Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội tổ chức gặp mặt các thế hệ nghệ sĩ nhiếp ảnh nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam (15/3/1953 – 15/3/2023) và ôn lại truyền thống nhiếp ảnh Thủ đô

Sáng 9/3/2023, Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội tổ chức gặp mặt các thế hệ nghệ sĩ nhiếp ảnh nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam (15/3/1953 – 15/3/2023) và ôn lại truyền thống nhiếp ảnh Thủ đô. 

Đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm là các hội viên sáng lập Hội, các nghệ sĩ nhiếp ảnh lão thành, đại diện các Chi hội và các Câu lạc bộ Nhiếp ảnh tại Hà Nội. Về phía khách mời có: Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Hồ Sỹ Minh – Phó Chủ tịch Thường trực Hội NSNA Việt Nam, TBT Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống.

1.-toan-dam-092483561c54c10a984551.jpgNSNA Nguyễn Văn Toản, Chủ tịch Hội NANT Hà Nội phát biểu tại buổi gặp mặt kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam – Ảnh: Trần Minh


Tại lễ kỷ niệm, NSNA Nguyễn Văn Toản, Chủ tịch Hội NANT Hà Nội phát biểu: “Ngày 15/3/1953 tại khu Đồi Cọ thuộc xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 147/SL thành lập “Doanh nghiệp Quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam”, đặt nền móng cho sự phát triển của hai ngành Điện ảnh và Nhiếp ảnh Việt Nam. Hôm nay, Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội tổ chức buổi gặp mặt các thế hệ nghệ sĩ nhiếp ảnh nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam. Đây chính là dịp để các nhà nhiếp ảnh cùng nhìn lại quá khứ vinh quang, thấy rõ trách nhiệm của mỗi người, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, duy trì sự phát triển của nhiếp ảnh Việt Nam nói chung và nhiếp ảnh Thủ đô nói riêng trong tiến trình hội nhập”.

1toa-dam-1.jpg
Nhà báo, Nhà nghiên cứu lý luận phê bình Nhiếp ảnh Vũ Huyến chia sẻ về vai trò, ý nghĩa của Sắc lệnh 147/SL – Ảnh: Trần Minh

Nhà nghiên cứu lý luận phê bình Nhiếp ảnh Vũ Huyến, Ủy viên Ban Lý luận phê bình Hội NANT Hà Nội chia sẻ: “Sắc lệnh số 147/SL do Chính phủ ban hành là văn bản rất đặc biệt đối với Nhiếp ảnh và Điện ảnh. Bởi vì, tuy ngắn gọn, súc tích nhưng nội dung của sắc lệnh đã bao quát, định hướng rõ cho các hoạt động văn học nghệ thuật, không chỉ trong thời điểm kháng chiến chống Pháp mà còn có giá trị đến hôm nay và mai sau, không chỉ riêng cho hai ngành văn hoá thị giác là Nhiếp ảnh và Điện ảnh, bởi văn hoá, nghệ thuật phải phục vụ nhân dân và phụng sự Tổ quốc. Sở dĩ, Chính phủ giao nhiệm vụ cho Nhiếp ảnh và Điện ảnh bởi hai ngành này có khả năng phục vụ nhanh, cụ thể, trực tiếp, có tính thời sự và có sức thuyết phục cao, phù hợp cho công cuộc bảo vệ Tổ quốc lúc bấy giờ và cũng như lâu dài. Bác đã có tầm nhìn xa, trông rộng mở ra một hướng đi cho Nhiếp ảnh và Điện ảnh Việt Nam hôm nay”.

1.-c6047defeded30b369fc42.jpg
Nhà báo, NSNA Phạm Tiến Dũng, Ủy viên Ban Lý luận phê bình giới thiệu những hình ảnh và các nhà nhiếp ảnh của Hà Nội – Ảnh: Trần Minh 

 

Tại buổi gặp mặt, Nhà báo, NSNA Phạm Tiến Dũng, Ủy viên Ban Lý luận phê bình đã chia sẻ với các đại biểu những tác phẩm của các tác giả nổi tiếng của Hà Nội. Kể từ khi du nhập vào Việt Nam (năm 1869), Hà Nội luôn là cái nôi của nhiếp ảnh Việt Nam với nhiều nhà nhiếp ảnh ưu tú như: Vũ Năng An, Võ An Ninh, Nguyễn Bá Khoản, Đinh Đăng Định, Nghĩa Dũng, Triệu Đại, Nguyễn Đình Ưu, Nguyễn Văn Bảo, Vũ Ba, Nguyễn Đình Hồng, Nguyễn Tiến Lợi, Nguyễn Hồng Nghi, Văn Sắc, Vũ Tạo, Mai Nam, Phạm Tuệ, Quang Phùng, Phan Thoan, Lê Minh Trường, Chu Chí Thành, Hữu Cấy, Mầu Hoàng Thiết, Tô Na, Văn Phúc, Đỗ Huân, Nguyễn Đăng Bảy, Phạm Văn Khoa, Vũ Tín, Phạm Kỉnh, Đinh Quang Thành, Mai Hưởng, Nguyễn Hữu Nền… với nhiều bức ảnh trường tồn với thời gian, là tài sản vô giá mà giới nhiếp ảnh Hà Nội đã đóng góp vào cuốn biên niên sử nước nhà.

1.-dinh-quang-thanh-.jpg
Nhà báo, NSNA Đinh Quang Thành, hội viên sáng lập Hội NANT Hà Nội với tấm bản đồ ghi dấu những nơi ông đã đi qua trong cuộc đời làm báo của mình – Ảnh: Xuân Chính 

Như chứng nhân lịch sử, nhà báo NSNA Đinh Quang Thành, hội viên sáng lập Hội NANT Hà Nội đã chia sẻ với các đồng nghiệp hình ảnh những người lính xe tăng tại Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975; các chiến sĩ quân giải phóng hành tiến trên xa lộ, chiếm sân bay Tân Sơn Nhất; người dân Sài Gòn đổ ra đường đón chào đoàn quân giải phóng… trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử; những chiếc cầu phao qua sông và cô thanh niên xung phong trong đêm dẫn đường cho xe vượt trọng điểm trong chiến tranh phá hoại ở miền Trung… và cả những câu chuyện xúc động khi gặp lại những nhân vật trong tác phẩm của ông.

1-086ddf29402b9d75c43a50.jpg
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thu Hà phát biểu tại cuộc gặp mặt Kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam – Ảnh: Trần Minh 

Là một nghệ sĩ trẻ, đạt rất nhiều nhiều giải thưởng về nhiếp ảnh trong những năm gần đây, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thu Hà xúc động: “Hôm nay tôi rất vinh dự được mời tham dự buổi gặp mặt nhân ngày Truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam. Được nghe những thông tin, chia sẻ rất quý giá từ các bậc thầy, các nghệ sĩ nhiếp ảnh đi trước, tôi đã hiểu hơn về lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam và truyền thống nhiếp ảnh Hà Nội. Tôi thấy vui vì được kế thừa những thành tựu về nhiếp ảnh do công sức lao động, sáng tạo của nhiều thế hệ các nhà nhiếp ảnh Việt Nam để lại. Tôi thấy mình phải học hỏi và phấn đấu hơn nữa để phát huy truyền thống tốt đẹp của các thế hệ đi trước”.

1-9f4e7221ed23307d693254.jpg
Các thế hệ nghệ sĩ nhiếp ảnh Hà Nội chụp ảnh lưu niệm cùng nhà báo, NSNA Hồ Sỹ Minh – Phó Chủ tịch Thường trực Hội NSNA Việt Nam, TBT Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống – Ảnh: Trần Minh
Tin liên quan