khoảng 40 m, ông phải buộc rất nhiều vòng dây, trèo lên và tụt xuống trên mười lần mới buộc thang dây đến 3/4 thân.

Khi leo lên gần đến ngọn, ông sẽ hái và dùng cây đập cho quả ươi rớt xuống. Nhưng khi thấy máy quay, ông dừng việc leo, nói chờ đến khi gió lặng sẽ tiếp tục.

Ở gần đó, một số cây ươi vẫn còn bị quấn thang dây của những thợ rừng khác. Nhưng cách khai thác này không phổ biến, chỉ những thợ khỏe mạnh, thiện nghệ mới leo được, có người leo lên gần tới nơi thì đuối sức, phải xuống đất trở lại.

Cách chỗ cắm trại của ông Sắt khoảng 50 m, nhiều thanh thiếu niên, phụ nữ và cả người già đi theo nhóm để nhặt ươi. Họ đảo mắt tìm quanh, dùng gậy xới thảm lá khô để nhặt những quả ươi bị lẫn vào, hoặc đập quả ươi rơi bị mắc vào các tán lá. Cứ thế, từng tốp người quần thảo khắp rừng với hy vọng ươi đầy túi.

Anh Sắt cột dây thừng quanh thân để leo cây ươi cao 40m. Ảnh: Phạm Linh.
Ông Sắt cột dây thừng quanh thân để leo cây ươi cao 40 m. Ảnh: Phạm Linh

Đến giữa trưa, những người nhặt ươi tìm bình địa trong rừng để nghỉ ngơi, ăn uống. Đinh Văn Hùng, cùng 5 thiếu niên đang ngả lưng nghỉ ngơi sau khi ăn cơm, nói rằng đến chiều nhặt tiếp. Nhưng chỉ một lúc sau, một cơn gió lớn thổi qua khiến rừng xào xạc, ươi bay lả tả, cả nhóm vùng dậy, mỗi người nhặt được vài quả.

Hùng nói nhà cậu chỉ sống nhờ vào trồng lúa và cây keo. Keo là cây trồng dài ngày 4 năm mới cho thu hoạch một lần, hàng ngày cả gia đình phụ thuộc vào công việc thời vụ. Mùa ươi đến là cơ hội để cả nhà kiếm thêm thu nhập. “Cây ươi 5 năm mới rộ quả một lần, những năm trước không rộ nên ít người vào rừng, giá cao hơn. Năm nay thì ai cũng đi nhặt ươi”, Hùng nói.

Theo ước tính của người dân địa phương, những mùa trúng ươi khu rừng ở xã Ngọc Tem sản lượng ươi lên đến hàng chục tấn với giá trị hàng tỷ đồng.

Trong lúc hàng trăm người vào rừng nhặt ươi, phía ngoài đường Trường Sơn Đông những ngày này cũng đông xe cộ khác hẳn ngày thường. Các thương lái từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai… dừng lại bên đường thu mua, thậm chí chực chờ ở các con đường mòn hoặc vào tận bìa suối chờ người dân ra.

Hồi đầu mùa, giá ươi khoảng 120.000 đồng một kg, nay đã lên 170.000-190.000 một kg. Cuộc cạnh tranh mua bán diễn ra khốc liệt, những người đẩy giá lên cao bị các thương lái khác “tố” cân gian.

“Tôi chuyên mua sản vật rừng, thấy trúng mùa ươi qua đây mua nhưng các thanh niên địa phương đã tranh mua trước, mua được mấy quả ươi mà chua quá”, một thương lái 60 tuổi, quê Gia Lai, nói.

Ông Bùi Quốc Đổng, Hạt trưởng Kiểm lâm Kon Plong cho biết, rừng ươi thuộc quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Thạch Nham, theo thông tư 27, hạt ươi là lâm sản ngoài gỗ, người dân được khai thác theo kế hoạch của Ban Quản lý rừng. Trước việc hàng trăm người đổ xô vào khai thác, thu mua, Hạt kiểm lâm đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo các ban ngành vào cuộc.

Ở Quảng Ngãi, cơn lốc ươi năm 2014 không chỉ khiến hàng nghìn cây bị đốn hạ, mà còn khiến hàng chục người bị thương do cây ươi đè, hoặc bị té khi leo cây. Ông Nguyễn Đại, Chi cục trưởng Kiểm lâm Quảng Ngãi cho biết, số lượng ươi giảm, chỉ còn rải rác trong rừng sâu nhưng rất khó thống kê.

Theo quy định, người dân nhận giao khoán bảo vệ rừng được khuyến khích khai thác. “Nhưng thực tế thì rất khó xác định khu vực có ươi được giao khoán cho người nào”, ông Đại nói và cho biết, ngành kiểm lâm không cấm khai thác hạt ươi nhưng khuyến khích khai thác bền vững bằng cách nhặt ươi rơi, rung cây.

Nếu cây ươi bị chặt nhánh hái trái thì khoảng 9 năm sau lại ra trái, còn nếu chặt gốc thì phải 20-30 năm sau cây mới nứt lại, đủ sức ra trái. Ngành kiểm lâm nghiêm cấm đốn hạ cây, chặt cây, hoặc dùng biện pháp hóa học để làm quả ươi rụng.

Quả ươi bay được người dân nhặt trong rừng ở xã Ngọc Tem, huyện Kon Plong, Kon Tum. Ảnh: Phạm Linh.
Quả ươi được người dân nhặt trong rừng ở xã Ngọc Tem, huyện Kon Plong, Kon Tum. Ảnh: Phạm Linh

Trước “cơn sốt” ươi năm nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chỉ đạo kiểm lâm huyện Sơn Tây (gần Kon Tum) tăng cường thêm 3 cán bộ để tuần tra rừng, kiểm tra các điểm thu mua, nếu phát hiện thu mua quả ươi xanh, dấu hiệu của việc chặt cây thì phải xác minh, xử phạt.

Cây ươi có nhiều tên gọi như lười ươi, cây thạch, cây ươi bay, bàng đại hải, An Nam tử. Theo Đông y, ươi đi vào kinh phế, tác dụng chính là thanh nhiệt, giải độc, thông tiện, thường dùng chữa ho khan, cổ họng sưng đau, nôn ra máu, đi cầu ra máu, chảy máu cam, viêm đường tiết niệu, nhức răng, đau mắt đỏ, mụn nhọ hoặc pha chế nước giải khát.

Ngoài ra khác trong rừng, người dân cũng có thể tự trồng. Quả ươi sau khi thu mua được các thương lái bán sang Trung Quốc với giá khoảng 250.000 một kg.

Tin liên quan