Du lịch Việt Nam bằng tàu hỏa trong mắt lữ khách Mỹ

Trở lại Việt Nam sau 7 năm, nữ du khách Natalie B. Compton trải nghiệm du lịch chậm bằng tàu hỏa khởi hành từ TP HCM đến Hà Nội.

Natalie B. Compton, cây viết tờ The Washington Post, đến Việt Nam tháng 4 và thực hiện chuyến du lịch bằng tàu hỏa trong 3 ngày 2 đêm. Natalie cho biết những lần đến Việt Nam trước đây cô chỉ di chuyển bằng máy bay và chưa có dịp nhìn ngắm khung cảnh những “vùng nông thôn tươi đẹp”. Trong khi đó, di chuyển bằng tàu hỏa sẽ “có thời gian ngắm cảnh qua cửa sổ, khám phá nhiều điểm đến dọc đường và thư giãn trên khoang tàu”.

Natalie đặt vé trước vài tuần qua trang web của Hệ thống Đường sắt Việt Nam (dsvn.vn). Sát ngày khởi hành, cô quyết định thay đổi lịch trình và được hỗ trợ nhanh chóng qua email trong vài giờ. Vào ngày đi, nữ du khách chỉ việc xuất trình vé điện tử để lên tàu mà không cần in vé giấy hay làm thủ tục tại ga.

Khung cảnh trên đường từ TP HCM đến Huế được Natalie chụp lại trên chuyến tàu vào giữa tháng 4.

Khung cảnh trên đường từ TP HCM đến Huế được Natalie chụp lại trên chuyến tàu vào giữa tháng 4.

Natalie đi hai chuyến tàu trong hành trình Nam – Bắc. Chuyến đầu tiên dài hơn 22 tiếng, di chuyển bằng tàu tốc hành Thống Nhất, khởi hành từ TP HCM đến Huế. Có bốn loại vé trên chuyến tàu gồm: Vé ghế cứng, ghế mềm, giường cứng và giường mềm.

“Tôi chọn giường mềm, giá 64 USD (khoảng1,5 triệu đồng), tương đương một chuyến bay. Tàu sẽ dừng ở Huế sau 22 tiếng. Tôi được nghe nhiều về Huế là một thành phố cổ kính và có những món ăn địa phương giá rẻ”, Natalie nói.

Trong suốt hành trình, nhân viên thường xuyên đi dọc khoang tàu bán cà phê, đồ ăn nhẹ và các bữa ăn như cơm, súp và cháo thịt băm. Tàu cũng dừng khoảng 10 phút tại một số chặng để du khách xuống đi bộ, hút thuốc hoặc mua đồ ăn nhẹ từ những hàng quán bán rong trong ga.

Giường nằm của Natalie là giường tầng, trang bị đệm lót, ga trải giường, gối và chăn đắp mỏng. Ngoài ra có thêm đèn đọc sách và ổ cắm điện. Dọc hành lang tàu đặt bình nước lọc nóng lạnh, cuối toa là khu vực vệ sinh.

“Không gian trên tàu hẹp và không có khu vực sinh hoạt chung. Buổi tối trên tàu của tôi không yên tĩnh lắm vì bạn cùng cabin mở âm lượng lớn để xem phim. Ngoài hành lang thỉnh thoảng có vài vị khách đi qua lại, thậm chí chạy ầm ầm”. Natalie chung cabin với một hành khách người Việt. Mặc dù tự nhận khó kết nối với người lạ, cô vẫn có thời gian khá dễ chịu trên chuyến tàu cùng vị khách mới quen. Cả hai trò chuyện vui vẻ về gia đình, mua đồ ăn vặt chung khi tàu gần đến chặng cuối ở Huế.

Tàu đến ga Huế, Natalie dành một ngày một đêm ở cố đô sau đó tiếp tục hành trình đến Hà Nội trên tàu Lotus Express. Đây là loại tàu du lịch giường nằm có hai hạng vé là giường nằm mềm trong phòng 4 giường và giường VIP trong phòng hai giường. Cây viết tờ The Washington Post chọn giường nằm mềm giá 72 USD (khoảng 1,7 triệu đồng).

Không gian nhà vệ sinh trên chuyến tàu từ Huế đến Hà Nội.

Không gian nhà vệ sinh trên chuyến tàu từ Huế đến Hà Nội.

Chuyến tàu dài 15 tiếng, có wifi miễn phí. So với chặng TP HCM – Huế, Natalie nhận xét chuyến tàu Huế – Hà Nội trang bị nệm nằm dày và êm hơn. Du khách được chào đón bằng ly vang và một túi đồ ăn nhẹ. Mặc dù chuyến tàu thứ hai tiện nghi hơn, Natalie lại không kết nối được với bạn cùng phòng. Cả hai im lặng suốt 15 tiếng di chuyển.

Nữ du khách Mỹ cho biết hai đêm trên tàu cô chỉ ngủ chập chờn. Buổi sáng thức dậy sớm cô thường đi bộ dọc hành lang khoang tàu. Đây là khoảnh khắc Natalie thích nhất trong chuyến đi.

“Tàu đi ngang qua những rừng cây rậm rạp, bãi gỗ, trang trại vịt, cánh đồng lúa. Tôi còn bắt gặp cảnh những con trâu nghỉ ngơi trên sông. Đó là những gì tôi đã vẽ ra trong đầu khi hình dung về chuyến đi tàu dọc Việt Nam. Những trải nghiệm này không thể có được khi đi máy bay”, Natalie nói.

Cô cho biết lịch trình lần này khá dày, đổi hai chuyến tàu khá “cồng kềnh”. Natalie dự định lần tới sẽ chia nhỏ lịch, di chuyển dài ngày hơn để nghỉ ngơi, dành thời gian ở Huế lâu hơn và chỉ đi tàu Thống Nhất.

Chăn, ga, gối trên giường trong chuyến tàu Thống Nhất không được thay mới, mà chỉ được gấp gọn lại và sử dụng tiếp cho chuyến sau. Cả hai chuyến tàu Natalie trải nghiệm đều không thân thiện với du khách sử dụng xe lăn. Lối lên tàu là bậc thang nhỏ, cửa ra vào hẹp.

Khung cảnh đồng lúa nhìn từ chuyến tàu Huế - Hà Nội được Natalie chụp vào giữa tháng 4.

Khung cảnh đồng lúa nhìn từ chuyến tàu Huế – Hà Nội được Natalie chụp vào giữa tháng 4.

Nói thêm về tư trang cần chuẩn bị khi đi tàu dài ngày, Natalie đã chuẩn bị một bộ đồ thoải mái để mặc trên tàu nhưng vẫn đủ lịch sự vì phải chung cabin với người lạ. Ngoài ra cô mang thêm chăn mỏng và đồ bịt mắt. Nhà vệ sinh trên tàu không có vòi sen nên Natalie mang theo khăn bông lau người và dầu gội khô. Không nên đem theo quá nhiều thức ăn vì trên tàu chuẩn bị đủ loại đồ ăn, nước uống cho du khách.

Sau hành trình 3 ngày 2 đêm du lịch chậm bằng tàu hỏa, Natalie cho biết sẽ giới thiệu đến nhiều người về loại hình du lịch này ở Việt Nam.

Tin liên quan