Hà Tĩnh không chỉ có hồ Kẻ Gỗ

Du khách đến Hà Tĩnh có thể tham quan hồ Kẻ Gỗ, chùa Hương Tích, xem kéo lưới rùng hay ngắm cảnh ở núi Nam Giới.

Hồ Kẻ Gỗ là công trình nổi tiếng ở Hà Tĩnh, do người Pháp thiết kế, xây dựng một số hạng mục đầu tiên. Hồ nhân tạo dài gần 30 km với sức chứa hơn 300 triệu m3 nước, thuộc xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, nằm trên lưu vực của sông Rào Cái, nhận nước từ hàng trăm khe suối của dãy Trường Sơn.

Bức ảnh nằm trong bộ ảnh “Vẻ đẹp vùng đất Hà Tĩnh” do nhiếp ảnh gia Nguyễn Thanh Hải thực hiện. Anh sinh năm 1971, hiện sống và làm việc tại TP Hà Tĩnh, tuy làm kinh doanh nhưng có đam mê nhiếp ảnh. Năm 2017, anh bắt đầu chụp ảnh phong cảnh, đời thường và đi nhiều vùng miền thu về kho ảnh quý giá, hiện là hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam.

Bắt đầu chụp không lâu, anh Thanh Hải đã có nhiều tác phẩm đạt giải như bức “Một thoáng hồ Kẻ Gỗ” đoạt giải nhất cuộc thi ảnh đẹp du lịch Hà Tĩnh năm 2018.

Ảnh chụp cây cầu dẫn vào đảo, nơi có đền thờ cố Tổng bí thư Lê Duẩn trên lòng hồ Kẻ Gỗ. Đền thờ Lê Duẩn xây dựng vào năm 2011 và hoàn thành ba năm sau đó, được nhiều người dân và du khách đến vãn cảnh, thắp hương.

Đèo Ngang (ranh giới tự nhiên của Hà Tĩnh – Quảng Bình) nơi có chiều ngang hẹp nhất của nước ta tính từ biên giới Việt – Lào ra Biển Đông. Trong ảnh là một phần cung đèo Ngang vượt dãy Hoành Sơn, thuộc thị xã Kỳ Anh có núi non hùng vĩ.

Hà Tĩnh có trên 70 di tích cấp quốc gia và 320 di tích cấp tỉnh, nhiều lễ hội gắn với sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo, nơi các đình, đền, chùa, miếu thờ các vị thần, Phật và các vị anh hùng dân tộc.

Di tích Hoành Sơn Quan gọi theo chữ Hán là cổng ở núi Hoành Sơn, được xây vào năm 1833, thời vua Minh Mạng kiểm soát việc qua đèo. Dân địa phương gọi nơi đây là “cổng Trời” – điểm cao nhất của vùng đất này. Công trình được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh vào năm 2005.

Nhắc đến Hà Tĩnh phải kể tới chùa Hương Tích thuộc xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc. Ngôi chùa nằm ở độ cao 650 m, lưng chừng trên đỉnh Hương Tích, một trong những ngọn núi lớn thuộc dãy Hồng Lĩnh, mà người dân hay gọi là 99 ngọn núi Hồng (hay Ngàn Hống).

Dân gian còn gọi đây là chùa Thơm, thờ Quan Âm Bồ Tát. Chùa yên tĩnh nhưng mỗi năm có hơn vạn người đến viếng, đông nhất là tháng giêng, hai và ngày rằm tháng bảy.

Mảnh đất Can Lộc huyền thoại gắn liền với địa danh Ngã ba Đồng Lộc, nổi tiếng với khu mộ của 10 nữ thanh niên xung phong (thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55) bị bom vùi trong chiến tranh. Ngã ba này thuộc xã Đồng Lộc, nằm trên đường Hồ Chí Minh, là giao điểm của quốc lộ 15A và tỉnh lộ 2 đoạn qua Hà Tĩnh.

Đôi dòng Ngàn Sâu – Ngàn Phố bắt nguồn từ đại ngàn rồi hợp lưu ở bến Tam Soa, thành sông La thơ mộng xuôi về hướng đông.

Bến nước Tam Soa không chỉ là thắng cảnh thu hút du khách mà còn là nơi trao đổi hàng hóa của vùng sông nước. Nằm gần bến là núi Quần Hội, nơi yên nghỉ của cố Tổng bí thư Trần Phú.

Đại thi hào Nguyễn Du (1765-1820) quê ở Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Trong ảnh là Khu lưu niệm đại thi hào Nguyễn Du có diện tích hơn 4 ha, lưu trữ hơn 1.000 tư liệu, hiện vật quý liên quan tới cuộc đời và sự nghiệp của ông. Đây là một di tích quốc gia đặc biệt, mỗi năm đón hàng chục nghìn lượt khách trong nước và quốc tế tới viếng thăm.

Cầu Cửa Hội (còn gọi cầu Bến Thủy 3) dài hơn 1,7 km, là cây cầu thứ ba bắc qua sông Lam, nối liền Nghi Xuân, Hà Tĩnh và Cửa Lò, Nghệ An. Được khánh thành vào tháng 5/2020, đây là công trình thúc đẩy phát triển kinh tế năng động khu vực Bắc Trung Bộ.

Dãy núi Nam Giới có hình dáng như một chiếc thuyền nằm úp chạy dài từ đất liền xuống biển như một bức thành chắn ngang, tạo nên một bán đảo trấn trước Cửa Sót. Đây là một cửa biển rộng 700 m, thuộc huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh. Núi Nam Giới không chỉ có cây cỏ, chim thú, các hang động mà còn có những ngôi đền cổ kính, thu hút du lịch sinh thái, văn hóa tâm linh.

Thiên nhiên ban tặng cho Hà Tĩnh có vùng bờ biển dài 137 km, từ Cửa Hội, Nghi Xuân cho Tam Kỳ, Kỳ Anh nên có nguồn tài nguyên biển phong phú, tạo sinh kế cho người dân. Bức ảnh trên có tên “Điệp khúc của biển” anh Thanh Hải chụp cảnh kéo lưới rùng của ngư dân ở biển Lộc Hà. Tác phẩm đoạt Huy chương vàng quốc tế tại Canada năm 2019, và vào top 100 ảnh drone tại cuộc thi 35 Awards 2020.

Quá trình sản xuất kẹo cu đơ, một đặc sản của Hà Tĩnh, được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền “Cu đơ Hà Tĩnh” từ tháng 6/2019.

“Bộ ảnh Hà Tĩnh là nơi tôi lưu giữ những góc nhìn về mảnh đất tôi đang sống, thật tự hào về quê hương và chia sẻ đến với mọi người”, anh Thanh Hải nói.

Hiện tại Hà Tĩnh được xác định nguy cơ dịch cấp độ 2, tương ứng với vùng vàng. Người ngoài tỉnh vào Hà Tĩnh du lịch thì phải tiêm đủ 2 mũi vaccine hoặc tiêm một mũi phải có giấy xét nghiệm âm tính trong 72 giờ, khai báo y tế và thực hiện 5K.

Tin liên quan