(Khám phá) “Lò lu Đại Hưng” có lịch sử trên 150 năm, là nơi sản xuất và bảo tồn nghề gốm truyền thống.
Lò lu Đại Hưng có lịch sử trên 150 năm; với người chủ sáng lập đầu tiên là một người Hoa gốc Quảng Đông, Trung Quốc, trong cộng đồng di cư đến vùng đất này vào khoảng thế kỷ 17-18. Lò lu Đại Hưng đã trải qua nhiều thăng trầm, với nhiều đời chủ. Có những quãng thời gian khó khăn, Lò lu Đại Hưng tưởng như phải đóng cửa ngừng sản xuất. Cơ sở cũng đã từng suýt bị giải thể vì bị cho rằng gây ô nhiễm môi trường; nhưng may mắn đã được giữ lại với quan điểm bảo tồn nghề truyền thống.
Tháng 10/2006, Lò lu Đại Hưng đã được UBND tỉnh Bình Dương xếp hạng di tích cấp tỉnh. Người có công giữ gìn cơ sở và bảo tồn, phát triển nghề là ông Bùi Văn Giang (Tám Giang), người chủ thứ 5, tới nay đã có 25 năm gắn bó, quản lý lò gốm cổ này.
Sản phẩm của Đại Hưng chủ yếu là sản phẩm gốm gia dụng, thiết thực cho đời sống của những người làm nông – ngư nghiệp, không sản xuất hàng gốm mỹ nghệ. Mỗi ngày trung bình lò xuất xưởng khoảng 300 sản phẩm các loại, tiêu thụ nhiều ở các tỉnh miền Tây và cả Campuchia, Thái Lan, vận chuyển theo đường giao thông thuỷ.
Trong ảnh là ông Hồ Văn Lớn, 75 tuổi, đang gia công một chiếc khạp. Ông theo nghề gốm từ năm 21 tuổi và đã có 15 năm gắn bó với Lò lu Đại Hưng. Đất sét được cắt thành miếng, cán mỏng làm thành khạp và đưa vào khuôn tròn đặt ngược.
Phần miệng trên của khạp được tiếp tục bổ sung bằng một rẻo đất khác
Cả hệ khuôn được lật ngược lại, xén và làm mịn phần miệng trên. Sau đó khuôn được nhấc ra. Đây chỉ là nửa trên của chiếc khạp, nửa dưới có đáy được làm độc lập tương tự.
Nửa trên và nửa dưới được phơi trong một thời gian ngắn, khi đủ cứng sẽ ghép lại với nhau.
Xưởng còn chuyên làm ống thoát nước, sản phẩm này cũng có thể sử dụng làm ống khói. Chị Nguyễn Thị Thanh Tâm (ảnh), đã có 15 năm trong nghề. Đất được đưa vào hai nửa khuôn và ghép lại với nhau. Sau đó miết vết ghép nối. Độ dài đoạn ống được tính đủ cho tay thò vào thao tác ở hai đầu ống.
Một người thợ khác đang làm đoạn nối vuông góc của ống (được gọi là “cút”).
Công đoạn tráng men cũng được làm thủ công với từng sản phẩm một.
Các sản phẩm được phơi khô, kiểm tra và xếp vào lò nung. Lò nung Đại Hưng là kiểu lò bao, với hình cuốn như vỏ sỏ úp nối nhau từ thấp đến cao. Có tổng cộng 15 lò, căn đầu tiên là nơi mồi lửa, nhiên liệu đốt là củi. Hai bên lò có cửa để đưa sản phẩm vào. Sau khi xếp sản phẩm vào lò, các cửa lò sẽ được xây trám, bịt kín, chỉ chừa một lỗ nhỏ – gọi là mắt lò, để tiếp củi vào và quan sát lửa. Lò được đốt ở 1200 độ C, thời gian 4-6 tiếng. Những thợ lò cho biết, mỗi mẻ sản phẩm sau nung đạt khoảng 90%.
Ông Bùi Văn Giang (Tám Giang), chủ lò đang kiểm tra thợ gia công sản phẩm. Trải qua thời gian cùng những thăng trầm lịch sử, và những thay đổi của đời sống, xã hội, Lò lu Đại Hưng vẫn giữ cách thức sản xuất thủ công truyền thống như xưa, không sử dụng máy móc (trừ khâu làm đất); trong khi các cơ sở gốm khác ở Bình Dương đã thay đổi, cơ giới hoá nhiều. Đây là quan điểm bảo tồn của ông chủ Tám Giang cũng như Sở Văn hoá – Thể thao – Du lịch tỉnh Bình Dương.
Những sản phẩm ở đây vẫn được làm theo cách thức cổ truyền xưa với hình dáng, chất liệu, màu sắc sản phẩm giống như hơn một trăm năm trước.