(Khám phá) Tháng 7, khi ruộng bắt đầu cày ải, chuột đồng béo núc là lúc người dân Hà Nội và Bắc Ninh bắt làm thức ăn.
Người dân làng Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội) và Đình Bảng (Bắc Ninh) sử dụng bẫy kẹp loại nhỏ để bắt chuột đồng. Sau mỗi vụ thu hoạch lúa, chuột đồng nhiều và béo.
Lúa gặt xong, đất ruộng bắt đầu lên ải, chuột dạt về phía các gò cao. Dựa vào quy luật khi ra khỏi hang chuột thường đi và về theo đúng con đường đã đánh dấu, người dân tìm vị trí đặt bẫy.
Chiếc bẫy đường kính 5-6 cm, vành có răng cưa (kiểu bẫy thú) sẽ được đặt khéo léo để kẹp đúng vào chân con chuột.
“Tháng 6 và 11 hàng năm là thời điểm chuột béo ngậy bởi ăn lúa chín. Trên khắp cánh đồng, trai làng dùng chó đánh hơi để đuổi và cuốc hang chuột. Tuy nhiên, bắt kiểu đó tốn sức và được ít, dùng bẫy hiệu quả, lại không tốn thời gian”, anh Nguyễn Sơn vừa nói vừa đảo mắt tìm đường đi của chuột.
Sau khi đặt bẫy, người dân đánh dấu bằng vải màu để dễ nhận biết. Có hai giống chuột được bẫy để làm thức ăn là chuột đồng và chuột dúi (cống nhum).
Sau 19h, người dân đi thăm bẫy bởi thời điểm này chuột rời hang đi ăn. Nhiều nông dân ở vùng miền khác đã tìm đến Ninh Hiệp và Đình Bảng nhờ bắt chuột ở đồng ruộng của họ.
“Chuột đồng màu lông vàng óng, thân to, bụng trắng, con trưởng thành nặng 300-500 gram. Còn chuột nhà lông đen, thân bé. Người dân bẫy chuột thường chọn cánh đồng xa khu dân cư để tránh bẫy chuột nhà, không ai ăn. Mỗi buổi đi từ 16h đến 20h, tôi bắt được 5-7 kg chuột đồng”, anh Nguyễn Văn Chiến cho biết.
Chuột được làm sạch bằng cách tuốt lông, bỏ ba tuyến hoi rồi thui rơm. Người dân làng Ninh Hiệp luôn nghĩ ra cách làm mới món ăn từ chuột để tránh bị nhàm chám.
Chuột đồng có thể chế biến thành 7 món, trong đó món được ưa chuộng làm mồi nhậu là chuột hấp ép lá chanh, lẩu, nướng, hoặc xào khế.
Ngọc