Người dân xã Kỳ Thư, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh, mỗi ngày làm được 1-2 chiếc nón, thu nhập mỗi tháng gần 2 triệu đồng.
Người dân thôn các Hòa Bình, Đan Trung, Trung Giang, Thanh Bình, Trung Giang, Trường Thanh, Liên Miệu, Cầu Miệu, xã Kỳ Thư, làm nón từ hàng trăm năm nay, kế thừa truyền thống từ cha ông. Hiện địa bàn còn 300 hộ dân theo nghề, bên cạnh làm ruộng và buôn bán.
Lá làm nón có hai loại, lá trắng và lá xanh. Lá nón dài khoảng 50 cm, được người dân lấy trên rừng ở thị xã Kỳ Anh và Quảng Bình đưa về bán. Một cuống khoảng 1-7 lá, mỗi bó khoảng 45 cuống, bán 25.000 đồng.
Tre để uốn vành nón được người dân tự trồng hoặc mua tại các chợ trên địa bàn. Nếu mua ngoài chợ, một bó khoảng 40 thanh tre dài hơn 3 m, giá 15.000-25.000 đồng.
Lá nón phơi khô được hơ trên chiếc nồi nóng, kéo đi kéo lại rồi dùng khăn ướt miết cho phẳng.
Một chiếc nón gồm 3-4 vành tre uốn tròn từ trên xuống, ngoài ra còn có các nan nhỏ bao quanh được uốn từ thân cây đùng đình.
Ở công đoạn xâu lá nón vào vành, những lá to, không phẳng được đặt phía trong, lá nhỏ và phẳng sẽ kết phía ngoài.
Bà Võ Thị Tín, 73 tuổi, trú thôn Hòa Bình, dùng miệng miết sợi cước nhỏ để xâu vào kim cho dễ. Bà kể trước kia làm nón cho thu nhập chính, nhà nào cũng tập trung người làm. Nay người dân chuyển nghề nhiều, chỉ còn người già hoặc một số đàn ông phụ và phụ nữ trung niên tranh thủ lúc nông nhàn làm thêm để tăng thu nhập.
“Vào giữa buổi trưa và giữa buổi chiều mỗi ngày, chúng tôi mỗi nhóm 3-5 người thường mang đồ nghề đến tập trung tại nhà của một hộ dân trong thôn để cùng ngồi làm nón và trò chuyện cho vui”, bà Tín nói.
Bà Nguyễn Thị Thể, 84 tuổi, trú thôn Hòa Bình, đang dùng kim xâu sợi cước nhỏ khâu nón theo vòng tròn từ trên xuống dưới.
Theo bà Tín, công đoạn này phải đòi hỏi khéo tay, tỉ mỉ quan sát. Khi khâu phải lấn chỉ, giấu những nốt nối của dây cước vào trong để chiếc nón khi hoàn thành có thẩm mỹ cao.
Thỉnh thoảng nhiều người còn làm thêm nón hoa theo đặt hàng của khách. Người thợ dùng lá màu xanh để cắt hoa bốn cánh, sau đó kết hoa vào lớp lá thứ hai rồi dùng lớp lá trắng phía ngoài che lại.
Một chiếc nón sẽ kết 2 hoa, đặt song song hai phía. Khách muốn phân biệt chỉ cần đưa nón ra giữa ánh nắng hoặc không gian sáng là hoa sẽ nổi.
Khi gần hoàn thiện, người thợ dùng sợi len màu đỏ để đan điểm xâu quai nón. Một cuộn len giá 12.000 đồng, đủ dùng cho 40 chiếc nón.
Bà Thể bên những chiếc nón do mình làm. Trung bình mỗi ngày một người thợ làm được một chiếc nón, nếu ai năng suất thì hai ngày làm được 3 chiếc.
Giá nón 25.000-45.000 đồng một cái tùy loại, với những chiếc kết hoa giá 60.000-120.000 đồng. Quai đeo nón thường là nhung hoặc vải, được bán riêng, giá 3.000-5.000 mỗi chiếc.
Khi có khách đến nhà mua nón, bà Tín dùng dầu nhựa thông pha loãng với xăng quét lên để giữ độ bền. Dầu sẽ giúp bịt lại những mũi kim khâu còn hở, khi gặp trời mưa hoặc nước tạt trúng không bị thấm vào trong.
Ông Nguyễn Duy Thành, Phó chủ tịch UBND xã Kỳ Thư, nói nghề nón trước kia cho thu nhập khá, nay dần mai một do cơ chế thị trường. Xã đã thành lập tổ hợp tác để nhân rộng nghề, sắp tới cử đoàn vào Thừa Thiên Huế, Quảng Bình… học hỏi mô hình làng nghề truyền thống nhằm nâng cao chất lượng, hướng tới làm sản phẩm du lịch, quà lưu niệm.Video Player is loading.DừngHiện tại 0:06/Thời lượng 0:52Đã tải: 0%Tiến trình: 0%Bỏ tắt tiếngToàn màn hình