Thổ Hà là ngôi làng Bắc Bộ thuần Việt, nổi tiếng với nghề làm bánh đa, là điểm đến yêu thích của nhiều du khách trong và ngoài nước.
Làng Thổ Hà thuộc xã Vân Hà, huyện Việt Yên, cách thủ đô Hà Nội khoảng 45 km. Thổ Hà là một không gian làng quê Bắc Bộ thuần Việt, ngày nay vẫn giữ những nét đặc trưng như cổng làng, đình làng, cây đa, giếng nước. Tuy nằm ở đồng bằng nhưng đất Thổ Hà không trồng được lúa, người dân ở đây sống bằng nghề thủ công và buôn bán.
Nằm trên mô đất có diện tích 20 ha, Thổ Hà phía bắc là đồi núi thấp, còn lại ba mặt đều giáp sông Cầu. Vị trí đặc biệt khiến giao thông đường thủy của Thổ Hà phổ biến. Để đến được làng, người dân và khách du lịch phần lớn phải đi đường sông. Từ Hà Nội, bạn có thể đến ngôi làng này bằng cách đi đến Yên Phong, Bắc Ninh rồi đi đò sang bờ bên kia. Đò chở khách hoạt động liên tục từ sáng đến tối.
Làng Thổ Hà trước kia nổi tiếng với nghề gốm. Đây từng là một trong những trung tâm làm gốm nổi tiếng nhất của người Việt vào thế kỷ 14. Tuy nhiên, nghề gốm dần mai một, chỉ còn nghề làm bánh đa vẫn được người dân truyền từ đời này qua đời khác. Bước vào làng, ấn tượng đầu tiên của du khách sẽ là những phên bánh đa được xếp đầy những con ngõ nhỏ, trên mái nhà, cành cây… còn không khí ngập tràn hương thơm của bánh đa.
Thổ Hà chủ yếu sản xuất hai loại bánh: bánh đa dừa và bánh đa nem. Để có những chiếc bánh đa thơm ngon, người dân kỹ lưỡng ngay từ khâu chọn nguyên liệu. Bột tráng bánh làm từ gạo tẻ nguyên chất được ngâm từ tối hôm trước. Cứ 3h sáng hàng ngày, ngôi làng nhỏ bên sông Cầu lại thức giấc để bắt đầu một ngày lao động. Bếp nhà nào cũng đỏ lửa. Ngày nay, trong khi bánh đa dừa được tráng thủ công trên bếp lò thì khâu tráng bánh đa nem đã được máy móc hỗ trợ. Khâu tráng bánh phải được thực hiện tỉ mỉ, khéo léo để bánh đa có độ dày vừa phải, chín tới.
Bánh tráng xong được xếp lên phên tre phơi khắp làng. Làng Thổ Hà có một trục đường chính để vào làng. Con đường này tỏa ra nhiều ngõ nhỏ. Những con ngõ nhỏ rất hẹp, chỉ rộng khoảng hơn 1 m, sâu hun hút. Các phên bánh đa nem được phơi nghiêng dựa vào những bức tường phủ đầy các con hẻm, ở sân đình, trên mái nhà… tạo nên hình ảnh chỉ riêng Thổ Hà mới có.
Ông Nguyễn Đức Tạo (người dân Thổ Hà) cho hay nhà ông đã làm bánh đa vài chục năm nay. Công việc khá vất vả vì phải dậy sớm mỗi ngày tráng và phơi bánh. Để bánh có độ dẻo đặc trưng, bánh đa Thổ Hà phải phơi gió chứ không nên phơi dưới nắng to.
Bánh đa dừa phơi đủ khô sẽ được mang đi nướng. Mỗi ngày, chị Nguyễn Thị Thắm phải ngồi trước bếp lửa đến tận chiều để nướng hết 100 cái bánh đa. Còn bánh đa nem sau khi phơi sẽ được mang đi cắt và đóng gói.
Bánh đa Thổ Hà nổi tiếng thơm ngon. Bánh đa dừa nướng giòn tan, thơm phức hương vị của dừa, vừng, lạc. Bánh đa nem có độ dày vừa phải, dẻo, dễ cuốn, ngâm nước vẫn dai không bị vỡ nát, nên được nhiều người ưa chuộng, Ngày nay, hương vị bánh đa Thổ Hà đã đi khắp nhiều vùng trên đất nước và ra thế giới.
Chị Trịnh Thị Phượng, người làng Thổ Hà đang đóng gói bánh đa dừa để mang đi phân phối. Chị nói: “Để bánh đủ khô, chị thường phơi khoảng 2 ngày sau khi tráng Việc làm bánh đa khá vất vả vì phải thường xuyên dậy sớm và ngồi bếp lò”.
Nghề làm bánh đa không lưu giữ hương vị truyền thống Thổ Hà, mà còn mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Hiện làng Thổ Hà có hơn 600 trăm hộ làm bánh đa. Mỗi ngày, trung bình một hộ làm khoảng 200-300 kg gạo. Thổ Hà cũng là điểm đến cho những khách du lịch, nhà nghiên cứu về văn hóa, làng nghề.