(Nhiếp ảnh Hà Nội) Không chỉ người dân Myanmar, các thương nhân Trung Quốc cũng tới Yangon để gặp pháp sư, phù thủy nhằm xin lời khuyên, mong gặp được những may mắn trong cuộc sống.
“Tôi có thể nhìn thấy tương lai của bạn, và của mọi người tôi gặp. Tuy nhiên, bạn phải bắt đầu nghe theo những lời giáo huấn của Đức Phật, trước khi tôi nói với bạn mọi thứ”, U Aung Baung, một thầy phù thủy ở Myanmar mỉm cười khi lần đầu ông gặp nhà báo Fanny Potkin vào đêm tối, sau lưng ông lúc đó là ánh sáng lộng lẫy của ngôi chùa Shwedagon ở Yangon.
Ngày nay, tại Myanmar, những pháp sư này được cho là những người đạt được quyền lực nhờ tu hành, thông qua giáo lý Phật giáo, thiền định, phép thuật và thuật giả kim. Người dân tìm đến họ để xin sự giúp đỡ, cứu rỗi khỏi những phiền não, bệnh tật, khó khăn trong cuộc sống. Ảnh: BBC.
Trước lời nói của U Aung, cũng như muốn tìm hiểu hơn về tín ngưỡng của người dân Myanmar, Fanny đã tới Yangon – một trong những địa điểm Phật giáo thiêng liêng nhất của đất nước để tìm kiếm những Weikzas (Thánh pháp sư, phù thủy). Đây là những người hiện thân cho thế giới tâm linh.
“Tôi cũng khá khó khăn trong việc tin vào những điều huyền bí, nhưng tôi đã nhìn thấy tận mắt họ làm được những điều không thể giải thích”, một người có chức quyền ở Myanmar giấu tên nói với Fanny.
Còn với tầng lớp thấp hơn, họ không cần quá tỏ ra thận trọng để nói về quan điểm mê tín dị đoan. “Tôi hoàn toàn tin vào các phù thủy. Đã 3 lần tôi cầu nguyện, và họ đã hiện ra trong tâm trí tôi để chỉ bảo”, một người lái taxi cho biết.
Trong thực tế, phù thủy rất có ảnh hưởng trong xã hội Myanmar. Họ có miếu thờ riêng, gọi là weikza tazaungs. Những miếu thờ này du khách có thể tìm thấy tại các đền, chùa thờ Phật trong cả nước. Những pháp sư, phù thủy sẽ sống ở đây và mọi người tìm đến họ hàng ngày để cầu nguyện và xin sự giúp đỡ từ người mà họ tin là có phép thuật.
U Aung Baung sống ở một weikza tazaung tại Shwedagon, ngôi chùa lớn nhất Yangon. Ông nói rằng mình đã 93 tuổi và tu luyện để trở thành phù thủy được 37 năm. Theo tiết lộ của U Aung, một số phù thủy khi đạt tới cảnh giới nhất định có thể bay. Tuy vậy, ông lại từ chối tiết lộ chính xác về năng lực siêu nhiên của mình.
Công việc hàng ngày của ông là đi khắp đất nước, đưa ra những lời khuyên, giúp đỡ người dân để đổi lại thức ăn. Người dân Myanmar tin rằng, một người khi đã tu thành chính quả sẽ trở nên bất tử. Cơ thể họ sẽ biến mất và họ tiến vào thế giới huyền bí, đứng từ trên cao nhìn xuống để theo cõi cuộc sống trần gian.
U Tin Naing, một phù thủy khác cũng sống trong chùa Shwedagon, đã có vợ và hai con. Năng lực của U Tin là có thể xua đuổi những linh hồn ma quỷ. Ông cũng có thể chữa bệnh và trừ tà.
Chân dung thầy phù thủy U Tin Naing. Ông nhìn như 60 tuổi, dù luôn nhận mình đã 90. Ảnh: BBC.
Một trong những phép thuật bí ẩn nhất của giới phù thủy là thuật giả kim. Tuy vậy, các phù thủy giả kim thường rất hiếm và khó có thể gặp. Một học giả người Pháp tiết lộ với Fanny về việc từng gặp một thuật sĩ giả kim 20 năm trước: “Ông ấy đọc một câu thần chú, và trên tay tôi xuất hiện một viên đá thủy ngân – thứ mà trước đó vẫn ở trong bình thủy ngân ông ấy đang cầm. Khi về Paris, tôi làm mất viên đá. 4 năm sau gặp lại, thuật sĩ này đã nói chính xác nơi tôi làm mất viên đá và cho tôi một viên khác. Lần này, nó nằm ngay trong balo đã bị khóa kín của tôi”.
Ngày nay, nhiều người có học vấn không tin vào phù thủy, những người tin phần lớn là dân nghèo, ít học. Năm 2013, hình ảnh và thông tin về những thuật sĩ giả kim, pháp sư, phù thủy bị chính quyền quản lý chặt chẽ. Sau khi Myanmar hội nhập thế giới, nhiều quyển sách viết về phù thủy mới được thường xuyên đề cập hơn.
Không chỉ người Myanmar, các thương nhân Trung Quốc cũng đến thăm các phù thủy để tìm kiếm những lời khuyên, vận may cho việc kinh doanh của mình, tiến sĩ Thomas Patton, một chuyên gia nghiên cứu về phù thủy tại đại học Hong Kong cho biết.