QUẢNG NAMSau ba tháng cắm cọc dày đặc trên sông Đầm để dụ cá đến ở, ông Sửu và ông Trung lại tới giăng lưới, nhổ cọc bắt cá.
Sáng ngày giữa tháng 3, nước sông Đầm xuống cạn, ông Võ Sửu, 55 tuổi và Trần Minh Trung, 58 tuổi, trú xã Tam Thăng, TP Tam Kỳ rời nhà. Họ đến bến thuyền thôn Vĩnh Bình, lên ghe chở theo tấm lưới và nhiều dụng cụ đi hơn 15 phút ra bãi cọc cắm trên sông cách bờ 50 m bắt đầu công việc.
Neo chiếc ghe, ông Sửu lội xuống nước ngập đến ngực và thả tấm lưới dài khoảng 50 m, cao 5 m. Lưới đi đến đâu, ông Sửu treo phao cách mặt nước một mét, ông Trung lặn xuống cho phần chì mắc chặt dưới bùn. “Nếu không làm cách này cá nghe tiếng động chui hoặc nhảy ra ngoài hết”, ông Sửu giải thích.
Tấm lưới vây quanh bãi cọc, ông Trung vào phía trong lưới nhổ cọc lên, ông Sửu đứng phía ngoài nhận lấy rồi cắm xuống nước. Công việc của hai người lặp đi lặp lại cho đến khi tấm lưới thu hẹp dần. Tiếng động phát ra, cá nhảy lên khỏi mặt nước tìm cách thoát ra nhưng bị lưới chắn lại. Sau ba giờ, hai người nhổ hết cọc, lưới được dần thu hẹp khoảng 5 m2 thì họ vào trong bắt cá.
Cá mắc kẹt trong lưới nhưng dưới nước rất khó bắt nên phải dùng đến vợt xúc. Mỗi lần ông Trung xúc chỉ có cá nhỏ lọt vào, cá to chạy thoát rất nhanh. Để bắt cá to, ông phải lặn xuống và lựa thế ép cá mắc vào lưới mới bắt được.
Hai ngư dân bắt được nhiều cá chép, lóc, nheo, thát lát, rô phi, tôm càng xanh… Tất cả được đưa lên khoang, đổ nước vào lấp xấp. Khi khoang đầy, ông Trung lựa con to cho vào túi lưới bỏ xuống nước. “Làm thế này cá sống lâu, còn để trên ghe chật chội, gặp nắng nóng chúng bị chết bán mất giá”, ông Trung nói.
Sau bốn giờ dỡ cọc, hai ngư dân dọn lưới, cho cá lên ghe về bến. Thành quả họ thu được hơn một tạ cá, trong đó hơn 70 kg rô phi, 20 kg chép, 2 kg cá nheo, 2 kg lóc, 3 kg thát lác, nửa kg tôm càng xanh. Rô phi lớn giá 10.000 đồng kg, cá nhỏ làm thức ăn chăn nuôi, cá chép bán giá 50.000 đồng, cá thát lát 80.000 đồng, cá lóc 100.000 đồng, tôm càng xanh hơn 600.000 đồng một kg. Bán hết số cá, hai người thu được 2 triệu đồng. “Lần dỡ chuôm trúng, cá nhiều, bán được 8 triệu đồng, lần ít khoảng 500.000 đồng”, ông Trung chia sẻ.
Nghề cắm cọc làm chuôm bắt cá trên sông Đầm có từ xa xưa. Sông Đầm là hồ nước thông với sông Bàn Thạch, rộng gần 200 hecta thuộc xã Tam Thăng, Tam Phú và phường An Phú, cách trung tâm TP Tam Kỳ 4 km. Mỗi ngày nước lên xuống theo thủy triều, độ sâu trung bình 1,6 m. Quanh sông có khoảng 300 hecta ven bờ. Nơi đây có thảm thực vật, hệ động vật đa dạng, cá tôm, lau sậy, cói, sen, súng, tạo nên vẻ đẹp nguyên sơ.
Để bắt cá, ông Trung và ông Sửu chặt tre, thân, cành cây cắm xuống làm chuôm. Mỗi chuôm cọc cắm dày đặc rộng khoảng 20 m2 dụ cá đến ở, phía ngoài được làm một hàng rào xung quanh ngăn ghe thuyền vào đánh bắt.
Cứ ba tháng một lần khi nước xuống cạn, hai người đến dỡ cọc bắt cá. “Nghề này không phải đầu tư nhiều, tre, thân cây sẵn có nên chỉ mất công đốn hạ và cắm. Tôi mua tấm lưới hơn một triệu đồng dùng trong nhiều năm mới hỏng”, ông Trung nói và cho hay hoàn thành một cái chuôm mất khoảng 10 ngày.
Cách chỗ ông Sửu hơn 500 m, anh Nguyễn Văn Ba, 40 tuổi và ba người khác cùng xã Tam Thăng, đang dỡ cọc bắt cá. Cách làm cũng tương tự, họ ngâm mình trong nước vây lưới dỡ cọc. Bắt cá xong, họ cắm cọc lại như cũ để tiếp tục bắt đợt sau.
Nhóm của anh Ba làm năm cái chuôm, mỗi ngày nước cạn họ dỡ được hai cái, số còn lại chờ đến ngày hôm sau nước cạn mới bắt. “Không phải lúc nào cũng dỡ cọc bắt được nhiều cá, kinh nghiệm là năm nào mưa lũ nhiều mới bắt được nhiều”, anh nói và cho biết sẽ nghe ngóng người khác bắt được nhiều thì mới đi. Nếu không mất cả buổi dỡ lên mà bắt được ít cá, tính ra ngày công không cao.
“Trước Tết Nguyên đán 2022, tôi dỡ chuôm bắt được hai tạ, song lần này dỡ hai chuôm mới bắt được gần 2 tạ. Số cá này bán thu 4 triệu đồng và chia đều cho mỗi người”, anh Ba nói. Cá ở sông Đầm hoàn toàn tự nhiên nên ăn ngon. Thịt cá chắc, ngọt, dai thơm và lượng mỡ cũng ít, được nhiều người ưa chuộng.