Ngoài phố tấp nập, hiện đại và sang trọng nhưng bước chân vào khu tập thể lại là một thế giới hoàn toàn khác. Nhiều căn hộ ẩm thấp, tồi tàn không khác gì ở “khu ổ chuột”.
Những căn hộ siêu nhỏ tận dụng từng centimet
Nằm giữa “đất vàng” Hà Nội, khu tập thể 53 Hàng Buồm, Hoàn Kiếm, Hà Nội nhiều năm qua xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều người dân sinh sống tại đây cho biết, họ luôn phải sống trong cảnh giật mình thon thót vì nhiều hạng mục của khu nhà “đã hết hạn sử dụng”.
Nhiều gia đình thậm chí còn không dám ở mà đóng cửa nhà để đó rồi đi nơi khác sinh sống. Một số ít từng mua nhà nơi đây với giá trên 100 triệu đồng/m2 ra sức gia cố, sửa chữa nhưng cũng không thể ở được.
Khu tập thể có lối vào sâu hun hút, tối tăm. Người dân phải bật điện chiếu sáng bất kể ngày đêm.
Được xây dựng cách đây trên 100 năm khu tập thể 53 Hàng Buồm là nơi sinh sống của các cán bộ, công nhân về hưu ngành giao thông vận tải và bưu điện. Trải qua năm tháng, nhiều căn hộ được mua đi bán lại nên nơi đây tập trung thêm những người làm kinh doanh, buôn bán, lao động tự do…
Diện tích mỗi căn hộ khác nhau. Có căn chỉ hơn 10m2 nhưng cũng có căn rộng gần 60m2. Với những hộ gia đình có diện tích hạn hẹp, người dân thường tìm cách cơi nới để thuận tiện cho sinh hoạt.
Mỗi mặt bằng hay ngóc ngách trong khu này đều được tận dụng từng centimet cho việc chứa đồ đạc, làm nơi tắm giặt hay thậm chí kinh doanh…
Như nhiều tập thể khác trên “đất vàng” Hà Nội, các căn hộ nơi đây không có nhà vệ sinh khép kín. Đa số các hộ dân sử dụng nhà tắm và nhà vệ sinh chung. Hàng tháng, họ thuê người dọn. Chi phí khoảng 100.000 đồng/hộ.
Nhiều căn hộ xuống cấp, phải đóng cửa bỏ không.
Người dân ở 53 Hàng Buồm đều thừa nhận, nơi đây “dễ kiếm ăn”, thuận tiện đi đến trung tâm. Tuy nhiên, một số thì cho rằng, so với các nơi khác, tổ ấm của họ quá tồi tàn, chẳng khác “khu ổ chuột”.
Bà Nguyễn Thị Hiền (88 tuổi) cho biết, bà hiện sống cùng con trai trong căn nhà rộng 14m2. Bà Hiền là công nhân về hưu ngành bưu điện. Mỗi tháng, bà nhận được mức lương trên 5 triệu đồng.
Không gian gần như không còn một chỗ trống của mẹ con bà Hiền.
“Căn nhà” mà bà Hiền nói giống một căn phòng nhỏ hơn. Trong không gian chật chội, bà Hiền kê hai chiếc phản để hai mẹ con mỗi người ngủ một góc.
Một số vật dụng sinh hoạt như chăn mùa đông, quần áo bà chất lên gác xép. Các đồ dùng còn lại đều được để tràn ra sàn nhà khiến không ai biết đâu là bếp, đâu là phòng khách hay phòng ngủ…
Nằm ở tầng 1, lại chỉ có duy nhất một cửa ra vào, không có cửa sổ, căn nhà vô cùng bí bách, ẩm thấp và hôi hám.
Tuy nhiên bà Hiền chia sẻ: “Nhà này bán 500-600 triệu đồng là người ta mua luôn. Nhưng tôi không bán vì bán rồi không biết ở đâu. Tôi về hưu lâu rồi, không có điều kiện đi mua nhà khác. Tôi nghe nói nơi đây có chủ trương thu hồi, giãn dân nhưng sang chung cư mới sẽ mất tiền hàng tháng, lại ở tầng cao quá, tôi không muốn đi”.
Ông Trần Sơn Thủy ở khu tập thể này đã 30 năm. Theo ông Thủy, ngoài phố tấp nập, đông vui hiện đại và sang trọng nhưng bước chân vào đây lại là một thế giới hoàn toàn khác. Nhà cửa ẩm thấp, điều kiện sinh hoạt rất khổ.
Ông Thủy chỉ vị trí xà bị võng xuống và lối đi thủng hẳn xuống tầng 1 được gia cố bằng một tấm gỗ.
Những ngày mưa gió trở trời, mối mọt bay ra tứ tung, mỗi người phải đeo khẩu trang, đeo kính mới yên được. Xà nhà ngày một võng xuống, hành lang nghiêng hẳn sang một bên. Ông Thủy là người trực tiếp gia cố đoạn hành lang thủng để tránh cho mọi người bị thụt chân xuống dưới.
“Khu nhà bên cạnh, mỗi lần muốn thay quần áo, người ta còn phải nằm xuống để thay. Khu nhà bên này cao hơn một chút, nhưng xuống cấp lắm rồi. Nhiều nhà không ở được phải đóng cửa để đi nơi khác”, ông Thủy nói.
“Ở đây chật nhưng tiện, tôi chỉ muốn ở đây đến hết đời”
Bà Đào (71 tuổi) chuyển về đây sống từ năm 2008. Thời điểm đó, bà mua căn hộ rộng 17m2 với giá gần 500 triệu đồng.
Sống giữa phố cổ, bà Đào mưu sinh bằng nghề giao trứng cho các hàng phở. Căn hộ nhỏ vừa là nơi sinh hoạt vừa là nhà kho chứa hàng. Mỗi ngày, bà Đào nhận trứng từ mối buôn, phân loại rồi đưa đến các cửa hàng theo nhu cầu.
Theo bà Đào, nhu cầu ăn uống ở phố cổ đã giảm nhiều so với trước Covid-19. Tuy vậy, mỗi tháng bà vẫn túc tắc kiếm được 2-3 triệu đồng nhờ nghề giao trứng.
Bà kể: “Tôi chỉ cần chở trứng bằng xe đạp đến giao cho các cửa hàng chứ không phải đi đâu quá xa”.
Vì ở tầng 1 nên bà Đào tận dụng được khoảng sân nhỏ để đồ đạc, phơi quần áo và thiết kế một nhà vệ sinh mini kiêm nhà tắm rộng chưa tới 2m2. “Ở đây chật nhưng tiện, tôi chỉ muốn ở đây đến hết đời, không đi đâu cả”, bà Đào nói.
Những căn hộ ở tầng 1 như nhà bà Đào thường được mua đi bán lại vì dù sao những căn hộ này có mặt tiền thoáng hơn. Giá bán được các trang web bất động sản đăng tải đều trên 100 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, bà Đào cho biết, bà cùng nhiều hộ dân không có ý định bán nhà.
Ở tầng 2 khu tập thể, bà Nguyễn Thị Kim Hoa (60 tuổi) thấy cuộc sống tại đây của gia đình hoàn toàn ổn. Bà Hoa cho biết, bố mẹ chồng bà về ở căn hộ từ năm 1981 theo diện cán bộ ngành giao thông. So với nhiều căn hộ khác, căn hộ nhà bà Hoa có diện tích khá rộng 56m2.
Đây hiện là nơi sinh sống của 5 người. Trần nhà cao nên bà Hoa làm gác xép cho con ở. Trong nhà không có nhiều phòng nhưng cũng đủ diện tích để bà phân thành các khu vực chức năng khác nhau như bếp, phòng khách, nhà vệ sinh.
Những căn hộ như nhà bà Hoa trong khu này không nhiều. Các căn còn lại diện tích chỉ từ 14-30m2. Nhiều căn quá tải số người ở, không đảm bảo tiêu chuẩn sử dụng, nhiều hộ tự sửa chữa, cơi nới, lấn chiếm không gian dẫn đến nguy cơ mất an toàn.
Sống trong khu tập thể cũ nát giữa “đất vàng”, mỗi hộ dân nơi đây lại có những tâm tư khác nhau. Câu chuyện mỗi gia đình đi hay ở, cải tạo khu nhà thế nào nhiều năm qua vẫn còn ở trong vòng luẩn quẩn.