Gánh cá thuê trên biển Long Hải

Mỗi sáng, gần 100 người kéo xe, vai quang gánh ra biển chờ thuyền về bốc cá lên bờ, kiếm 500.000 đồng mỗi tấn.

Thuyền của ông Nguyễn Thanh Hòa, ở thị trấn Long Hải trở về sau chuyến ra khơi kéo dài 4 giờ. Neo cách bờ gần 200 m, hai người làm công san lưới đưa vào bờ để 6 người gỡ cá. Chuyến này mang về gần một tấn cá, với giá bán 14.000 đồng mỗi kg, ông Hoà được chia hơn 3 triệu đồng, bạn ghe gần một triệu đồng mỗi người.

Nhóm bạn của ông Hòa chèo thuyền thúng chở cá vào bờ. Mùa cá trích trên biển Long Hải bắt đầu từ tháng 7 năm trước, kéo dài đến tháng 4 năm sau. Tờ mờ sáng mỗi ngày, hàng chục thuyền thả lưới ở vùng biển cách bờ hơn 10 hải lý (khoảng 18 km).

Khi thuyền thúng cặp mép nước, công việc được chuyển giao cho nhóm gánh cá thuê. Họ đến bãi biển từ sáng sớm với chiếc xe tự chế để kéo những sọt cá tươi rói lên tập kết bãi cách đó hơn 150 m.https://c269553e5a7eedc109b8e587f9d99d49.safeframe.googlesyndication.com/safeframe/1-0-38/html/container.html

Ông Trần Văn Thành (góc phải), 53 tuổi, cùng mọi người đẩy xe cá vào bờ. Nhóm ông có 9 người, gánh cá thuê hơn 20 năm. Trên bãi biển Long Hải có hơn 10 nhóm làm cùng nghề.

“Mỗi nhóm gánh cá cho 3-4 thuyền. Tiền công 500.000 đồng mỗi tấn cá do thương lái trả. Ngày nào thuyền trúng thì mình mới kiếm được 400.000-500.000 đồng. Còn thường thì 150.000-200.000 đồng, có khi chỉ được vài chục”, ông Thành nói.

Cá được đổ ra tấm bạt, mọi người ngồi quanh phân loại. “Cuối mùa cá trích lẫn lộn với các loại cá khác nên phải lựa. Những tháng còn lại chỉ cân và gánh lên bờ “, bà Nguyễn Thị Hoa (mũ đen, góc trái) nói.

Hai thanh niên đổ cá vào giỏ nhựa. Nam giới thường phụ trách cân, kéo xe, gánh cá lên bờ. Phụ nữ làm những công việc nhẹ hơn, song tiền công được chia đều.https://c269553e5a7eedc109b8e587f9d99d49.safeframe.googlesyndication.com/safeframe/1-0-38/html/container.html

Ông Minh gánh hai giỏ cá 50 kg từ bãi lên bờ phía trước khu đền Dinh Cô. “Có ngày gánh một, hai tấn cá chạy trên cát, khá mỏi chân. Khi đi đòi hỏi nhịp nhàng, dẻo dai để cá không bị rớt, vừa nhanh cho thương lái chở đi, nếu chậm cá sẽ ươn”, ông Minh nói.

Với những giỏ cá còn lại sau cùng, bốn phụ nữ cùng nhau xách từ bãi biển lên điểm tập kết cho nhanh.

Gánh được 100 kg cá, chị Hà Thị Năm được tài xế chở cá phát phiếu để tính tiền công với thương lái khi công việc kết thúc.

Sau khi cùng đồng nghiệp bốc hơn 1,5 tấn cá trên hai thuyền, bà Trần Thị Xuân, 50 tuổi, nghỉ ngơi, ăn đậu phộng luộc và mía trong khi chờ chiếc thuyền cuối cập bến.

“Tôi già rồi các công ty không nhận vào làm nên chọn việc này trong lúc nhàn rỗi, chứ nghề này cực và bấp bênh lắm”, bà Xuân nói.

Một lượng nhỏ cá trích ở Long Hải được thương lái bán cho các nhà hàng làm gỏi, nướng, nấu canh. Số còn lại được đưa đến các cơ sở phi lê, phơi khô… xuất khẩu.

Tin liên quan