Lặn 7-8 m ở biển Nha Trang hái rong mơ

Mùa rong mơ rộ trên vịnh Nha Trang, ngư dân bơi thúng ra biển khai thác, mỗi ngày kiếm hơn 500.000 đồng đến khoảng một triệu đồng.Video Player is loading.DừngHiện tại 0:16/Thời lượng 1:03Đã tải: 0%Tiến trình: 0%Bỏ tắt tiếngToàn màn hình

Khoảng 10h mỗi ngày, hàng chục thuyền thúng chất hàng tạ rong mơ chòng chành trên sóng, được ngư dân quẫy mạnh mái chèo, lấy trớn lướt cập bờ khu vực xã Phước Đồng (TP Nha Trang) sau buổi sáng khai thác ngoài biển.

Ông Nguyễn Văn Cường, 51 tuổi, sau khi tới bờ, dùng rổ nhỏ vớt từng tảng rong ướt trong khoang đưa lên bờ kè phơi khô. Rong mơ có màu nâu, mọc thành những bụi lớn, dài khoảng hai mét, thân tròn. Rong sẽ được phơi khô khoảng 8 tiếng, cuối ngày bán cho thương lái giá gần 7.000 đồng mỗi kg.

Rong mơ (sargassaceae) hay rau mơ, rong biển là thức ăn bổ dưỡng phổ biến của người dân miền biển, cũng là vị thuốc chữa bướu cổ, phù thũng, có tác dụng lợi tiểu. Khánh Hòa là một trong những địa phương có nhiều rong mơ, tập trung ở biển Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh…

Ông Nguyễn Văn Cường đưa rong mơ vào bờ sau khi hái. Ảnh: Bùi Toàn
Ông Nguyễn Văn Cường đưa rong mơ vào bờ sau khi hái. Ảnh: Bùi Toàn

Mùa khai thác rong mơ dài chừng hai tháng, từ tháng 3 đến tháng 5 âm lịch. Vào đầu vụ, rong mơ thường ngắn, nằm hẳn dưới nước nên ngư dân phải lặn sâu 4 sải (một sải khoảng 1,8 m) mới lấy được. Đến khi rong dài hai mét, nổi trên mặt nước, ngư dân ngồi thúng cũng vớt được. Những người quen con nước, thạo nghề lặn có thể khai thác mỗi ngày hơn một tấn rong.

Hàng ngày ngư dân khai thác phải dậy trước 4h, chèo thuyền thúng gần một tiếng đến vị trí cách bờ khoảng một hải lý, chờ thuỷ triều xuống mới lặn hái rong mơ. Chỉ với kính lặn và mang một chiếc áo dài tay, ngư dân có thể ngâm mình xuống nước hàng giờ để hái rong, công việc mỗi ngày chừng 5 tiếng.

Những người khai thác rong mơ bài bản hơn thường trang bị ghe nhỏ gắn máy chạy ra biển, mang đồ người nhái, ngậm dây dẫn khí để thở, lặn xuống dòng nước sâu để hái. Thời điểm nước lạnh, dầm mình lâu trong nước dễ bị chuột rút, nên cứ khoảng một tiếng, ngư dân lại leo lên thúng sưởi ấm ít phút rồi nhảy xuống biển tiếp tục công việc.

Rong mơ được đưa lên phơi khô trước khi bán cho thương lái. Ảnh: Bùi Toàn
Rong mơ được đưa lên phơi khô trước khi bán cho thương lái. Ảnh: Bùi Toàn

Hơn 15 kinh nghiệm đi biển, ông Cường nhận xét nghề khai thác rong mơ mang lại thu nhập ổn định trong mùa. Dịp này đang thời điểm cuối mùa, sản lượng rong mơ ít nên tuần qua mỗi ngày ông chỉ hái khoảng 60 kg (sau khi đã phơi khô), thu gần 500.000 đồng. Vào lúc cao điểm, mỗi ngày ông kiếm khoảng một triệu đồng. Nhờ nghề này, vợ chồng ông đủ tiền nuôi hai đứa con học hành.

Ở khu vực gần bờ kè xã Phước Đồng có hơn 10 hộ làm nghề hái rong mơ. Phần lớn đều là ngư dân mưu sinh trên biển. Hết mùa rong, họ trở lại nghề cũ như bẫy mực, câu cá, bắt tôm hùm… Một số người làm chọn cách ra khơi với tàu lớn kiếm thêm thu nhập.

Bà Hồ Thị Kim Hồng (ngụ xã Vĩnh Trường), thâm niên 5 năm khai thác rong mơ, cho biết nguồn thực vật này giúp các hộ dân có thêm thu nhập trong 2-3 tháng. Hầu hết ngư dân đều có hoàn cảnh khó khăn, không có tiền mua sắm thiết bị lặn, nên khó khai thác rong mơ khi nước lớn. Một số ngư dân lặn ở chỗ nước sâu, sóng lớn từng gặp tai nạn.

Thương lái kiểm tra rong mơ trước khi đem đến cơ sở chế biến. Ảnh: Bùi Toàn
Thương lái kiểm tra rong mơ trước khi đem đến cơ sở chế biến. Ảnh: Bùi Toàn

Theo bà Nguyễn Thị Hai, chuyên thu mua rong mơ ở xã Phước Đồng, cho biết mỗi ngày nhóm bà mua chừng hai tấn rong phơi khô. Giá rong lên xuống thất thường, tùy vào sức thu mua của đơn vị chế biến. Rong mơ sau khi thu gom được nhét vào bao tải chừng 30 kg, sau đó bốc lên xe tải, chở về xưởng sơ chế.

Rong mơ dùng để chế biến các loại nước uống, trà thanh nhiệt, có nhiều tác dụng trong y học cũng như công nghiệp. Nguyên liệu này cũng được thương lái thu mua xuất khẩu sang Trung Quốc. Thời gian qua ảnh hưởng dịch, thị trường tiêu thụ rong mơ giảm mạnh, nhiều người dân không còn mặn mà với nghề hái rong, một số chuyển sang nghề khác mưu sinh.

Tin liên quan