Đà Lạt lập đông với mùa hồng trĩu quả. Nhiều gia đình chọn cách treo hồng theo phương pháp Nhật Bản thay vì bán hồng ăn quả.
Du nhập Việt Nam từ nhiều thập niên trước, hồng ăn trái Nhật Bản được trồng ở Đà Lạt vì phù hợp với điều kiện khí hậu, độ cao và được coi là trái cây đặc sản của xứ sương mù.
Mùa hồng ở Đà Lạt bắt đầu khoảng cuối tháng 8 đến hết tháng 11. Người dân thu hoạch để làm hồng treo thay vì bán như cây ăn quả.
Sau khi thu hoạch, những trái hồng còn cuống được rửa sạch, phơi ráo trước khi sơ chế.
Những trái hồng được gọt vỏ hoàn toàn, chỉ giữ lại phần cuống. “Để cho trái hồng đẹp thì người cạo cần phải tỉ mỉ”, một công nhân làm hồng treo cho biết.
Hồng được sấy khô trước khi treo. Theo bà Đặng Thị Thu Vân, người làm hồng sấy lâu năm ở phường 10 (TP Đà Lạt), những trái hồng già gọt sạch vỏ sẽ được sấy trong lò khoảng 3 tiếng ở nhiệt độ 50 – 60 độ C.
Thời gian treo hồng kéo dài khoảng 3 tuần với điều kiện thời tiết nắng ráo, nhiệt độ ngoài trời 25-30 độ C.
Nghề làm hồng treo ở Đà Lạt theo công nghệ Nhật Bản hình thành gần 10 năm trước khi những người nông dân ở đây được tiếp nhận công nghệ sấy khô từ các chuyên gia của Tổ chức JICA (Nhật Bản).
Từng trái hồng sau đó được kẹp gắn tách biệt treo thành dây, không sử dụng chất bảo quản nào và nhờ gió sấy tự nhiên.
Suốt quá trình treo, hồng sẽ được kiểm tra bề mặt để đảm bảo không bị mốc, hư hỏng. Hồng sấy gió tự nhiên có màu sắc tươi. Khi mùa mưa chuẩn bị kết thúc, đây là thời điểm những cơ sở tại Đà Lạt tất bật làm hồng treo.
Người làm hồng treo gió còn sử dụng quạt để đuổi côn trùng.
Những trái hồng sấy gió, được đóng gói, bán thành phẩm từ 400.000 – 450.000 đồng/kg.
Du khách thích tìm đến những địa chỉ làm hồng sấy gió vừa trải nghiệm sản phẩm du lịch vừa tận mắt thấy quy trình làm hồng kỳ công này.