Để tránh nắng nóng và hái được những quả sim chín mọng, người dân huyện Thạch Hà rủ nhau lên đồi từ tờ mờ sáng.
4h30 ngày 21/7, bà Nguyễn Thị Thuận, 45 tuổi, trú xã Thạch Ngọc, huyện Thạch Hà, chạy xe máy hơn 10 km từ nhà đến đồi sim ở xóm Ngọc Sơn. Tấp xe máy dưới bóng của một bụi cây dại để tránh nắng, bà Thuận trùm khăn lên đầu nhằm thấm mồ hôi, lấy bì tải ra để đựng sim. Lúc này, ở trên đỉnh đồi, hơn 10 người, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em 8 đến 12 tuổi đã í ới gọi nhau hái sim.
“Tôi nghĩ mình đến trước tiên, không ngờ nhiều người khác còn thức dậy và đi lên đồi hái sim sớm hơn”, bà Thuận nói. Đeo chiếc túi may bằng bì tải vào cổ, bà Thuận lấy điện thoại từ trong túi ra bật chế độ đèn pin, vừa cuốc bộ vừa chiếu sáng vào các cành cây hoặc kẽ lá để hái các quả sim chín ẩn khuất.
Ngọn đồi với nhiều cây sim cao hơn 2 m, mọc xen lẫn giữa rừng bạch đàn sáng cả một vùng bởi ánh đèn pin và đèn điện thoại. Thỉnh thoảng những tiếng trò chuyện xua tan không gian tĩnh lặng của màn đêm.
Bà Thuận cho hay, quả sim chín từ đầu tháng 7 đến hết tháng 9, có thể đi hái bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Thời gian qua nắng nóng, có lúc xấp xỉ 40 độ C, nên nhiều người dân thường dậy sớm đi hái sim lúc 4h đến 5h, kết thúc lúc 8h cùng ngày. Đi hái sớm nhằm tránh nắng và bảo vệ sức khỏe, ngoài ra còn giúp nông dân có thời gian làm thêm việc gia đình, đồng áng. Buổi chiều vẫn có người đi hái nhưng số lượng ít hơn, đa số đi từ 16h, xong lúc 18h.
Hơn 10 năm trước, việc hái sim không đông người và rầm rộ như bây giờ. Khi sim chín, người dân xã Thạch Ngọc và Việt Tiến thường hái về ăn, thỉnh thoảng đem ra chợ bán, khối lượng tính theo bát ăn cơm hoặc ống lon đong gạo, một bát hoặc ống lon đầy sim giá 1.000-2.000 đồng.
Ba năm nay, thương lái tập trung ngay dưới chân đồi, hoặc tới tận nhà dân thu mua đem về nhập cho các nhà hàng, quán ăn để ngâm rượu, người dân bắt đầu chú trọng đến việc hái sim bán. Vào mùa, một số gia đình huy động nhiều thành viên đi hái, lao động thuộc huyện khác cũng rủ nhau đổ về các ngọn đồi ở xã Thạch Ngọc lấy sim. Nhiều hộ ở xóm Ngọc Sơn có đồi sim đã đóng cọc bê tông, mua dây thép gai khoanh vùng để thu hoạch, không cho ai xâm nhập.
Trung tuần tháng 7 là đầu mùa, song do nhiều người đến hái nên đồi sim Ngọc Sơn chủ yếu còn quả ương và xanh, rất ít quả chín mọng màu đen nhánh. “Nếu buổi tối trời mưa thì sáng mai quả sẽ chín rất nhiều. Trời nắng nóng ít quả chín. Trong vài tiếng buổi sáng, tôi hái được 5 kg, bán giá 20.000 đồng một kg. Ước tính cả mùa thu gần 3 triệu đồng”, bà Thuận nói.
Hái sim lúc rạng sáng sẽ có nhiều quả chín, nhưng cũng gặp rủi ro. Thời điểm này ong vò vẽ thường làm tổ dưới các ụ đất cạnh gốc sim. Trời tối, một số người không nhìn rõ đường nên dẫm vào tổ ong, khiến chúng đuổi cắn. Để tránh, người đi trước khi phát hiện tổ ong sẽ bẻ cành cây bạch đàn che lại, hoặc làm dấu để người đi sau không dẫm trúng.
“Có hôm tôi sơ ý dẫm phải tổ ong vò vẽ, chúng đuổi cắn hàng chục phát vào đầu và tay khiến sốt mấy ngày”, bà Phan Thị Thanh, 52 tuổi, trú xã Việt Tiến kể. Hái sim là nghề thời vụ bên cạnh làm ruộng, song nếu chăm chỉ bà Thanh cũng có thêm thu nhập. Nếu một gia đình 5 thành viên, một vụ có thể thu hơn chục triệu đồng từ việc bán sim chín.
Cây sim có tên khoa học Rhodomyrtus tomentosa, thuộc họ Myrtaceae, có nhiều tên gọi khác là hồng sim, đào kim nương, cương nhẫm, dương lê… Quả sim ngoài để ăn còn có thể dùng để ngâm rượu. Theo Đông y, các bộ phận của cây sim từ lá, thân, rễ, hoa đều có thể dùng làm thuốc.