Người Sài Gòn phát cơm, mở ‘gian hàng 0 đồng’

Phát cơm miễn phí, mở “gian hàng 0 đồng”… là những hoạt động tương trợ của người dân TP HCM cho người nghèo, các gia đình trong khu cách ly.

Gần chục ngày nay, “Gian hàng 0 đồng” được đặt tại khu cách ly ở hẻm 17, đường Gò Dầu (quận Tân Phú) để tiếp tế nhu yếu phẩm cho bà con tại đây như rau củ, trứng, gạo, mì tôm… Đây là hoạt động do UBND phường Tân Quý thực hiện.

8h mỗi ngày, các đoàn viên ra chợ chọn mua các loại rau củ quả, trứng, gạo… về để đưa lên kệ “Gian hàng 0 đồng”.

Ông Nguyễn Quốc Huy, Chủ tịch UBND phường Tân Quý cho biết, mỗi ngày gian hàng được cung cấp hơn 100 kg rau củ quả (12 loại), hàng trăm gói mì, 500 quả trứng, 160 cân thịt heo, 40 chai dầu ăn, 100 hộp đồ hộp các loại.

Khoảng 10h, hàng hoá, thực phẩm mua từ chợ được sắp xếp gọn gàng lên kệ. Số lượng yếu phẩm đủ phục vụ cho hơn 300 nhân khẩu của 73 hộ gia đình nằm trong điểm cách ly.

Sau khi được thông báo, các hộ dân lần lượt ra nhận nhu yếu phẩm. Họ phải rửa tay khử khuẩn, đeo khẩu trang đầy đủ khi đi “chợ” 0 đồng.

Người dân hẻm 17 nhận thức ăn từ bên ngoài do người dân bên ngoài khu cách ly mua giùm.

Theo Chủ tịch UBND phường Tân Quý, cán bộ phường thường xuyên liên lạc với bà con trong khu cách ly để nắm bắt được nhu cầu hàng hoá thiết yếu mỗi ngày. Ngoài thực phẩm, họ còn được hỗ trợ mua những vật dụng cần thiết trong sinh hoạt.

Từ ngày 31/5, khi quận Gò Vấp bắt đầu giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nhà hàng của anh Dương Thiện Chơn tạm ngưng hoạt động. Tận dụng không gian và bếp, anh Chơn cùng hàng chục nhân viên nấu cơm phát miễn phí cho người khó khăn.

Mỗi ngày từ 10h, nhân viên quán bắt đầu chuẩn bị khoảng 800 suất cơm cho bà con nghèo. Từ trước đó, rất nhiều người đã đến xếp hàng dài ra tận cổng chờ nhận cơm.

Trong khoảng sân rộng gần 800 m2, bàn ghế được thu gọn lại, kê thành hai lối để bà con xếp hàng theo hàng khi nhận cơm từ thiện.

“Mỗi ngày hết gần 10 triệu tiền đi chợ, nấu nướng. Mọi người phải dậy sớm để làm thức ăn, làm luôn tay đến quá trưa mới xong. Kinh doanh ngưng trệ nhưng tôi vẫn lo được nên muốn chia sẻ gánh nặng cơm áo với bà con nghèo”, chủ nhà hàng cho biết.

Ở gần cổng, hơn 50 người ngồi trên ghế đã giữ khoảng cách, chờ đến lượt vào hàng nhận bữa cơm trưa. Do số lượng người đến lấy đông nên chỉ chưa đầy một tiếng đã phát hết cơm. Nhiều lúc hết đồ ăn, nhân viên quán phải chiên tạm trứng cho người đến sau.

Anh Chơn cho biết, khi thấy việc làm thiện của nhà hàng, nhiều người cũng tới góp thêm gạo, gia vị, thực phẩm… để hỗ trợ bà con nghèo qua cơn đại dịch.

Bà Mến ngoài khẩu trang còn đeo thêm kính chống giọt bắn khi đi nhận cơm từ thiện. “Thu nhập của tôi chủ yếu dựa vào giúp việc nhà mà nửa tháng nay không còn nữa. Mỗi ngày tôi đều đến đây lấy hai phần cơm cho mình và đứa cháu, cũng đỡ một phần trang trải cuộc sống”, người phụ nữ 54 tuổi nói.

Một tuần này, anh Phước Toàn đều đi ôtô từ phường Thạnh Lộc (quận 12) xuống lấy 100 suất cơm cho những cán bộ, chiến sĩ đang trực ở chốt chống dịch. Cùng với quận Gò Vấp, phường Thạnh Lộc cũng giãn cách theo Chỉ thị 16 do ghi nhận nhiều ca Covid-19.

“Mình không nấu được nhiều cơm nên bỏ công đi lấy vậy, ngoài ra mỗi ngày tôi có mua thêm sữa và nước giải khát cho mọi người trực ở chốt, cũng là cách tiếp sức cho tuyến đầu chống dịch”, anh Phước cho biết.

Cũng tại quận Gò Vấp, ngày 4/6 ông Nguyễn Đức Dưỡng (bên trái, chủ nhà trọ) chuẩn bị gạo, dầu ăn, mắm… cùng số tiền 500.000 đồng cho mỗi phần quà để giúp đỡ 24 hộ đang trọ tại nhà mình.

“Dịch bệnh người thuê trọ phải nghỉ việc, thu nhập khó khăn, của ít lòng nhiều với phần quà nhỏ giúp bà con có cơm gạo ăn”, ông Dưỡng nói, tay phụ xếp các bao gạo lên bàn.

Chị Nguyễn Thị Lanh cùng con gái 3 tuổi nhận phần quà từ ông Dưỡng. “Dịch bùng phát vợ chồng tôi phải ở nhà, không có lương nữa. Từ ngày vào Sài Gòn đây là lần đầu tôi nhận được quà từ chủ trọ, cảm thấy ấm lòng”, chị Lanh nói.

Đến ngày 7/6, TP HCM ghi nhận 422 ca Covid-19, hiện 7.770 người đang cách ly tập trung, 13.714 trường hợp đang cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú.

Tin liên quan