Sau một đêm ra khơi, mỗi thuyền của ngư dân huyện Nghi Xuân thu về hơn 100 kg cá trích. Thương lái mua về nướng bán lấy thêm lời.
Giữa tháng 3, tại bờ biển xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân, mỗi sáng có hàng chục tàu thuyền công suất dưới 90CV cập bờ, trên khoang chở nhiều tấm lưới mắc hàng nghìn con cá trích.
Cá trích sống cách bờ 5-10 hải lý, thường bơi trên mặt nước. Ngư dân ra khơi lúc cuối giờ chiều, trở về 8-9h hôm sau. Họ dùng tấm lưới dài hàng trăm mét, rộng 10 m, có phao lớn thả xuống biển để bắt.
Cập bờ, chủ thuyền huy động các thành viên trong gia đình chia mỗi nhóm 4-6 người đứng bốn góc để căng lưới rộng ra, sau đó giật mạnh để cá tự rớt xuống tấm bạt đã trải sẵn.
“Hai bên mang của cá thường bị mắc vào lưới nên dễ rơi ra ngoài khi có tác động mạnh. Tuy nhiên, cũng có một số con bị lưới bủa vây ngang bụng, phải dùng tay gỡ. Có hôm chúng tôi gỡ cá mỏi tay”, bà Trần Thị Thành, 54 tuổi, trú xã Xuân Liên, nói.https://9eb7ab5eb4364d58a6bf19dd2974f19e.safeframe.googlesyndication.com/safeframe/1-0-38/html/container.html
Cá sau khi rớt xuống tấm bạt, ngư dân lại nhặt bỏ vào rổ nhựa và tre. Công đoạn này thường dành cho phụ nữ.
Phân loại xong, một phụ nữ đưa rổ đựng cá ra biển, nhúng xuống nhiều lần cho sạch cát.
Một rổ cá trích tươi rói được rửa sạch. Loài này da hơi xanh, thân dài, nhiều xương nhỏ, giá 10.000-13.000 đồng một kg khi bán tại biển.
“Một lần ra khơi, thuyền gồm hai lao động đánh bắt được khoảng 100 kg, thu về khoảng một triệu đồng. Trừ chi phí khấu hao ngư cụ lời khoảng 800.000 đồng mỗi chuyến”, ngư dân Nguyễn Văn Tân cho hay.https://9eb7ab5eb4364d58a6bf19dd2974f19e.safeframe.googlesyndication.com/safeframe/1-0-38/html/container.html
Khoảng 7-8h mỗi ngày, thương lái ở các xã như Xuân Hội, Xuân Phổ, Xuân Hải… đã tập trung tại bờ biển Xuân Liên để thu mua cá đem về nhập cho đối tác. “Một ngày tôi gom được 150 kg, có hôm gần 400 kg”, bà Nguyễn Thị Toan, trú xã Xuân Hội, nói.
Một số ngư dân không nhập cho thương lái mà đổ cá vào xe đẩy chở về nhà, sau đó đưa ra các chợ trên địa bàn Nghi Xuân bán lẻ với giá cao hơn 5.000-10.000 đồng một kg so với giá gốc tại biển.
Kết thúc chuyến ra khơi, ngư dân dùng máy kéo thuyền lên bờ, để tránh bị sóng đánh mạnh vào mạn thuyền khiến hư hỏng. Thông thường, một số gia đình trong xã Xuân Liên sẽ mua máy về để kéo thuê cho ngư dân, trung bình một lần đưa thuyền lên bờ giá 20.000-30.000 đồng.https://9eb7ab5eb4364d58a6bf19dd2974f19e.safeframe.googlesyndication.com/safeframe/1-0-38/html/container.html
Lưới sau khi gỡ hết cá sẽ được xếp gọn thành từng lớp, để khi giăng lưới đánh bắt chuyến mới không bị rối. Một số ngư dân đặt lưới tại thuyền, song cũng có nhiều người bỏ lưới vào xe đẩy về nhà cất giữ.
Cá mua từ biển về được thương lái bỏ vào nhiều tấm phản hoặc mẹt tre. Người dân chuẩn bị bếp và than, nhóm lửa để nướng.
“Trước khi nướng cần ướp cá với một ít gia vị như bột canh, ớt cay. Như thế sẽ tạo ra vị thơm và đậm đà. Trung bình mỗi buổi sáng, một hộ có thể nướng được 100 kg, lúc nào nhiều là hơn 300 kg. Hàng ngày tôi luôn tiêu thụ được hết số cá nướng, thu về hơn một triệu đồng”, bà Võ Thị Tâm, trú xã Xuân Hội, cho biết.
Cá trích nướng bán từ 40.000 đến 60.000 đồng một kg. Ngoài ra, cá còn được chế biến nhiều món ăn như gỏi, kho, sốt cà chua, xay làm chả.