Tác phẩm “Một thời không quên, giáo sư nuôi lợn ở tầng 4 của khu tập thể” của PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Nam Định) đạt giải Nhất cuộc thi “Ký ức Hà Nội lần II”.
Sáng 17/10, Báo Nông thôn ngày nay/Điện tử Dân Việt tổ chức Lễ trao giải Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội lần II, vinh danh 11 tác giả, tác phẩm xuất sắc.
Sau 4 tháng phát động cuộc thi, tính đến ngày 25/9, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 1.000 tác phẩm dự thi. Trong đó, hàng trăm tác phẩm chất lượng đã được đăng tải trên chuyên mục Hà Nội hôm nay của Báo Điện tử Dân Việt.
Các tác phẩm đều thể hiện những ký ức sâu lắng về Hà Nội, trong đó nhiều tác phẩm đạt chất lượng cao khi viết về văn hóa, con người, ẩm thực, kỷ niệm thân thương thời bao cấp.
Đặc biệt, nhiều câu chuyện về người bà, người mẹ gánh hàng rong bán dạo trên phố được các tác giả thể hiện xúc động, chan chứa cảm xúc.
Tại lễ trao giải, BTC công bố tác phẩm Một thời không quên, giáo sư nuôi lợn ở tầng 4 của khu tập thể của PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Nam Định) đạt giải Nhất.
Hai tác phẩm đạt giải Nhì gồm: Kỷ niệm gần 30 năm gắn bó với cụ rùa Hồ Gươmcủa PGS Hà Đình Đức (Hà Nội) và Phiếu bé ngoan – một thời và mãi mãi của tác giả Lê Hồng Quang (Hà Nội).
Ba tác phẩm đạt giải Ba gồm: Món nợ ân tình với bà chủ trọ phố Đê La Thànhcủa tác giả Vũ Văn Tặng (Bà Rịa – Vũng Tàu); Cuộc gặp gỡ xúc động giữa cựu binh Mỹ và ông chủ quán cà phê ở Bát Tràng của tác giả Nguyễn Thị Thu (Hà Tĩnh); Thiêng liêng buổi lễ thượng cờ, hạ cờ của tác giả Ngô Đức Quang (Quảng Ngãi).
5 tác phẩm đạt giải Khuyến khích gồm: Một vùng ngoại thành Thủ đô ngày ấy, bây giờ của tác giả Nguyễn Văn Ất (Hà Nội); Sống ở “phố nhà binh” của tác giả Lữ Thị Mai (Hà Nội); Chiếc bảng đen chan chứa tình cảm ở khu tập thể của tác giả Huỳnh Thị Ánh Tuyết (TPHCM); Giao thông Thủ đô những năm thập niên 90của tác giả Trần Hữu Minh (TPHCM); Cô sinh viên xứ Nghệ và những ký ức nặng lòng về Thủ đô tác giả Lê Thị Thương Huyền (Hà Tĩnh).
Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà văn Việt Nam, Trưởng Ban Giám khảo, cho biết rất ấn tượng với các bài dự thi về Ký ức Hà Nội, đặc biệt có những tác giả là “gã khổng lồ” kho tàng kiến thức về Hà Nội như PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, PGS Hà Đình Đức.
“Các bài viết thuần túy là những bài báo, chất văn chương ít, có bài ít chữ nhưng lại khắc họa được vẻ đẹp của Hà Nội rất bình dị, thân quen, tràn ngập yêu thương”, nhà thơ Trần Đăng Khoa nói.
Nhà văn, nhà nghiên cứu Hà Nội Nguyễn Ngọc Tiến, thành viên Ban giám khảo, chia sẻ những bài dự thi đem lại cho ông nhiều cảm xúc.
Mỗi tác phẩm đều mang dấu ấn cá nhân của tác giả. Họ là những người sinh ra và lớn lên, gắn cả cuộc đời với Thủ đô, người từng sống, công tác trong thời gian ngắn hay chỉ là đi ngang qua trong một khoảnh khắc.
“Những câu chuyện nhỏ kể theo mạch cảm xúc, không mượt mà, trau chuốt mà vô cùng chân thật. Tôi thấy thật sự xúc động khi đọc các bài viết trong cuộc thi”, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến nói.