(Nhiếp ảnh Hà Nội) Người làm công tác giám khảo ảnh nghệ thuật, ngoài năng khiếu, trình độ , kinh nghiệm sáng tác và đã đạt được những thành tựu đáng kể, có đạo đức tốt, trung thực, minh bạch, công tâm…, cần phải nắm vững lý luận phê bình nghệ thuật nhiếp ảnh, đó là ngọn đèn soi đường cho chúng ta đi đúng hướng. Để cho lý luận phê bình nhiếp ảnh có sức thuyết phục công chúng yêu nghệ thuật, giám khảo ngoài lý thuyết cần am hiểu cuộc sống xã hội, nếu không tác phẩm được thẩm định sẽ phản lại thực tiễn (bức ảnh: “Công việc thầm lặng” là một thí dụ điển hình phi thực tế).
Nắm vững lý luận phê bình nhiếp ảnh, tức là hiểu biết sâu rộng về chuyên môn nghiệp vụ ảnh:
Trước hết phải xác định lý luận phê bình là một động lực thúc đẩy sáng tác đi đúng hướng. Phải coi sáng tác là một hoạt động sáng tạo, lý luận phê bình không chỉ là phạm trù nhận thức, là lương tri của hoạt động sáng tác, nó còn là một sự sáng tạo mà thiên chức của nó là phát hiện để làm phong phú thêm lý luận và các hệ thống thi pháp của nghệ thuật nhiếp ảnh. Phải coi sáng tác và lý luận phê bình là hai mặt thống nhất biện chứng của một nhu cầu hưởng thụ tinh thần. Sáng tác và phê bình đều xuất phát từ lợi ích xã hội, vì sự tiến bộ của con người, vì nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng và vì sự phát triển của của nghệ thuật nhiếp ảnh. Lý luận phê bình và sáng tác có mối quan hệ tương hỗ để cùng nhau phát triển, chứ không phải là một sự đối đầu. Vì vậy người làm công tác thẩm định ngoài sự hiểu biết về lý luận phê bình cần có: trí, tâm và dũng:
Trí: là tri thức về nghệ thuật nhiếp ảnh, là ngọn đè soi rọi hướng đi cho hoạt động sáng tạo, làm cho nhà sáng tác tâm phục khẩu phục.
Tâm: có lý luận cao siêu, sắc bén, chuyên môn giỏi (bao gồm sáng tác và lý luận), hiểu biết xã hội sâu sắc, nhưng cái tâm thiếu trong sáng, chẳng những không thúc đẩy sáng tạo mà còn gây ra một sự phản ứng không đáng có ở nhà sáng tác và công chúng. Tâm trong sáng là trung thực, tôn trọng sự thật, công minh.
Dũng: Có trí, có tâm, nhưng thiếu dũng khí, không giám đấu tranh “ngậm miệng ăn tiền”. Người làm giám khảo phải ngẫng cao đầu trước uy lực vật chất, phải đứng trên một lập trường nhất quán, không giao động, tôn trọng sự thật như chính sự tồn tại vốn có của bản thân nghệ thuật nhiếp ảnh.
Trong tranh luận quyết không được võ đoán, phải dựa trên lý luận mang tính học thuật, có lý, có tình, nhưng không khuôn sáo, kinh viện, không tô hồng nhưng tuyệt đối cũng không bôi đen,tránh thái độ quá khích, chụp mũ…
Trong ba tiêu chí: trí, tâm, dũng, tiêu chí nào cũng có sức nặng riêng. Nhưng để có trí, không thể có trong một sớm một chiều, mà là cả một quá trình học tập rèn luyện lâu dài trong chuyên môn, trong cuộc sống.
Để hiểu biết về lý luận phê bình nhiếp ảnh , giám khảo phải hiểu rõ những vấn đề sau:
Trước hết phải nắm vững các thể loại nhiếp ảnh. Muốn phê bình giới thiệu một tác phẩm, cần phải biết tác phẩm đó thuộc thể loại nào, ảnh nghệ thuật hay ảnh báo chí, phóng sự ảnh hay ký sự ảnh, hoặc ảnh “ý tưởng”… Vì mỗi thể loại có cách thể hiện riêng. Chụp ảnh phong cảnh khác với chụp ảnh chân dung, tĩnh vật… Cách thể hiện mỗi thể loại khác nhau nên khi phê bình, giới thiệu cũng khác nhau.
Để sáng tạo ra một tác phẩm ảnh nghệ thuật, nhà sáng tác ngoài tư duy hình tượng nội dung tác phẩm, cần phải nắm vững kỹ thuật. Vì vậy nhà thẩm định ảnh cần nắm mối quan hệ giữa nghệ thuật và kỹ thuật. Bởi nhiếp ảnh sinh ra từ kỹ thuật, nhưng nhiếp ảnh lại thuộc phạm trù nghệ thuật, vì nó có khả năng ghi lại thế giới khách quan từ không gian 3 chiều lên mặt phẳng hai chiều một cách chính xác đến từng chi tiết nhỏ thông qua ánh sáng, mầu sắc, bố cục, đường nét, hình khối…, nhờ có kỹ thuật, nên dưới con mắt của nhà nhiếp ảnh, cái khách quan trở nên hấp dẫn hơn- nghệ thuật.
Một nhà thẩm định ảnh không nắm được mối quan hệ giữa nghệ thuật và kỹ thuật nhiếp ảnh sẽ không có khả năng phát hiện những vấn đề do tác giả đặt ra trong tác phẩm. Bởi mối quan hệ nghệ thuật và kỹ thuật nhiếp ảnh là một thể thống nhất. Hiểu nghệ thuật mà không nắm được kỹ thuật sẽ không tìm thấy sự sáng tạo ( hay sự bịa đặt…) trong tác phẩm. Sáng tạo là một quá trình kết hợp nhuần nhuyễn tư duy hình tượng tinh thần ( là sự suy nghĩ chủ quan của tác giả) và tư duy vật chất (tức là dùng phương pháp kỹ thuật để xây dựng nên hình tượng nghệ thuật cho tác phẩm). Một tác phẩm đạt đỉnh cao nghệ thuật là biết kết hợp hài hòa giữa tư duy hình tượng và tư duy vật chất.
Nhà giám khảo chỉ nắm mối quan hệ giữa kỹ thuật và nghệ thuật là chưa đủ, mà đòi hỏi phải hiểu rõ mối quan hệ giữa nội dung và hình thức. Nội dung của tác phẩm không chỉ là đối tượng mô tả hay đề tài mà chính là lượng tư tưởng mang chất thơ chứa đựng trong tác phẩm đó. Nội dung tác phẩm được hình thành bởi sự kết hợp cái khách quan ( đối tượng mô tả ) và cái chủ quan ( tư duy của tác giả), tức là giữa cái nhận thức được và cái được đánh giá. Điều này thể hiện rõ trong ảnh nghệ thuật chứ không thể hiện trong ảnh tư liệu, ảnh khoa học. Vì ảnh tư liệu, ảnh khoa học cốt làm sao cho cái khách quan ( đối tượng) không bị chi phối bởi cái chủ quan của người chụp.
Hình thức của tác phẩm ảnh nghệ thuật là sự thể hiện nội dung thông qua nguyên liệu của chính loại hình nhiếp ảnh nghệ thuật. Nói khác đi hình thức nghệ thuật là một hệ thống tín hiệu khác nhau như ánh sáng, mầu sắc, bố cục, đường nét, góc chụp, mảng khối… dùng để thu nhận, thể hiện, truyền đạt cho người xem lượng nội dung đáng tin cậy mà nó chứa đựng. Trong ảnh nghệ thuật cái khách quan bao giờ cũng được đặt lên trên cái chủ quan, nghĩa là nội dung khách quan được biểu hiện ngay giai đoạn đầu của quá trình sáng tạo ( giai đoạn chụp). Nhưng cái khách quan và cái chủ quan trong ảnh nghệ thuật là một thể thống nhất hài hòa. Nói khác đi, trong ảnh nghệ thuật giữa nội dung và hình thức là sự thống nhất giữa ý nghĩa tư tưởng ( cảm xúc chất thơ ) với kết cấu nghệ thuật của hình tượng ( mầu sắc, ánh sáng , bố cục, đường nét, hình khối…).
Vấn đề cốt lõi của nghệ thuật nhiếp ảnh mà người thẩm định ảnh cần hiểu rõ, đó là những tính chất cơ bản của nhiếp ảnh: Tính hiện thực ( tính tài liệu), tính khoa học, tính nghệ thuật.
Bức ảnh là hình ảnh cụ thể của đối tượng khách quan, được hoàn chỉnh bởi quá trình chuyển hóa vật lý, quang học và hóa học tạo nên. Nhiếp ảnh là một sự thể hiện giống nhau giữa vật chụp và ảnh của nó. Sụ đồng dạng phối cảnh đó sinh ra nhờ nguyên tắc phản quang của ống kính. Hệ thống quang học này giúp cho từng điểm hình ảnh ăn khớp với từng điểm của đối tượng theo một tỷ lệ toán học. Khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, người ta sản xuất ra nhiều loại ống kính khác nhau. Những loại ống kính này sẽ làm cho tỷ lệ giữa vật và ảnh có sự co giản khác nhau . Hình ảnh của vật có sự biến dạng ( ống kính góc rộng), nhưng về cơ bản giữa ảnh và vật vẫn giống nhau. Sự giống nhau giữa ảnh và vật theo tỷ lệ toán học là đặc điểm tự nhiên của nhiếp ảnh.
Nhiếp ảnh không bao giờ phản ảnh được cái hư vô, trừu tượng, cái phi vật chất. mà phải là cái gì tồn tại, cái gì mang tính vật chất… do quang học thu nhận được mới có ảnh. Xét về mặt kỹ thuật, bản thân nhiếp ảnh đã mang trong mình nó những yếu tố làm sai lệch hình ảnh, khi những yếu tố đó thay đổi: thay đổi góc chụp, thay đổi ống kính, điều kiện chiếu sáng, độ nhạy của phim( thẻ nhớ) chất lượng thuốc tráng… Ngoài ra nó còn phụ thuộc vào nhân sinh quan của tác giả. Ảnh không chỉ tuân theo quy luật của kỹ thuật mà còn quy luật của cái đẹp.
Nhiếp ảnh chỉ ghi được những gì tồn tại khách quan, nhưng không phải cái gì tồn tại khách quan là hiện thực. Hiện thực là những gì diễn ra ( không phụ thuộc vào sự sắp đặt, dàn dựng, bố trí… của con người). Bức ảnh “Biển kết hoa” là một thí dụ điển hình “cái tồn tại khách quan” nhưng không phải hiện thực, vì không ở đâu con người làm muối như thế cả. Trong nhiếp ảnh đánh mất tính hiện thực thì không còn là nhiếp ảnh mà chỉ là một trò chơi ánh sáng không hơn không kém.
Sinh ra từ khoa học kỹ thuật, nên nhiếp ảnh mang tính khoa học rõ nét nhất. Trong quá trình tác nghiệp, cũng như hậu kỳ, đòi hỏi nhà nhiếp ảnh phải hết sức chính xác trong khâu thể hiện ( chụp), in tráng…
Nhiều người cho rằng cái đẹp là do bản thân đối tượng, nghĩa là cái đẹp của tác phẩm phụ thuộc vào đối tượng mô tả. Sự thật chất lượng nghệ thuật của sự mô tả không phải do lượng thẩm mỹ của đối tượng đẻ ra. Chất lượng nghệ thuật cũng không phải bắt nguồn từ cái mà ta mô tả mà bắt nguồn từ sự am hiểu đối tượng, cách diễn đạt, cách tái hiện nó và sự rung cảm của con tim tác giả. Vì thế, ông cha chúng ta đã có câu “cái đẹp ở trong mắt người sy tình”vậy.
Người giám khảo ảnh phải hiểu nhiếp ảnh là một thứ ngôn ngữ tạo hình. Bởi bức ảnh thể hiện nhân sinh quan của tác giả. Qua bức ảnh người xem nhận được một cái gì đó khác hơn, mới hơn, so với sự hiểu biết thông thường đối với thế giới khách quan. Một tác phẩm ảnh bao giờ cũng cho ít hơn so với sự phong phú về kích thước không gian 3 chiều của hiện thực mà mắt người nhìn thấy, nhưng nó lại cho nhiều hơn, phong phú hơn về nội dung. Vì trong bức ảnh đối tượng đã được sàng lọc qua tư duy và sự cảm thụ của tác giả. Sự sàng lọc này chính là “cái tôi ” của tác giả như một kính lọc sáng: Những chi tiết nào được đi vào ống kính để tạo nên hình tượng trong bức ảnh và nó được xử lý như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào “cái tôi” của nhà sáng tác. Những gì mà anh ta không thích, “cái tôi” không chấp nhận, nên nội dung cũng như hình thức sẽ không thể xuất hiện trên ảnh.. Ngược lại những gì xuất hiện trên tác phẩm là khi anh ta nhận thấy rõ phẩm chất của đối tượng, tức là “cái tôi” chấp nhận.
Một tác phẩm ảnh của nhà nhiếp ảnh là tấm gương phản chiếu trung thực nhất tính cách, kiến thức, cùng những khuynh hướng của anh ta một cách rõ ràng nhất hơn cả diễn đạt bằng lời. Vì vậy, một bức ảnh bao giờ cũng mang đến cho người xem : cái đẹp, cái điển hình nhiều hơn là người ta nhìn thấy.
Sự hấp dẫn thẩm mỹ của nghệ thuật ảnh là ở chỗ chúng được tiếp nhận bằng thị giác nên dễ gây cảm xúc đối với người xem . Một bức ảnh có thể làm cho anh ta đồng tình hay chống đối, hay làm tiêu tan một cảm xúc và nó cũng có thể làm ảnh hưởng đến tình yêu cuộc sống của con người trong phạm trù: yêu, ghét, căm phẩn, hay vui sướng… Do đó một tác phẩm ảnh nghệ thuật là sự thể hiện rõ nét nhận thức chủ quan của nhà nhiếp ảnh qua hình tượng nghệ thuật mà anh ta mô tả trong tác phẩm.
Điều cuối cùng không thể không nói đến là sự nhận thức của nhà giám khảo đối với sức mạnh khoảnh khắc trong nhiếp ảnh. Khoảnh khắc trong nhiếp ảnh là thời điểm có sức mạnh cao nhất của dòng thác sự kiện, Nhiếp ảnh gọi thời điểm đó là khoảnh khắc vàng. Một tác phẩm ảnh ghi được khoảnh khắc vàng sẽ mang đến cho người xem một cái gì đó cao hơn bản thân sự kiện về nội dung tư tưởng. Trong trường hợp đó, bức ảnh không chỉ khẳng định sự tồn tại khách quan của sự kiện, mà còn làm sáng tỏ sự kiện, trong đó nó biểu lộ được nhân sinh quan của tác giả đối với sự kiện.
Một nhà thẩm định ảnh ngoài sáng tác tốt, cái tâm trong sáng, sự am tường về cuộc sống, lại nắm chắc cơ sở lý luận phê bình nhiếp ảnh, chắc chăn họ sẽ làm tròn phận sự của “người cầm cân nảy mực” và sẽ được đồng nghiệp và công chúng hoan nghênh.
Tác giả bài viết: Mạnh Thường