Hối hả thu hoạch vải thiều ở Bắc Giang

Những ngày này, người dân Bắc Giang đeo khẩu trang, tất bật thu hoạch, vận chuyển vải thiều chính vụ.

Nhiều vùng ở Bắc Giang đang vào chính vụ thu hoạch vải thiều, vải lai Thanh Hà. Tại thôn Tòng Lệnh 1 (xã Trường Giang, huyện Lục Nam), gia đình ông Nguyễn Văn Trung thu hoạch hơn 300 cây vải từ sáng sớm. Năm nay vải được mùa, được giá.

Vải được cắt bằng kéo, bó thành từng chùm ngay tại vườn. “Ở vùng này trồng được ba loại là vải u hồng chín sớm, vải thiều lai Thanh Hà và vải thiều chính vụ. Trong đó, vải thiều Thanh Hà quả to, vỏ đỏ, chín sớm nên dễ bán. Tuy nhiên, vải thường chín rộ nên phải thu hái nhanh nếu không sẽ bị già cùi và nhạt”, bà Nguyễn Thị Nhàn (đội nón), vợ ông Trung nói.

Mỗi chùm quả tươi nặng khoảng 4-5 kg, được cắt tỉa lá trước khi đưa đi tiêu thụ.https://44a726540fee0bdb5fdea16a52dac602.safeframe.googlesyndication.com/safeframe/1-0-38/html/container.html

Cách đó khoảng 500 m, anh Nguyễn Xuân Tài đẩy từng xe vải từ vườn ra đường để đưa đi bán. Gia đình anh Tài có 200 cây vải, thu hơn 2 tấn quả.

“Thu nhập chính của gia đình nhờ vào vườn vải nên từ 5h, tôi phải đưa chuyến vải đầu tiên đi bán, một ngày nếu chở bán nhanh có thể được 2 chuyến, mỗi chuyến từ 150 kg đến 200 kg, đến 9h30 thì nghỉ”, bà Nguyễn Thị Ngự (trái), mẹ anh Tài, nói.

Dòng xe máy chở vải từ huyện Lục Nam qua cầu phao Tòng Lệnh đến các chợ đầu mối ở huyện Lục Ngạn bán cho thương lái. Lúc cao điểm, hai con đường dẫn xuống cầu kẹt cứng, người dân phải mất hơn một tiếng để qua lại.https://44a726540fee0bdb5fdea16a52dac602.safeframe.googlesyndication.com/safeframe/1-0-38/html/container.html

Cây cầu hoạt động gần 5 năm nay, là con đường gần nhất để người dân đi lại, giao thương. Ngày mưa, nước dâng cao, cầu tròng trành; ngày nước thấp, lòng sông rộng tạo dốc cao khiến nhiều xe vải bị bốc đầu, ngã xuống sông.

Trên quốc lộ 31, đoạn thuộc huyện Lục Ngạn giao với huyện Lục Nam, cảnh sát cơ động hướng dẫn xe chở vải qua chốt kiểm dịch.

Do Covid-19 căng thẳng, huyện Lục Ngạn đã lập 3 chốt kiểm dịch lớn đặt trên quốc lộ và 39 chốt ở các xã. Mỗi chốt có khoảng 16 người gồm dân quân, cảnh sát, nhân viên y tế…, chia 2 ca làm việc suốt 20 ngày nay.

Theo quy định, người vận chuyển, thu mua vải hầu hết là người địa phương. Thương lái từ tỉnh khác đến huyện phải được xét nghiệm Covid-19 và có giấy chứng nhận âm tính, khi qua các chốt của xã được đo thân nhiệt và khai báo y tế.

Vải đưa đến nơi thu gom sẽ được phát phiếu báo giá, lái buôn ngã giá và mời chào ngay khi nhìn thấy quả to đỏ và đều.

Tại điểm thu mua, lái buôn thường thuê hàng chục thanh niên vận chuyển vải lên xe. Những người này được trả từ 400.000-1.000.000 đồng một ngày công tùy theo công việc.

Vài tiêu thụ ở các tỉnh lân cận thường được bốc xếp bằng xe tải hạng nhẹ. Những quả vải đưa đi tiêu thụ ở nơi xa và xuất đi Trung Quốc được ướp đá lạnh và chở bằng xe container.

Theo UBND huyện Lục Ngạn, đến ngày 9/6, toàn huyện đã tiêu thụ khoảng 30.000 tấn, trong đó vải sớm tiêu thụ được 24.622 tấn, vải chính vụ là 5.259 tấn. Giá bán hiện từ 10.000 đến 26.000 đồng/kg. Để tạo thuận lợi cho việc thu mua, tiêu thụ sản phẩm, huyện đã xét nghiệm Covid-19 cho hơn 1.100 người, chủ yếu là thương nhân, lái xe, người lao động, đồng thời cấp 544 giấy chứng nhận lô vải an toàn dịch bệnh.

Đến trưa 11/6, toàn tỉnh Bắc Giang ghi nhận 3.764 ca Covid-19, là vùng dịch lớn nhất cả nước.

Tin liên quan