Giải mã họa tiết trống đồng Đông Sơn

HÀ NỘIHoa văn trang trí trên trống đồng là những biểu tượng từ thời đại kim khí, yếu tố âm dương được thể hiện rõ ràng và tương xứng.

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia hiện trưng bày 2 hiện vật trống đồng Ngọc Lũ và Hoàng Hạ, tiêu biểu cho văn hóa Đông Sơn. Trong đó, trống đồng Ngọc Lũ được phát hiện khi đắp đê Trần Thủy tại xã Như Trác, huyện Nam Xang (nay là huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) năm 1893, sau đó được về thờ tại đình làng Ngọc Lũ (huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam). Tháng 4/1903, trống được Viện Viễn Đông Bác cổ sưu tầm và sau đó được lưu giữ tại Bảo tàng Louis Finot (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia).

Trống đồng là một trong những biểu tượng, hình ảnh gắn với thuở đầu dựng nước của cha ông ta. Theo quan niệm của người xưa, tiếng trống tượng trưng cho tiếng sấm sét, báo hiệu cho mưa thuận gió hòa, giúp cây cối, mùa màng tốt tươi. Người ta thường đánh 3 tiếng trống. Tiếng thứ nhất tượng trưng cho thiên, tiếng thứ 2 tượng trưng cho địa, tiếng thứ 3 tượng trưng cho nhân, ý chỉ thiên thời, địa lợi, nhân hòa.

Trống đồng Ngọc Lũ đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, thể hiện trình độ đúc đồng đỉnh cao và là tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu cho tài năng sáng tạo của người Việt cổ. Ảnh: Trung Nghĩa
Trống đồng Ngọc Lũ được công nhận là Bảo vật Quốc gia năm 2012. Trống có niên đại khoảng cách đây khoảng 2.000 – 2.500 năm; có kích thước: đường kính mặt: 79,3 cm; đường kính chân: 80 cm; cao: 63 cm Ảnh: Trung Nghĩa

Hoa văn trang trí trên trống đồng được phủ kín từ với các biểu tượng từ thời đại kim khí, hình ảnh sinh hoạt của người dân và các con vật tổ. Đặc biệt, yếu tố âm dương được thể hiện rõ ràng và tương xứng, với ngụ ý âm dương hòa hợp, từ đó phát triển ra muôn loài.

Mặt trống trang trí hình mặt trời 14 tia, tượng trưng cho dương, giữa các tia trang trí hoa văn lông đuôi chim công hình tam giác, tượng trưng cho âm. Trên mặt trống trang trí các hình người nhảy múa, đua thuyền… đối xứng qua tâm, chia thành 5 nhóm. Trong đó, trang trí và mô tả các hình người đội mũ lông chim nhảy múa, cầm vũ khí, thổi khèn, đánh trống đồng.

Các hình nhà cầu mùa mái vòm, nhà sàn mái cong cũng được trang trí, song có thêm người búi tóc trong tư thế hành lễ. Điều này cho thấy cư dân văn hóa Đông Sơn khi ấy đã biết dựng nhà cửa từ các vật liệu bằng gỗ. Cảnh sinh hoạt cũng được trang trí với hình đôi trai gái cầm chày giã gạo, trong đó chày tượng trưng cho yếu tố dương, cối tượng trưng cho âm.

Ngoài yếu tố con người, các con vật tổ của cư dân Việt cổ cũng được mô tả trên mặt trống. Đó là hươu và chim Lạc. Mỗi một con hươu đực đi kèm một con hươu cái. Mỗi một chim Lạc mỏ ngắn lại đi kèm một con chim mỏ dài.

Hoa văn trang trí trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia
Hoa văn trang trí trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Trong số trống đồng Đông Sơn đã phát hiện, Ngọc Lũ là chiếc trống đẹp, tinh xảo, nguyên vẹn và có hình dáng cân đối, hài hòa nhất, thuộc loại HI theo phân loại của học giả Áo F.Héger. Ngoài chức năng chính là một nhạc cụ quan trọng, trống đồng còn là biểu tượng quyền lực của các thủ lĩnh Đông Sơn.

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tại số 1 Tràng Tiền là địa điểm phù hợp để ghé thăm cho người muốn khám phá lịch sử, cội nguồn dân tộc. Hiện nay giá vé tham quan bảo tàng là 40.000 đồng/lượt đối với người lớn; 20.000 đồng/lượt đối với sinh viên; 10.000 đồng/lượt với học sinh. Miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi và người khuyết tật.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia là nơi lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị lịch sử lớn, trong đó có trống đồng Ngọc Lũ. Ảnh: Shutterstock
Bảo tàng Lịch sử quốc gia là nơi lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị lịch sử lớn, trong đó có trống đồng Ngọc Lũ. Ảnh: Shutterstock
Tin liên quan