Chùa Hương – Mảnh đất linh thiêng

(Nhiếp ảnh Hà Nội) Cứ mỗi độ Xuân về, hoa mơ, hoa mận nở trắng núi rừng Hương Sơn, cũng là lúc hàng ngàn, hàng triệu phật tử và du khách khắp bốn phương nô nức kéo về trảy hội Chùa Hương. Lễ hội Chùa Hương là lễ hội Xuân lớn nhất, độc đáo nhất, dài nhất ở nước ta. Khai hội vào ngày mùng sáu tháng Giêng âm lịch hàng năm và kéo dài đến gần hết tháng Ba âm lịch. Một chuyến hành trình linh thiêng, huyền bí về miền đất Phật, nơi Đức Quán Thế Âm Bồ Tát ứng hiện tu hành, để dâng lên Người một lời cầu nguyện, một nén tâm hương.

Nhat tam

Cầu an

Chùa Hương còn có tên gọi là Hương Sơn là một quần thể kiến trúc văn hóa tâm linh cổ kính, một trong những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Ðức, Hà Nội, cách trung tâm khoảng 70km. Chùa Hương là một quần thể văn hóa Phật giáo, tập hợp nhiều hang động, chùa chiền, đình đền… Nơi thờ Phật, thờ thánh, thờ mẫu, thờ tín ngưỡng nông nghiệp gắn liền với biết bao huyền thoại, truyền thuyết thật linh thiêng, thật độc đáo, thật đặc biệt và cũng thật huyền diệu. Vào ngày khai hội, Chùa Hương càng trở nên tưng bừng, náo nhiệt hơn với các điệu múa Rồng ở sân đền Trình, bơi thuyền trên dòng suối Yến v.v…

 

Loi nho

Lối nhỏ

Trong suốt những ngày hội là sự thành kính, hoan hỷ của các bậc cao niên, sự nồng nhiệt của tuổi trẻ cùng du khách trong và ngoài nước khắp nơi tụ về. Nét độc đáo của hội Chùa Hương là thú vui ngồi thuyền trên dòng suối Yến uốn lượn mềm mại, ngắm cảnh non xanh núi biếc, khiến ta như lạc vào chốn bồng lai Tiên cảnh với cảm xúc thực, hư đan xen lẫn nhau. Ven núi có hang Sơn – Thủy hữu tình, hang Long Vân, hang Cá, trên cao lại có hang Hồng Sự, hang Sũng Sàm, hang Trú Quân, động Tiên, động Tuyết, động Hương Tích v.v…

Trai tim Phat

Goc dong

Một góc động

Tới đâu cũng thấy những dấu tích lịch sử vẫn còn in trên các triền núi, các hang động, lẫn cả vào thiên nhiên đầy thơ mộng, huyền diệu. Người và cảnh hòa quyện vào nhau càng tạo nên nét rất độc đáo, rất riêng, rất đẹp, rất thơ của Hương Sơn. Người vào ra, lên xuống, bồng bềnh xen lẫn những đám mây, đám sương nhè nhẹ trên khắp các nẻo đường, từ những triền núi thấp cao, cho đến các con thuyền nhỏ trên dòng suối Yến tấp nập vào ra. Chẳng quen mà ai nấy đều hân hoan chào nhau không ngớt, rất đằm thắm, nhẹ nhàng, ấm áp: “Nam Mô A Di Đà Phật!”.

Suoi Yen - Mua hoa Gao

Suối Yến ngày hội

Hội Chùa Hương trải rộng trên ba tuyến: Hương Tích, Tuyết Sơn và Long Vân. Đông vui, nhộn nhịp nhất vẫn là chính hội vào tháng Hai âm lịch. Trảy hội Chùa Hương không chỉ giành cho những người đi lễ Phật mà còn là dịp để các nhiếp ảnh gia, các du khách thưởng ngoạn cảnh đẹp mê hồn, non nước hữu tình đầy cuốn hút của biết bao hình sông thế núi, của các công trình lớn nhỏ đặc sắc, độc đáo nơi đây. Tôi cũng hòa vào dòng người đi lễ hội với nhiều cung bậc cảm xúc trước cảnh non nước hữu tình, rất nên thơ nơi đây.

Ben Duc ngay hoi

Bến Đục vào hội

Cap treo Chua Huong

Hệ thống cáp treo Chùa Hương

wSuoi Yen ngay hoi (1)

Đền Trình – Ngũ Nhạc

Đi trảy hội Chùa Hương, chúng tôi bắt đầu bằng cuộc hành trình từ bến Đục xuôi dòng suối Yến uốn lượn dưới chân núi, cánh rừng bằng một chiếc thuyền nhỏ. Dòng suối Yến mềm mại như một dải lụa trắng nối liền giữa cuộc đời trần tục, ồn ào với chốn bồng lai tiên cảnh thanh tịnh như thực như mơ. Những con thuyền như những chiếc lá bồng bềnh, nhẹ lướt theo dòng nước mềm mại, êm đềm. Trước khi đến Chùa Thiên Trù, Hương Tích, chúng tôi ghé qua đền Trình – Ngũ Nhạc thắp nén hương thơm trình lên thần linh một lòng thành kính. Tiếp tục cuộc hành trình, con thuyền đưa chúng tôi qua bao cánh rừng, ngọn núi trùng trùng điệp điệp, nối tiếp nhau hai bên bờ. Xa xa thấp thoáng những mái chùa lúc ẩn lúc hiện. Thả hồn vào phong cảnh thiên nhiên sơn thủy hữu tình, tôi thỏa sức ngắm nhìn và chụp ảnh những con thuyền ngược xuôi tấp nập; những ngọn núi với những cái tên vô cùng gần gũi thân thiết: núi Con Voi, núi Lọng Cụp, núi Mâm Xôi Con Gà, núi Đổi Chèo…  Tương truyền nơi đây có 100 ngọn núi, 99 ngọn đều quay đầu về hướng Động Hương Tích lễ Phật, chỉ riêng núi Tượng lại bướng bỉnh ngoảnh đầu đi nơi khác nên bị Vị Hộ Pháp vung gươm chém sạt một bên hông…

Nang tren Suoi Yen

Nắng trên Suối Yến

Thuyền tới bến Trò, từ đây chúng tôi men theo đường lên Chùa Thiên Trù hay còn gọi là Chùa Ngoài. Tới nơi, ai nấy đều thắp vài nén tâm hương nhất tâm cầu Đức Phật phù hộ cho chân cứng đá mềm để tiếp tục cuộc hành hương đáng nhớ. Vào tới Động Hương Tích hay còn gọi là Chùa Trong – nơi quan trọng nhất, linh thiêng nhất và cũng đẹp nhất của Hương Sơn. Để tới Động Hương Tích, chúng tôi đi qua nhiều địa danh nổi tiếng như: Động Tiên Sơn, Chùa Giải oan, Đền Cửa Võng, Giếng Long Tuyền, Am Phật Tích, Động Tuyết Quỳnh… và qua nhiều bậc đá đã mòn vẹt, trơn nhẫy, cao chênh vênh, cheo leo tưởng chừng như không thể vượt quá được. Ấy thế mà chẳng một ai ca thán, than thở, mọi người vẫn cứ hồ hởi băng băng đi như trên đường bằng phẳng. Vừa đi chúng tôi vừa luôn miệng cầu nguyện: Nam Mô A Di Đà Phật! một cách khoan thai, hoan hỷ. Tôi leo theo các bậc đá với những cảm xúc lâng lâng, thanh thản, yên bình. Cứ thế chúng tôi vừa đi vừa chụp ảnh phong cảnh hữu tình mà không thấy chán. Đoàn người cứ vào ra tấp nập và chào nhau không ngớt “Nam Mô A Di Đà Phật!” vui như Tết, làm vơi đi nỗi mệt mỏi dọc đường. Thế rồi những dốc núi, những tảng đá cũng qua đi, trước mắt chúng tôi hiện ra cửa Động Hương Tích với dòng chữ “Nam Thiên Đệ Nhất Động” của Chúa Trịnh Sâm viết năm 1770. Từ cửa động đi xuống dưới lòng hang chúng tôi phải vượt qua chừng một trăm bậc đá. Càng xuống sâu dưới hang càng sáng sủa hơn, thoáng mát hơn, tâm hồn cũng thấy nhẹ nhõm, thanh thản hơn. Trong giây lát, bao nhiêu mệt nhọc của đoạn đường dài leo núi đều tan biến, trong tôi lại trào dâng một niềm vui rộn ràng, lâng lâng khó tả. Trong Động Hương Tích có muôn vàn tượng Phật lớn nhỏ, có những pho tượng được khắc vào đá, được tạc lên các nhũ thạch rủ xuống muôn màu, muôn sắc. Nhưng đẹp nhất, bề thế nhất vẫn là bức tượng Đức Phật Quán Thế Âm Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn được thờ ở chính giữa.

Le cau an

Dong Huong Tich dem hoi

Động Hương Tích đêm hội Quan Thế Âm Bồ Tát

Lễ hội Chùa Hương luôn gắn liền với lễ hội truyền thống Quán Thế Âm Bồ Tát, là lễ hội văn hóa dân gian mang đậm nét văn hóa tâm linh của người Việt. Lễ hội Quán Thế Âm Bồ Tát ở Chùa Hương được tổ chức vào ngày 18 – 19 tháng Hai âm lịch hàng năm. Đêm 18 rạng sáng 19 là đêm quan trọng nhất, linh thiêng nhất và cũng đông vui nhất ở Động Hương Tích. Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát có thể hóa hiện nhiều ứng hóa thân, là hiện thân của lòng từ bi – đoạn trừ khổ đau, đem lại an lạc cho chúng sinh. Sự hiện thị của nàng công chúa Ba –Phật Bà Chùa Hương đã nhắc nhở mọi người lấy tâm đức, hiếu nghĩa làm trọng, lấy sự hy sinh quên mình đem lại hạnh phúc, an lạc cho mọi người. Đó chính là nguồn sinh lực mạnh mẽ nhất, đẹp đẽ nhất dâng cho đời, cho Ðạo Phật, cho dân tộc, cho mình.

Duong len Thien Tru

Đường lên Thiên Trù

Du ngoạn hội Chùa Hương vào dịp cuối tháng Hai âm lịch, chúng tôi được ngắm và chụp những cánh rừng mơ vàng óng, quả to, mọng, tỏa hương thơm dịu mát nổi tiếng khắp cả nước, đặc sản của Chùa Hương – một hương vị thật đặc biệt hiếm nơi nào có được. Lòng xốn xang, một cảm xúc khó tả trào dâng trong tôi khiến tôi như đang lạc vào chốn Tiên cảnh, vừa xa lạ, vừa gần gũi, vừa êm dịu, vừa giải thoát, vừa thanh tịnh khi tới Chùa Hương. Dường như tôi nghe thấy cỏ cây hoa lá cũng đang uốn mình, lay động, vang lên bởi những làn gió Xuân rì rào, nhẹ lướt như góp lời thuyết pháp của thiên nhiên vào thế giới Cực Lạc nơi đất Phật. Điều đáng quý nhất, đáng nhớ nhất và cũng đầy ấn tượng là bất kỳ ai đến Chùa Hương cũng luôn cảm nhận một niềm vui khôn tả, một sự thoát tục đầy ấn tượng khó phai về một chốn bồng lai Tiên cảnh giữa trần gian. Hương Sơn vẫn giữ nguyên được vẻ đẹp hoang sơ, kỳ thú, đặc sắc và rất riêng sẽ còn đọng lại mãi trong tôi, trong bạn, trong mọi người.

wb1DSC_7841

Suối Yến mùa hoa Súng

Bài, ảnh: NSNA Tuyết Minh

Tin liên quan