Được người dân huyện Tiên Phước và Phú Ninh trồng trong vườn, trên các tuyến đường, cây sưa vàng đang mùa nở rộ, tạo vẻ đẹp cho làng quê.
Những ngày này, tại huyện Tiên Phước và Phú Ninh, hoa sưa bung nở, trở thành nét đặc trưng của xứ Quảng.
Khác với cây sưa (huỳnh đàn) ở miền Bắc, sưa vàng được người dân Quảng Nam gọi là hương vườn. Loài này cùng chi với cây giáng hương quả to và giáng hương mắt chim, không phải loại gỗ quý như sưa trắng ở phía Bắc. Trước đây, sưa vàng mọc tự nhiên, người dân mang về trồng trong vườn tạo bóng mát, lấy gỗ, làm củi.
Mỗi năm vào tháng 4, hoa sưa vàng nở từng chùm, mùi thơm nhẹ. Hoa nở 2-3 ngày thì rụng, mỗi năm nở 3 đợt.
Cây sưa trồng bên tỉnh lộ 614, qua xã Tiên Châu, huyện Tiên Phước.
Hàng sưa được trồng phía trước ngôi nhà ở xã Tiên Cẩm, huyện Tiên Phước, sát với mép sông để chống sạt lở.
Nhà ông Ba, xã Tam Phước, huyện Phú Ninh, nằm bên cánh đồng lúa và hai cây sưa vàng 20 tuổi. Theo ông Ba, sưa cho tán rộng, mùa mưa bão rụng hết lá nên khó bị đổ ngã, chống chịu tốt hơn nhiều loại cây khác.
Anh Nguyên Tấn Hiền, xã Tiên Sơn, huyện Tiên Phước chuyển đổi một ha đất trồng keo sang trồng sưa. Loại cây này dễ trồng, tháng 8 khi trời mưa nhiều thì chặt nhánh cắm xuống, chúng sẽ mọc rễ ra lá. Sưa không mất công chăm sóc, sau bốn năm cây có đường kính 10 cm, bán 400.000 đồng/cây.
Nhiều người dân huyện Tiên Phước trồng sưa bán, trong lúc chờ cây lớn thì kết hợp làm trụ cho cây tiêu.
Xã Tiên Cẩm, huyện Tiên Phước có 12 người kinh doanh cây sưa, mỗi năm cung cấp cho thị trường hàng chục nghìn cây.
Anh Nguyễn Văn Phương, xã Tiên Cẩm, huyện Tiên Phước cho biết gần đây sưa vàng được trồng làm cảnh, cây đô thị nên chuyển đổi 3 sào đất sang trồng sưa giống bán.
“Sưa chủ yếu bán đi các tỉnh miền Bắc. Một năm tôi bán 500 cây, thu nhập 200 triệu đồng”, anh nói và cho hay giá cây nhỏ vài trăm nghìn đồng, cây lớn hơn 20 triệu đồng.
Sưa tại huyện Tiên Phước được các thương lái thu mua đưa đi tiêu thụ ở miền Bắc.