Như con gà đẻ trứng Vàng

(Nhiếp ảnh Hà Nội) Ông là Trần Mạnh Thường…anh em tôi thường trêu đùa ông tên Thường nhưng chẳng thường tí nào, mà quá đặc biệt và siêu khác biệt so với chúng tôi. Cứ lâu lâu ông lại thông báo: Tớ vừa ra cuốn sách.

Vâng với ông chuyện ra sách rất bình thường cứ đều đều như gà đẻ trứng. Đến nay ông đã ra mắt 40 đầu sách từ các sách viết như nghiên cứu, khảo luận, lý luận phê bình nhiếp ảnh; sách ảnh, sách biên soạn v.v…

Với 40 đầu sách của một đời người cũng chẳng phải nhiều bởi có những tác giả suốt cuộc đời họ có thể viết hàng trăm đầu sách. Còn ông, tuy chỉ có 40 đầu sách thôi nhưng điều đặc biệt là trong số 40 đầu sách đó có tới 6 đầu sách được lưu giữ trong Thư viện Quốc hội Mỹ ở Wahington DC. Biết được điều đó bởi lần mấy anh em chúng tôi sang thăm nước Mỹ dịp tháng 3 năm 2008 để tham dự Lễ hội hoa Anh đào ở Thủ đô Washington, đến thăm thư viện Quốc hội Mỹ thì tình cờ phát hiện ra. Chắc sách phải có tầm cỡ giá trị thế nào mới được lưu giữ trong Thư viện Quốc hội của một nước TB hùng cường như nước Mỹ. Còn một điều đặc biệt nữa là ông chính thức được đào tạo nhiếp ảnh ở CHDC Đức cũ nay là CHLB Đức. Tốt nghiệp về nước ông hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng sau một thời gian chuyển sang lĩnh vực xuất bản và nhiếp ảnh rồi trở thành hội viên Hội NSNA Việt Nam, Nhà LLPB nhiếp ảnh trong số rất hiếm hoi các nhà LLPB nhiếp ảnh có tước hiệu (hẳn hoi) do Hội NSNA chính thức phong tặng. Thời gian này ông đã biên soạn và xuất bản nhiều sách viết, sách ảnh về nhiếp ảnh.

Hoạt động nhiếp ảnh nhưng ông yêu và say mê văn học nghệ thuật, chẳng biết từ bao giờ ông âm thầm đọc, nghiên cứu sưu tầm tra cứu đối chiếu các tài liệu, gạn lọc biên soạn để năm 2004 ông cho ra mắt bộ sách đồ sộ (trọn bộ 2 tập, mỗi tập dày 1500 trang) mang tựa đề “Các tác giả văn chương Việt Nam” từ thế kỷ thứ 10 (qua các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần ,Lê (hậu Lê), Nguyễn cho đến nay). Với trên 3000 trang sách ông đã tập hợp và giới thiệu hơn một ngàn nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu LLPB văn học, nhà viết kịch ở trong nước qua các thời kỳ, kể cả các nhà văn – những người đã định cư ở hải ngoại từ trước năm 1975 và sau 1975…Phải nói đây là một công trình khoa học có qui mô đồ sộ, đầy đủ nhất từ trước tới nay về các tác giả văn chương Việt Nam. Khi ra mắt cuốn sách này ông Nguyễn Hữu Thỉnh Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam trong bài phát biểu phải thốt lên “Tôi rất ngạc nhiên và phải cám ơn ông vì đã làm được cái việc mà cả Hội Nhà văn chúng tôi chưa ai làm được”. Nhiều cuốn sách với nhiều thể loại ông cho ra mắt từ những năm 2000 như: Những di sản nổi tiếng thế giới, Danh nhân thế giới, sách Những kiến thức cơ bản của nhiếp ảnh, Nhiếp ảnh và cuộc sống, Lý luận phê bình nhiếp ảnh…trong đó có nhiều cuốn được tái bản nhiều lần. Cứ đều đặn như vậy tựa như con gà đẻ trứng vàng… qua các năm ông đều đều cho ra mắt các tập sách và được độc giả nồng nhiệt đón nhận.

Để có được kết quả như vậy ông ngoài việc cần mẫn chịu khó viết với sức viết rất khỏe, trẻ với một trí lực dồi dào sung mãn, ông còn đi rất nhiều, đi để trải nghiệm và thu nạp vốn sống thực tế. Ông đã đi hầu khắp 63 tỉnh thành trong nước, không vùng miền nào không có dấu chân ông trong thời bình kể cả trong các cuộc chiến tranh chống Mỹ, chiến tranh biên giới Tây Nam và chiến tranh chống quân bành trướng xâm lược Trung Quốc vào những giai đoạn và thời kỳ khốc liệt nhất. Chính ông là người đã chụp bức hình quân dân ta bắt sống xe tăng Trung quốc xâm lược ở biên giới phía Bắc. Và một bức ảnh khác rất nổi tiếng, đó là bức ảnh một nữ chiến sỹ bộ đội việt Nam trên đường hành quân lên biên giới đã cứu sống và bế trên tay một bé gái đang khát sữa gào khóc bên xác người mẹ bị quân xâm lược Trung quốc giết trên tuyến biên giới. Bức ảnh đã làm lay động lòng người có lương tri trong nước và quốc tế, tố cáo tội ác quân xâm lược bành trướng TQ. Nay tuổi đã cao ngoài “bát thập” ông vẫn hăng say lên đường sáng tác. Tác giả viết bài này đã nhiều lần cùng ông trong những lần đi sáng tác, những chuyến đi xuyên Viêt. Tuổi cao nhưng ông vẫn khỏe, cân quắc, mắt vẫn tinh tường; đôi lúc cảm tưởng như sức vóc và tinh thần của ông so ra còn hơn cả lứa tuổi “lục tuần”, “thất thập” của anh em chúng tôi. Trong một chuyến đi xuyên Việt, cách nay vài năm, ông giành phần cầm lái suốt “chặng đi chặng về” (không cho ai thay lái) vòng qua các tỉnh miền Tây, trở lại TP Hồ Chí Minh lên cao nguyên Lâm Viên, Tây Nguyên rồi trở ra Bắc tính ra tất cả hơn 5000km. Nếu không có một sự cố nho nhỏ, chắc ông sẽ là người đạt kỷ lục Việt Nam: “Người cao tuổi nhất lái xe xuyên Việt chặng đường 5000km”.

Lần này ông ra mắt cuốn sách ảnh “Những nẻo đường tôi qua” tại Trung tâm lưu trữ ảnh nghệ thuật Việt Nam của Hội NSNA Việt Nam”. Các quan chức và đông đảo anh chị em hội viên Hội NSNA, các nghệ sỹ, các nhiếp ảnh gia và những người đam mê nhiếp ảnh đã tới dự xem triển lãm ảnh. Các cơ quan báo chí truyền thông: Thông tấn xã, truyền hình… đã đến dự đưa tin. Cũng ngay tại buổi lễ tác giả Trần Mạnh Thường ký tặng sách cho bạn đọc và những người đến dự. Cuốn sách ảnh là tập hợp các hình ảnh đất nước con người, phong cảnh đẹp đẹp nổi tiếng của trên 20 nước trong số 40 nước ông đã đi qua khắp 5 châu: Âu, Á, Phi, Mỹ (gồm cả Mỹ La tinh) và châu Úc. Anh em văn nghệ sỹ, báo chí và khách mời vui vẻ phấn khởi đón nhận món quà quý ông trao tặng.

Ông tuyên bố sau lần ra mắt cuốn sách này ông sẽ “rửa tay gác kiếm” (không đi chụp ảnh, không viết lách, xuất bản… gì nữa). Nhưng với “máu nghệ sỹ” đam mê, say nghề như ông cộng với thể lực tinh thần, trí tuệ sung mãn còn đang rừng rực trong các huyết quản, tôi chắc rằng ông sẽ không giữ được “lời nguyền” ấy. Bởi vì…tôi bật mí với các bạn, mới đây ông còn rỉ tai tôi: Tháng Ba tháng Tư này mấy anh em mình đi một chuyến Campuchia bằng đường bộ nhé. Thời tiết mùa này bên đó…”Đẹp lắm”…!

Bài: NSNA Cao Phong

Ảnh: NSNA Cao Phong và đồng nghiệp

Tin liên quan