Trong nhà xưởng rộng 12.000 m2 ở sân bay Nội Bài, khoảng 300 kỹ sư, kỹ thuật viên… tất bật sửa chữa, bảo dưỡng các loại máy bay để đảm bảo việc khai thác.
Xưởng sửa chữa máy bay số 2 của Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay (VAECO) rộng 12.000 m2 có thể chứa 4 máy bay thân hẹp, một máy bay thân rộng, mỗi ngày bảo dưỡng, sửa chữa cho nhiều chiếc.
Hiện có 2 xưởng nằm trong sân bay Nội Bài, chuyên bảo dưỡng, cung ứng vật tư các loại máy bay A319, A320, A321, A330, A350, B737, B757…
Kỹ sư Tùng Anh (góc trái) và Như Hoàng chuẩn bị dụng cụ kiểm tra động cơ chiếc A350 vừa được đưa vào xưởng. Để đảm bảo công việc trơn tru, nhanh chóng đưa máy bay trở lại khai thác, khoảng 300 người được huy động làm việc.
Các kỹ sư lắp hệ thống thổi ngược của động cơ V2500 cho tàu bay A321. Hệ thống này có nhiệm vụ bảo vệ bộ phận chính của động cơ và giúp làm giảm tốc độ máy bay khi hạ cánh. Vì vậy, theo các kỹ sư, lắp ráp này cần sự chính xác tuyệt đối.
“Khi máy bay hoạt động sẽ xảy ra rung lắc, dễ khiến các con ốc hoặc đường ống có thể bị nới lỏng ra gây mất an toàn. Việc kiểm tra, siết chặt các ốc giúp ngăn ngừa nguy cơ này”, kỹ sư Đinh Văn Thành, với 11 năm kinh nghiệm trong việc sửa chữa máy bay nói, trong lúc làm việc.
Động cơ của máy bay A350 tới định kỳ bảo dưỡng được tháo dỡ để kiểm tra.
Để tháo các thiết bị lớn như cánh tà phải cần nhiều người và cẩu trục để thực hiện.
Khâu kiểm tra và thay thế vòng bi cho lốp máy bay được các kỹ sư thực hiện kỹ lưỡng trước khi đưa vào sử dụng.
Kết thúc quá trình kiểm tra bảo dưỡng, thay thế thiết bị cần thiết, các kỹ sư sẽ đóng nắp động cơ, kiểm tra các thông số kỹ thuật trước bàn giao cho hãng khai thác.
Các nhân viên kiểm tra lốp và càng mũi máy bay.
Chiếc A350 được xe chuyên dụng kéo ra sân đỗ để tiếp tục khai thác.
Theo các kỹ sư, tùy theo tình trạng của máy bay, việc bảo trì, sửa chữa một chiếc có thể mất vài ngày đến cả tháng.
“Nghề kỹ sư máy bay thường phải đối diện với tiếng ồn, điều kiện thời tiết, hóa chất, dầu mỡ, làm việc trong không gian kín, làm việc trên cao. Tất cả công việc thao tác khi tiến hành sửa chữa, bảo dưỡng đều phải tuân thủ theo tài liệu có sẵn, để tránh sai sót trong quá trình thực hiện”, anh Dương Tự Côn, Tổ trưởng Tổ kỹ thuật, Phòng Kỹ thuật, Trung tâm Bảo dưỡng nội trường Hà Nội cho biết.
Trước cửa xưởng, nhiều máy bay xếp hàng chờ vào bảo dưỡng, sửa chữa.
Chuyên ngành Kỹ thuật bảo dưỡng gồm các môn khí động lực học; cơ học bay và điều khiển bay; kết cấu hàng không; hệ thống lực đẩy; thiết kế và bảo dưỡng máy bay. Chuyên ngành Kỹ thuật bảo dưỡng đạt chứng chỉ B1/B2 (chứng chỉ kỹ thuật bảo dưỡng tàu bay) gồm: nội dung chương trình Kỹ thuật bảo dưỡng và bổ sung 1.329 giờ đào tạo chuyên sâu về các hệ thống trên máy bay và thực hành bảo dưỡng theo chương trình B1/B2.