Hoạt đông phê bình-lý luận nhiếp ảnh – Đâu là thực chất?

(Nhiếp ảnh Hà Nội) Nghệ thuật nhiếp ảnh ngày nay phát triển với tốc độ nhanh và ảnh hưởng lớn đến nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Một trong những nhân tố gây ảnh hưởng đó là nhiếp ảnh kỹ thuật số. Việc đại chúng hóa máy ảnh số cũng kéo theo việc đại chúng hóa nghề nghiệp, và chúng ta chứng kiến cả sự lùi bước của các bậc thầy như Kodak trong lĩnh vực phim nhựa và việc các tạp chí giấy ảnh ngày càng ít đi trên thị trường.

Sự phát triển của mạng làm tăng thêm số lựơng hình ảnh tác động đến đại chúng. Số lượng thành viên trẻ tiếp cận với nhiếp ảnh thông qua mạng tăng một cách chóng mặt, với họ, khái  niệm nhiếp ảnh truyền thống khá mờ nhạt.Các thủ pháp nhiếp ảnh dễ thực hiện và thực hiện ngày một tinh tế sáng tạo. Chỉ cần vào facebook, vào các blog hoặc web-blog chúng ta thấy ngay sự đa dạng của các hình thức nhiếp ảnh tham gia vào cuộc sống mạng.  Đại chúng ngày càng tiếp cận nhanh hơn với  lĩnh vực chuyên nghiệp của ảnh, còn những nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp thì ngày càng tỏ ra ít chuyên nghiệp hơn và ở một số vị trí họ cũng phải lùi bước như trong lĩnh vực ảnh báo chí: một số tờ báo đã trang bị cho các phóng viên máy ảnh và không cần đến nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp nữa.

Trước tình hình đó, chúng ta lại chứng kiến cả sự giẫm chân tại chỗ của các vấn đề lý thuyết và bài bản của nhiếp ảnh.Ở Việt Nam nói chung và ở Hà Nội nói riêng việc quan tâm đến vấn đề lý thuyết càng yếu hơn. Chỉ đơn cử như trên website của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam trang lý luận, phê bình cũ đã được thay bằng trang binh luận ảnh, nhằm vào từng ảnh cụ thể chứ không còn đề cập đến các vấn đề chung của nhiếp ảnh nữa.Bình luận ảnh là cần thiết, nhưng những ván đề của lý luận-phê bình đâu chỉ gói gọn vào đó. Điều đó phản ánh sự hạn hẹp của cái nhìn, không đánh giá hết tầm quan trọng của lý luận-phê bình, nên không dành chỗ cho nó.

Đương nhiên là các hoạt động như mở lớp lý luận-phê bình, mở các hội thảo vẫn có, nhưng trên thực tế việc cấu trúc được nội dung của các vấn đề thực tiễn, lý luận của cuộc sống nhiếp ảnh rất khó khăn, nếu không nói là nan giải.

Một điều ai cũng dễ nhận thấy là lực lượng lý luận-phê bình nhiếp ảnh của chúng ta còn rất ít ỏi, trước một thực tiễn sinh động và nhiều vấn đề như vậy, quả thực không dễ tiếp cận chút nào. Đó là nói chung chưa nói tới hạn chế của người làm công tác này về vốn sống nói chung và về vốn kiến thức cần trực tiếp cho nghề. Người không đủ cũng dẫn đến tình trạng phân tán.Nếu chỉ cần từng thành viên để ý đến vấn đề nào đó đi sâu vào thì đã để lại rất nhiều mảng trống khác cần bù đắp. Nhiếp ảnh Việt Nam chưa thực sự lớn, nhưng cũng không phải không có vấn đề cần bàn, không phải không có vấn đề thật sự quan trọng.

Tôi chỉ lấy một ví dụ như anh Nguyễn Đức Chính rất quan tâm đến tổng kết những thành tựu nhiếp ảnh của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ chẳng hạn. Tôi chưa nói khả năng của anh ấy đến đâu, nhưng làm cho thật sự cẩn thận thì đúng là một đời cũng chưa thể xong công việc này. Còn có những người lớt phớt, chỉ chạy theo một vài vụ việc, viết một vài bài phê bình thì chắc cũng không ít, nhưng tác dụng ở mức độ nào đó, khó có thể khái quát nâng lên được cái gì đó.Mà số người có kinh nghiệm, có kiến thức, có năng khiếu lý luận thì ít ỏi bao nhiêu.

Còn cần cả kinh nghiệm để làm công trình nữa. Để làm một cuốn sách về nhiếp ảnh chiến tranh ở Việt Nam một nhà nhiếp ảnh Mỹ đã làm được rất nhanh. Cuốn “Một Việt Nam khác” là một ví dụ về việc làm đó.Họ còn trực tiếp tiếp xúc với các nhà nhiếp ảnh, mua ảnh để in ấn và tổ chức phát hành. Ở chúng ta một công trình như vậy làm mất thời gian hơn nhiều.

Vậy mà còn bao nhiêu vấn đề khác như lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam, như bản chất của sáng tạo nhiếp ảnh, như cách thức sáng tạo, vấn đề phương pháp, rồi cách thẩm định ảnh, cách phân chia thể loại…Có những thể loại hoàn toàn mới như loại ảnh động, gắn nhiều hình ảnh với nhau và cho nó chạy như phim, hay ảnh và vi-đe-ô kết hợp để tạo thời gian, không gian …những điều đó khá rắc rối và để cho chúng ta nhiều suy nghĩ.Nói đúng ra thì động đến chỗ nào cũng thấy trống trải trong khi đó cứ có chút thời gian thì lại muốn đi đây đi đó một chút để sáng tác.Có những vấn đề tìm gặp người nói chuyện cũng khó, vì không khéo họ lại bảo là mình nói  chuyện viển vông. Nói đến đây tôi lại nhớ đến bác Lê Thanh Đức, một nhà nhiếp ảnh tài hoa. Ông luôn luôn cầu thị trong tranh luận và làm mới vấn đề.Có những người như vậy là quý lắm, đáng tiếc rằng số đó nay còn rất ít. Để trao đổi về nhiếp ảnh có khi lại cần trao đổi với người khác ngành nhưng có kiến văn rộng hơn, có thể gợi mở cho những giải pháp hay hơn.

Nhưng nếu đặt trong bối cảnh toàn thể của lý luận-phê bình nước ta về văn học nghệ thuật nói chung thì chúng ta cũng sẽ thấy đó cũng là thực trạng chung của các ngành văn hóa văn nghệ.Dù mỗi ngành, mỗi nghề có cái khác nhau.

Một trong những ngành có thâm niên, được thừa hưởng vững chắc nền tảng lý thuyết từ phương Tây là mỹ thuật, cũng có đội ngũ đông đảo, nhưng chất lượng cũng chỉ trung bình nếu không nói là yếu.Vì vậy vai trò của lý luận-phê bình cũng không lấy gì làm cao cả.Xã hội đã không đánh giá cao thì kèm theo đó số phân của những người làm công tác này cũng vậy. Phê bình nghệ thuật ở các nước là một nghề có thể xếp vào hạng quý tộc trong truyền thông và sư phạm, thì ở nước ta nó cũng chỉ là nghề xoàng xĩnh, ít được ai công nhận và biết tới.

Phê bình văn học có thâm niên và phong phú, có truyền thống hàn lâm nhất từ trước tới nay thì hiện nay hết sức lộn xộn.Việc du nhập các lý thuyết, phần lớn cũng chỉ là giới thiệu qua một hai bài báo, không đủ để biến thành chất lượng văn hóa cho phê bình.Việc nói trường phái nọ, trường phái kia trong phê bình cũng chỉ là nói một cách vũ đoán. Giả dụ như nói Đỗ Lai Thúy là người phê bình theo phân tâm học thì tôi đồ rằng cũng chỉ là nói cho vui mà thôi.Đúng ra thì ông ta phê bình theo văn hóa của minh thu nhận được từ trước đến nay, song lái qua một chút phân tâm học cho lạ, cho khác người. Chứ một người không theo đuổi nhưng nghiên cứu phân tâm học từ thời trẻ, không để công phu tầm các tài liệu vả lại cũng không có điều kiện để có đầy đủ tài luệu, không có điều kiện tắm trong cái bể tranh luận của phân tâm thì làm sao có thể viết phê bình từ phân tâm một cách bài bản.

Người Việt Nam mình hay nói quá lên, mà ít thừa nhận rằng cái tình trạng tiểu nông trong văn hóa và đó vẫn là nan giải ở nước ta.Mức độ phát triển của xã hội ở trình độ nào thì văn hoá cũng phản ánh trình độ tương tự như vậy.Trong văn hoá không thể “đi tắt, đón đầu”, và có lẽ trong kinh tế cũng vậy. Nói vậy là vũ đoán thôi. Dân ta ít đọc sách, cả những người xếp vào hàng trí thức cũng ít đọc sách.Người nào may mắn lắm thì đọc trong chuyên môn của mình là khá lắm. Vậy lấy đâu cái nền văn hóa cho phê bình và lý luận. Gần đây, chúng ta mới tiếp cận được Hê-Ghen, được Căng…qua bản dịch của Bùi Văn Nam Sơn.Đó là thứ mà thế giới họ đọc tã ra từ thời Mác-Ăng ghen, bây giờ ta mới biết về nguyên bản.Đó là một thiệt thòi lớn cho dân ta. Tôi không nói về lý do để dẫn tới việc đó, tôi chỉ muốn nói rằng cái nền văn hóa của ta còn quá mỏng để tạo ra những nhà phê bình-lý luận giỏi cho các ngành.Cũng có thể nào khác được.

Tôi dạy nhiếp ảnh cho các em sinh viên ở khoa báo chí, muốn giới thiệu với các em một số cây bút viết về nhiếp ảnh, nhưng chịu. Một là không có tên tuổi nào khiến có thể làm cho các em có một lợi ích thật sự. Hai là không có sách để mà đọc. Trong thư viện gần như trống rỗng mục về nhiếp ảnh.Các em không có người truyền lửa, không có những mẫu mực để tìm hiểu, đành chịu thôi. Những người làm công tác lý luận-phê bình như một số anh em cũng muốn viết lách in ấn, nhưng thật ra thì viết để sau đó lại đi vận động tiền in hoặc bỏ tiền ra in thì là một thảm cảnh, mà nghĩ đi nghĩ lại thì chẳng để làm gì, có hứng lên viết ra rồi cũng vất đấy, biết là cũng có người cần, nhưng chắc gì in xong sách đã đến tay người cần đọc, nó lại lay lắt và chết yểu thôi, thà đừng làm công việc vô ích nữa.

Như vậy nền tảng của lý luận-phê bình của chúng ta có nhiều khoảng chân không, chúng ta có rất nhiều khẩu hiệu, nhưng đáng tiếc thay lại không có cái thực chất dành cho công việc, hoặc cho rằng thế là đủ rồi.

Vậy thì hoạt đông phê bình-lý luận nhiếp ảnh ở đâu là thực chất.Trên các diễn đàn về nhiếp ảnh, trên các bài giới thiệu ở báo chí, những hoạt động trao đổi trong các câu lạc bộ, các nhóm sáng tác, thậm chí thư từ trao đổi riêng tư đi lại với nhau, và qua các lớp nhiếp ảnh, các khóa đào tạo, qua các trao đổi sau các cuộc triển lãm…lý luận-phê bình của chúng ta vẫn có sức sống.Tôi mừng là gần đây nhiều người có tri thức, biết ngoại ngữ, tham gia vào hoạt động nhiếp ảnh thật sự, và họ có những điều mới tác động vào nhiếp ảnh, làm nó cập nhật hơn với quốc tế.Trở lại như vấn đề kỹ thuật số chẳng hạn, gần đây anh Lưu Phương Bình có trao đổi với tôi về sự tiếp nối giữa nhiếp ảnh phim truyền thống và nhiếp ảnh kỹ thuật số. Chúng ta đã quen thuộc với hệ thống sắc độ của A-den Ađam, một hệ thống dựa trên cơ sở cấu trúc của phim ảnh, nhìn thấy trước được những bức ảnh. Liệu kỹ thuật số có thay đổi toàn bộ cách nhìn đó không? Điều đáng ngạc nhiên là với kỹ thuật số, người ta cũng vẫn áp dụng được các nguyên tắc sáng tạo của A-den Ađam vào sáng tác. Tất cả vẫn y nguyên như trước, chỉ có là trên máy ảnh số thì làm ngược lại mà thôi. Áp dụng điều này vào việc sáng tạo chắc chắn chất lượng ảnh của chúng ta sẽ tăng lên nhiều. Như vậy, dường như không có một sự tách rời nào thật triệt để giữa số và ảnh phim truyền thống.Dưới góc nhìn của tôi thì điều căn bản là người ta chẳng cần phải thay lại những khái niệm và chuẩn mực chung trong nghệ thuật nhiếp ảnh. Có chăng sự xuất hiện của ảnh kỹ thuật số sẽ làm phong phú thêm lý luận và phê bình về nhiếp ảnh.

Như trên đã nói, những mảng trống trong lý luận phê bình của ta khá lớn, vì vậy, hầu như đụng đến lĩnh vực nào cũng thấy thiếu và cần làm lại: từ lịch sử đến cách thức, phương pháp sáng tác, cách thẩm định ảnh,cách đánh giá nhiếp ảnh theo những chuẩn mực mỹ học…Chắc chắn chúng ta phải làm việc rất nhiều để hoàn thiện các khái niệm, lý thuyết về nhiếp ảnh. Giả dụ như anh Phạm Hoạt từ lâu đã đưa các phương pháp tạo hình vào nhiếp ảnh dạy ở khoa báo chí, gần đây anh Nguyễn Tiến Mão lại hoàn thiện về ngôn ngữ tạo hình của nhiếp ảnh.Nhưng thật ra tôi cũng kỳ vọng rằng sẽ có những bạn trẻ mới sẽ tiếp tục những công việc của lý luận phê bình nói chung.

Ở một số nước việc truyền thụ lại những kiến thức lý luận này rất tốt. Như bài bản về phê bình nhiếp ảnh được dạy ở một vài trường đại học Mỹ khá hay. Còn ở Nga, điều làm tôi có phần ngạc nhiên là họ đã hinh thành cả một viện để nghiên cứu về triết học media trong đó có triết học về hình ảnh.Sẽ còn tốn rất nhiều giấy mực để bàn về việc này, nhưng điều chúng ta cần lưu tâm là việc nghiên cứu về hình ảnh đã vượt ra khỏi chính lĩnh vực quan tâm của các nhà nhiếp ảnh và mang tính chất xã hội rộng lớn hơn.

Trước kia, chúng ta cứ quan niệm rằng lý luận-phê bình nhiếp ảnh là dành cho những nhà nhiếp ảnh.Quan niệm đó không sai, nhưng cũng không hoàn toàn đúng.Ở đây chúng ta đã động chạm đến nhưng vấn đề mỹ học-triết học rất lớn là hình ảnh đã tham gia vào sự sáng tạo ra con người.Thật là lý thú khi trong lĩnh vực hạn hẹp của mình chúng ta có thể mở rộng tầm mắt ra nhìn nhiếp ảnh ở một chiều và kích cỡ khác. Đối với phần lớn các nhà nhiếp ảnh đang cầm máy hiện nay ở Việt Nam việc này là không quan trọng và quá xa vời với họ, nhưng đó cũng là một trong những lý do giải thích vì sao mà lý luận-phê bình nhiếp ảnh còn phát triển khó khăn.Chắc phải vài thập kỷ nữa chúng ta mới có thể hình thành được  một thế hệ lý luận-phê bình nhiếp ảnh có bản lĩnh và sáng suốt.

Tác giả bài viết: Vũ Đức Tân

Tin liên quan