(Khám phá) Ông Thái Văn Ba đẩy lưới bắt tôm đất ở các con lạch nằm trong rừng ngập mặn Phan Thiết, mỗi buổi thu nhập vài trăm nghìn đồng.
Giữa khu rừng ngập mặn Phan Thiết có các con lạch nhỏ, nước lên xuống quanh năm. Ở đây, loài tôm nước lợ, còn gọi là tôm đất sinh sản nhiều. Hàng ngày, khi thủy triều rút, lạch cạn, ông Thái Văn Ba cùng hàng xóm ở phường Phú Thủy lội vào giữa rừng đánh bắt loại đặc sản này.
Ông Ba dùng đụt lưới gắn vào sườn tre hình chữ Y, dài chừng hai mét. Nước rút ngang đầu gối, ông đẩy lưới đi tới, tôm nằm dưới đáy và hai bên bờ búng lên sa vào lưới. Cứ đi khoảng hai chục mét, ông dừng lại, chống lưới lên, nhặt rác qua một bên, bắt tôm đánh được bỏ vào giỏ.
Ở con lạch cạnh đó 30 mét, hai vợ chồng ông Sáu có cách bắt khác với ông Ba. Họ dùng một tấm lưới dài bốn mét, rộng khoảng sải tay. Hai bên đầu lưới có gắn hai thanh tre. Giăng lưới ra, hai người đi hai bên cầm thanh tre đẩy lưới tiến về phía trước. Đi một đoạn họ lại quây lưới lên bờ, nhặt tôm vào thau.
Trong vài giờ lội bùn, mỗi người đánh được 2-3 ký tôm tươi. Tôm lớn có kích thước bằng gang tay, mắt to, màu đen sậm nhảy đành đạch. “Tôm này ngon lắm. Những người sành ăn rất chuộng thứ này”, ông Sáu cho biết.
Số tôm bắt về, họ mang ra chợ Thanh Hải hoặc chợ Phú Thủy gần đó bán cho các mối quen. Tôm nhỏ 150.000 đồng, tôm lớn 200.000 đồng một ký. Mỗi người trung bình kiếm được chừng 400.000 đồng, có khi trúng khoảng 700.000 đồng mỗi ngày.
Nghề đẩy tôm trong rừng ngập mặn ở Phan Thiết xuất hiện khoảng chục năm nay. Nghề này không có giờ giấc cố định vì tùy thuộc con nước. Khi thủy triều xuống, họ mới ra đẩy lưới, chừng ba đến bốn tiếng cho đến lúc nước dâng cao, mọi người sẽ cuốn lưới nghỉ. “Nếu làm đều, mỗi tháng cũng kiếm hơn chục triệu”, ông Thái Văn Ba cho biết.
Đây là khu rừng ngập mặn còn sót lại duy nhất ở Phan Thiết, rộng hơn 25 ha có nhiều cây mắm, bần và đước, giữa ba phường Thanh Hải, Phú Thủy và Phú Hài. Gần rừng có nhánh sông Cầu Ké nhập chung với sông Cái, đổ ra cửa Phú Hài, nên con nước mặn ra vào quanh năm.
Không những tôm đất, mà ở đây các loại thủy sản nước lợ khác như cá đối, nghêu xanh, ốc đinh, cua nước lợ… cũng khá nhiều. Người dân các phường Phú Thủy, Thanh Hải và Phú Hài thường ra đánh bắt, kiếm sống hàng ngày. “Không làm giàu với nghề lội bùn này được nhưng cũng đủ nuôi sống gia đình”, ông Phạm Văn Tân, làm nghề cào ốc nói.