Rừng lim cổ thụ lớn nhất xứ Thanh

Được trồng từ thời Pháp, rừng lim cả nghìn cây ở xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, được dân làng bảo vệ nghiêm ngặt, xem như “báu vật”.

Khu rừng rộng hơn 24,5 ha nằm trên hai thôn Bắc Sơn và Thái Học, xã Cẩm Tú. Theo Hạt Kiểm lâm huyện Cẩm Thủy, khu rừng được trồng từ hơn 100 năm trước, được coi là rừng lim cổ thụ lớn nhất Thanh Hóa.

Định kỳ hàng tuần, cán bộ kiểm lâm địa bàn sẽ cùng tổ bảo vệ gồm đại diện 9 hộ có rừng và chính quyền địa phương đi kiểm tra từng khu khoảnh của cánh rừng.

Một cây lim đường kính gần một mét nằm sâu trong rừng, dây leo, địa y quấn chằng chịt quanh thân.

Hơn 1.230 cây lim xanh ở Cẩm Tú có đường kính 60-150 cm. Nhiều cây thân lớn 2-3 người ôm không xuể.

Lim xanh thuộc nhóm gỗ quý hiếm nên được định vị từng cây. “Dù nằm ở vị trí tương đối bằng phẳng lại có con đường liên huyện từ Cẩm Thủy lên Bá Thước cắt qua và cách đường Hồ Chí Minh không xa, khu rừng chưa từng bị xâm hại, chặt phá lần nào suốt hàng chục năm qua…”, anh Lê Văn Tùng, kiểm lâm viên phụ trách địa bàn (góc phải), cho hay.

Trước đây, rừng lim được chính quyền địa phương và người dân trong làng bảo vệ. Người Bắc Sơn lập ra hương ước, nghiêm cấm người vào rừng chặt hạ cây. Từ năm 1993, toàn bộ diện tích rừng lim được giao khoán cho 9 hộ dân trông coi, chăm sóc.

Xen lẫn trong rừng lim còn có nhiều loài gỗ như xoan, lát, sến, táu…, song số lượng không nhiều do cây lim vươn tán cao, che bóng khiến chúng không thể phát triển vì thiếu ánh sáng.

Gia đình ông Đỗ Xuân Lĩnh (65 tuổi, thôn Bắc Sơn) được giao 4 ha rừng lim xanh từ 30 năm nay. Những lúc không làm đồng áng hay bận việc nhà, ông Lĩnh thường mang dao vào rừng trông coi và tỉa thưa, phát cây bụi quanh các gốc lim.

Đi rừng thường xuyên bị côn trùng, rắn rết cắn hoặc có khi bị thương do ngã vì bước phải đá tai mèo sắc nhọn, song ông Lĩnh nói “chưa bao giờ quên nhiệm vụ giữ rừng”. Hàng năm, ông và các hộ nhận giao khoán rừng được chính quyền hỗ trợ 200.000 đồng/ha tiền công, trước đây còn có thêm khoản 400.000 đồng/ha của ngành kiểm lâm song hiện chính sách này bị cắt. “Số tiền không đáng là bao song chúng tôi giữ rừng vì tình yêu thiên nhiên, cũng là trách nhiệm cho thế hệ mai sau”, ông nói.

Ông Lĩnh hiện được giao làm Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng lim xanh ở Cẩm Tú. Ngoài trông giữ hơn 4 ha được giao cho gia đình, ông còn thường xuyên cùng những nhân viên khác đi phát dọn cây cối mọc xung quanh, phát quang những tấm bảng biển cảnh báo “nghiêm cấm chặt phá rừng” để người dân biết và chấp hành quy định.

Hiện rừng lim Cẩm Tú có hàng chục cây chết khô, trơ trụi cành. Dù cây chết, không cơ quan chức năng hay người dân nào được phép chặt hạ.

Ông Lê Văn Phiên, Hạt phó Kiểm lâm huyện Cẩm Thủy, cho hay số cây chết rất nhiều song không được tận dụng do quy định pháp luật hiện hành dẫn đến lãng phí tài nguyên và có thể lây bệnh cho những cây lim khác xung quanh. Đơn vị đã kiểm đếm và đề xuất hướng xử lý song chưa được chấp thuận vì vướng các thủ tục pháp lý.

Ngoài số lim cổ thụ, trong rừng Bắc Sơn còn rất nhiều cây con mới mọc do hạt cây trưởng thành rụng xuống. Mỗi khi phát hiện, ông Lĩnh lại tỉ mỉ gỡ bỏ, phát quang những loại cây rừng mọc dại leo quấn quanh thân để lim con có điều kiện sinh trưởng tốt.

Lim xanh có tên khoa học là Erythrophleum fordii, thuộc loại thực vật phân họ Vang Caesalpiniaceae. Ở Việt Nam, lim xanh được xếp nằm trong nhóm gỗ “tứ thiết” quý hiếm (đinh, lim, sến, táu).

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, đến nay địa phương đã trồng mới được khoảng 20.000 ha rừng có lim xanh, bằng 10% diện tích trước đây. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ khôi phục và phát triển thêm 10.000 ha lim xanh, nâng diện tích toàn tỉnh lên 30.000 ha.

Lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Cẩm Thủy cho biết, rừng lim xanh ở Cẩm Tú là khu rừng có nhiều lim cổ thụ, đồng đều nhất Thanh Hóa và khu vực phía Bắc. Cơ quan chức năng đang khảo sát, lên phương án xây dựng thành Khu bảo tồn loài lim xanh nhằm bảo vệ nguồn gen quý.

Tin liên quan