Anh Trần Minh Tuấn, 40 tuổi, xã Hàm Đức cùng ba người hàng xóm chuyên nghề đốt lò làm than, mỗi tháng thu nhập 10 triệu đồng một người.
Rừng keo lá tràm nằm sâu trong con đường dẫn vào dự án sân bay Phan Thiết giữa ranh giới xã Thiện Nghiệp, TP Phan Thiết và xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc. Sáng sớm, anh Tuấn cùng ba người bạn dùng cuốc, xẻng gấp rút cào lớp đất mặt trên ụ, dùng tay bốc từng khúc than đang còn nóng hổi bỏ vào thau nhôm chuyển lên trên. Chiếc bao tay vải dày cộm mới chịu được sức nóng của những khúc than còn tỏa khói.
Khuôn mặt lem luốc bụi đen, chỉ tay về đống than ùn cao hơn một mét ở phía lùm cây cách đó 20 mét, anh Tuấn cho biết từ 3h khuya, mọi người đã ra khui lò, đưa than lên cho kịp. “Đây là lò thứ hai. Mình phải ra sớm, tranh thủ thời tiết mát mẻ, chứ đến trưa nóng không chịu nổi”, anh Tuấn nói.
Ba lò than được đắp gần nhau bên góc rừng keo lá tràm, đốt từ mười hôm trước. Khói ở các lỗ thông gió trên cái lò chuẩn bị khui tỏa lên nhẹ nhàng. Thi thoảng gió tạt vào, khói bốc cao lên rồi hạ xuống uyển chuyển. Anh Đỗ Văn Thanh, 37 tuổi, người trong nhóm cho biết than ở đây được đốt bằng phương pháp thủ công. Ngày xưa dùng củi rừng, nhưng nay đã chuyển qua đốt bằng củi keo lá tràm và bạch đàn.
Khu vực tam giác ba xã (Thiện Nghiệp, Hàm Đức và Hồng Phong) đất cát bạc màu, phù hợp trồng các rừng keo lá tràm và bạch đàn, do vậy hơn 20 năm qua nơi đây bạt ngàn loại rừng trồng này. Các khoảnh cây trưởng thành được thu hoạch cuốn chiếu. Sau khi lấy thân gỗ, người ta bỏ lại ngọn và cành ngổn ngang. Nhóm anh Tuấn đến xin chủ rừng lại phần củi vứt bỏ này, gom chở về làm than.
Có nguồn nguyên liệu, nhóm thuê máy cày đến gom chở về tập kết nơi rừng keo có nhiều lá rụng, trong bán kính 5-6 km. Trên bãi đất hoang, những người làm than chuyên nghiệp bắt đầu đào làm lò. Một cái hố hình tứ giác cân được đào lên theo kích thước đáy 2,2 m, hai cạnh bên chừng 2,6 m và cạnh trên tóp lại ngắn hơn so với đáy.
“Nếu làm theo hình chữ nhật, trong quá trình đốt rất tốn củi. Còn làm kiểu này, số củi ở cửa lò cháy về phía dưới sẽ ít tiêu hao hơn”, anh Thanh giải thích.
Kê xong bốn cây làm đà ở dưới cùng hỏng lên mặt đất chừng nửa gang tay, bốn người xúm vào cưa, cắt củi ở đống cây đang để sẵn. Từng khúc được chất xuống thành khối ngay ngắn theo hình tứ giác cân, cao hơn một mét, bên trên bao phủ một lớp lá keo lá tràm khô dày 25 cm. Sau đó, họ dùng xẻng xúc đất đắp lên thành ụ. Khi lò thành hình thành dạng, họ đào hai lỗ làm cửa phía trước và hai lỗ thông gió phía sau để gió vào ra thông suốt.
Châm lửa xong, anh Tuấn dùng chòm lá quạt đều khoảng 15 phút, gió đẩy lửa cháy lồng vào bên trong. Anh Tuấn cho biết, lỗ đón gió sẽ được mở xoay về hướng Nam hoặc Bắc tùy theo mùa. “Đây là kinh nghiệm hàng trăm năm của ông bà xưa. Làm như vậy, gió mới lồng vào, than cháy đều trong quá trình đốt củi”, anh Tuấn giải thích và cho biết sau chừng 10 ngày, củi từ từ chuyển hóa thành than.
Trung bình cứ mỗi lò cho ra mẻ than 600 kg. Trong một tháng, bốn người làm chung được hơn 10 mẻ, tổng cộng cả thảy được 6 tấn. Hiện, than có giá 7.000 đồng một kg. Trừ chi phí, mỗi tháng nhóm các anh kiếm được 40 triệu đồng, chia đều cho bốn người. “Làm than là nghề khổ ải, nhưng tính ra thu nhập như vậy cũng đủ nuôi sống được gia đình và cho con cái ăn học”, anh Tuấn nói.
Ở khu vực thôn Triền, xã Hàm Đức (huyện Hàm Thuận Bắc) có hơn chục người theo nghề làm than truyền thống. Họ học nghề từ các thế hệ đi trước trong thôn. “Hai từ ‘lầm than’ đã nói đến sự cực khổ, nghề làm than cũng vậy, không sung sướng gì đâu”, anh Thanh, vác từng bao trên vai chuyển ra đường chờ lái đến thu mua, nói: “Nhưng quen rồi, không bỏ được đâu, chắc mình làm than đến khi nào già hết sức thì thôi”.