Hủ tục đau lòng và nỗi ám ảnh của các cô gái Nepal trong túp lều xa nhà

Nhiều cô gái đối diện với nỗi sợ hãi, thiếu thốn và không ai quan tâm khi phải sống trong túp lều khi đến kỳ kinh nguyệt.

Ngày 9/8, cô gái Anita Chand (16 tuổi, sống ở Nepal) đã bị rắn cắn chết khi ở trong “túp lều kinh nguyệt”. Đây là trường hợp tử vong đầu tiên được báo cáo khi ở trong lều kiểu này từ năm 2019 tại Nepal. Tuy nhiên, gia đình nạn nhân bác bỏ việc Anita Chand có kinh nguyệt khi qua đời.

Hồi năm 2019, một cô gái tên là Parbati Buda Rawat (21 tuổi, Nepal) đã tử vong sau 3 đêm ở trong túp lều tồi tàn suốt kỳ kinh nguyệt.

Hủ tục đau lòng và nỗi ám ảnh của các cô gái Nepal trong túp lều xa nhà - 1
Những căn nhà nhỏ, túp lều tạm bợ không an toàn được làm cho phụ nữ và các bé gái ở trong kỳ kinh nguyệt (Ảnh: Post).

Cái chết của nạn nhân này là trường hợp thứ 5 qua đời tại “túp lều kinh nguyệt” trong năm 2019. Sự việc đã gây ra phản ứng dữ dội từ những người phản đối hủ tục này.

Ở Nepal, từ lâu đã tồn tại một hủ tục tên là “chhaupadi”. Những người theo đạo Hindu quan niệm, phụ nữ và trẻ em gái đang có kinh nguyệt là “không sạch sẽ”. Vì vậy, họ bị cấm chạm vào đồ ăn, các biểu tượng tôn giáo, gia súc và đàn ông.

Ngoài ra, những người này phải ngủ trong các căn lều hoặc nhà nhỏ dựng tạm. Tuy vậy, có trường hợp phụ nữ phải ở trong các chuồng nuôi gia súc khi đến kỳ kinh nguyệt.

Năm 2005, Chính phủ Nepal đã cấm hủ tục này. Bất cứ ai ép phụ nữ thực hiện hủ tục phải chịu phạt 3 tháng tù giam và nộp số tiền 3000 Rupee Nepal (hơn 500.000 đồng).

Những mối nguy hiểm từ túp lều tồi tàn

Hồi năm 2022, trong một phóng sự, kênh truyền hình DW của Đức cho hay, những túp lều dành cho phụ nữ trong kỳ kinh nguyệt thường làm không an toàn, bằng bùn và rơm. Các cô gái có thể gặp nguy hiểm về sức khỏe, bị đe dọa tính mạng do thời tiết khắc nghiệt, rắn cắn, ngạt thở do thông gió kém hoặc bị lạm dụng tình dục.

Tờ Kathmandu Post của Nepal cho hay, có trường hợp chết vì ngạt thở do đốt lửa để sưởi ấm khi sống trong những túp lều tạm bợ này. Việc ở nơi tạm bợ như vậy còn có thể dẫn đến viêm nhiễm ở cơ quan sinh dục do thiếu vệ sinh, không đủ dinh dưỡng cung cấp cho cơ thể.

Mặt khác, việc thực hiện hủ tục còn để lại tác động tâm lý không tốt với phụ nữ và các bé gái. Họ cảm thấy bị bỏ rơi, không an toàn khi ngủ tại nơi cách xa nhà dẫn đến trầm cảm.

Hình phạt của cơ quan chức năng Nepal không đủ để chấm dứt hủ tục này. Nguyên nhân do mê tín hoặc lối suy nghĩ đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người.

Hơn 70% phụ nữ ở các khu vực miền núi xa xôi tại miền Tây của Nepal như Achham, Bajura, Doti và Bajhang  vẫn thực hiện hủ tục  hàng tháng. Nguyên nhân do luật không nghiêm và các lãnh đạo địa phương không cam kết sẽ chung tay bài trừ hủ tục.

Hủ tục đau lòng và nỗi ám ảnh của các cô gái Nepal trong túp lều xa nhà - 2
Những cô gái đối mặt với nhiều nỗi sợ khi ở trong túp lều xa nhà (Ảnh: Post).

Tại khu vực Bajhang, Nepal từng có các “túp lều kinh nguyệt” bị dỡ bỏ hồi năm 2018. Thế nhưng, nhiều chị em tự dựng lại, do sợ bị ép vào ở trong hang động khi đến kỳ kinh nguyệt.

Radha Paudel, nhà văn sống ở Nepal cho rằng, việc phá hủy các túp lều không thể loại bỏ được hủ tục.

“Cần có cách tiếp cận toàn diện hơn giúp bỏ niềm tin và sự mê tín về việc kinh nguyệt là không trong sạch và không linh thiêng”, nhà văn này nhấn mạnh.

Nanda Thapa, lãnh đạo thành phố Badimalika, Nepal thừa nhận, không thể “quét sạch” các túp lều ở những nơi mà quan niệm đã ăn sâu vào suy nghĩ. Theo vị này, ở một số nơi, phụ nữ còn ngăn cản cảnh sát phá dỡ các túp lều, do sợ điều tồi tệ sẽ xảy ra nếu họ không tuân theo hủ tục.

Vì vậy, để bài trừ tận gốc hủ tục này, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải nâng cao nhận thức của người dân ở Nepal để không còn những niềm tin mù quáng.

Tin liên quan