Kéo lưới rùng Sơn Trà

Qua góc nhìn trên cao, quang cảnh ngư dân kéo lưới rùng ở Mân Thái hiện lên như bức tranh ‘vũ điệu trên biển’.

Quang cảnh kéo lưới rùng gần bờ tại bãi biển Mân Thái, nép mình bên chân núi Sơn Trà. Kéo lưới rùng là phương pháp đánh bắt bằng lưới gần bờ độc đáo, lưới bao vây một vùng biển và kéo lưới lên bờ để thu hoạch cá.

Vịnh Đà Nẵng có dãy núi Sơn Trà án ngữ, che chắn và ít có sóng lớn nên kéo lưới bắt cá thuận lợi.

Kéo lưới rùng là công việc đời thường của ngư dân địa phương nhưng qua góc nhìn nhiếp ảnh từ trên cao, vẻ đẹp của lưới trở thành những tác phẩm nghệ thuật.

Công việc kéo lưới này được thực hiện vào sáng sớm, nếu mẻ lưới đầu tiên có cá tôm thì ngư dân tiếp tục thả các mẻ lưới tiếp theo.

Mỗi đội kéo lưới rùng khoảng 15 người và đợt kéo lưới gần 2 tiếng, bao gồm việc chèo ghe thúng ra biển thả lưới.

Lưới quây cách bờ hơn 1 km theo vòng cánh cung, trên bờ chia ra 2 tốp đứng về hai bên, kéo giật lùi và dần tiến lại gần nhau khi lưới được kéo lại gần bờ.

Những ngư dân, chủ yếu là đàn ông căng mình kéo lưới với đôi bàn tay thoăn thoắt và những bước chân chịu lực trên các làn sóng dạt vào bờ.

Trong ảnh là khi những tấm lưới rùng được kéo lên bờ và chuẩn bị trút cá, tôm ra sọt.

Trên bờ là những người phụ nữ sẵn quang gánh, thúng và sọt chuẩn bị để đựng mẻ cá kéo lên. Họ chia nhau mang về hoặc bán cho những người đi tắm biển, tập thể dục buổi sáng.

Mẻ lưới tiếp theo được nhiều cá hơn, có thể kể đến các loại cá như cá nục, cá trích và cá cơm. Vào những ngày may mắn ngay luồng cá, ngư dân có thể kéo được hàng trăm kg cá có giá trị cao và bán cho các thương lái.

Nghề truyền thống kéo lưới rùng của ngư dân Mân Thái có từ nhiều đời, đến nay vẫn là nghề mưu sinh chính. Trải qua bao thăng trầm, làng nghề này vẫn được gìn giữ bởi nhiều thế hệ, tạo thêm thu nhập và góp phần bảo tồn nét đẹp văn hóa trong đời sống người dân miền biển Đà Nẵng.

Tin liên quan