Người T’Rin thu hoạch lúa rẫy

Người T’Rin ở huyện Khánh Vĩnh gieo hạt trên sườn đồi, không tưới nước hay bón phân nhưng vẫn cho hạt lúa to tròn, dùng tay để thu hoạch.

Người TRin thu hoạch lúa rẫy trên triền núi huyện Khánh Vĩnh. Ảnh: Xuân Ngọc
Người T’Rin thu hoạch lúa rẫy trên triền núi. Ảnh: Xuân Ngọc

Tờ mờ sáng, chị Cà Thêm (37 tuổi, người T’Rin) mang theo nước, bao tải cho vào gùi vượt con suối cách nhà gần một km để lên sườn đồi ở xã Giang Ly, nơi cánh đồng lúa đang chín vàng, trĩu hạt. Gần 20 phút đi bộ, chị tới nơi. Thay vì dùng liềm, chị dùng tay tuốt từng hạt lúa cho vào gùi.

Công việc này đòi hỏi phải cận thận, sơ ý sẽ bị lá lúa cứa đứt tay. Cứ thế, khi nào lúa nặng gùi, chị cho vào bao tải, rồi tiếp tục công việc. “Mình quen dùng tay, làm như vậy sẽ thu lúa nhanh hơn mà không sợ hạt rơi xuống”, chị Thêm nói.

Gần nửa ngày, chị thu gần hai bao tải lúa (hơn 70 kg), đưa về nhà. Lúa được phơi dưới nắng, rồi đóng vào bao, gác lên cao giữ gìn. Mùa vụ này, gia đình chị Thêm thu hoạch được 700 kg lúa khi canh tác hơn 3.000 m2 đất đồi. Chị chọn vài chục kg lúa tốt, hạt to đều làm giống, số còn lại để dành ăn dần.

Chị Thêm cho biết lúa rẫy trồng trên đồi dốc, phía dưới nước suối chảy quanh năm. Vào tháng 7 âm lịch, mọi người trong bản gieo hạt bằng cách chọc lỗ, gieo hạt sau đó lấp đất. Họ chỉ làm cỏ đôi lần khi lúa mới có bông. Cây lúa phát triển tự nhiên, không tưới tắm, phân bón hay thuốc trừ sâu. Nhờ đất đai màu mỡ cây lúa phát triển tốt, cho hạt to tròn.

Chị Cà Thêm đổ lúa đã thu hoạch vào bao, để chở về nhà phơi khô để trữ. Ảnh: Xuân Ngọc
Chị Cà Thêm đổ lúa đã thu hoạch vào bao. Ảnh: Xuân Ngọc

Cách đó khoảng 40 m, chị Cà Hôm, 36 tuổi, đang thu hoạch lúa hộ cho chị gái trên diện tích rộng chừng 2.000 m2. Nhà có bốn chị em, chị Hôm là con gái út, lập gia đình, có con gái 4 tuổi. Họ dựng nhà cạnh nhau. Mỗi ngày cùng lên rẫy trồng chuối, mì, keo. Tới mùa vụ, các gia đình gọi nhau tập trung thu hoạch để lúa đỡ rụng, sau đó mọi người đổi công cho nhau, hoặc trả bằng lúa.

Gạo từ lúa rẫy dẻo, thơm, giá trị dinh dưỡng cao. Mỗi năm người dân chỉ trồng được một vụ, năng suất chỉ đủ ăn nên không bán ra ngoài. Vụ mùa vừa rồi, rẫy lúa của chị Cà Hôm cho năng suất 40 bao (mỗi bao 30-35 kg), đủ để dùng. Ngoài trồng lúa, người T’Rin canh tác thêm ngô, khoai, rau.

Người T’rin ở huyện Khánh Vĩnh xem gạo là sản vật quý. Sau khi thu hoạch, họ chọn những giạ lúa đẹp nhất đem nấu dâng lên các vị thần, cầu những điều tốt đẹp nhất, mong mùa màng bội thu. Các ngày lễ quan trọng như ăn đầu lúa mới, bỏ mả, báo hiếu… ngoài gà, vịt, heo, lễ vật dâng lên không thể thiếu hạt cơm, rượu cần nấu từ lúa rẫy.

Lúa rẫy trồng trên đồi, phát triển tự nhiên cho hạt to tròn. Ảnh: Xuân Ngọc
Lúa rẫy trồng trên đồi, phát triển tự nhiên cho hạt to tròn. Ảnh: Xuân Ngọc

Huyện Khánh Vĩnh có hơn 190 ha ruộng lúa rẫy, phân bổ ở các xã Giang Ly, Liêng Sang, Khánh Thượng, Cầu Bà… Ông Hà Duy, Phó chủ tịch UBND xã Giang Ly, cho biết địa hình tại địa phương là đồi núi. Người dân ở huyện chủ yếu là dân tộc thiểu số, làm nông nghiệp, trồng lúa, chuối, keo, thơm…

Theo ông Duy, vụ mùa vừa rồi, người dân trồng lúa được mùa, hơn 30 ha lúa cho năng suất khoảng 78 tấn (năm trước trung bình một ha khoảng 1,1 tấn). Địa phương khuyến khích người dân trồng lúa để giữ truyền thống bản xứ, ưu tiên vay vốn duy trì sản xuất.

Tin liên quan