Người đàn ông trồng bonsai ngược

Ông Lê Thạnh tình cờ thấy cây mọc ngược ở hang động dáng đẹp nên trồng thử, cho kết quả những thế cây độc đáo, được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Ông Thạnh, 61 tuổi, cắt tỉa cây mai chiếu thủy (kim giòn) trồng ngược trong bình gốm trên tầng thượng ngôi nhà ba tầng ở đường Cao Thắng, TP Tam Kỳ. Có sở thích trồng cây cảnh từ nhỏ, nhưng do làm ở ngân hàng, phải đi công tác nhiều nên ông chưa thực hiện được.

Năm 2000, ông chuyển về làm ở TP Tam Kỳ, nhà cửa ổn định nên mới bắt đầu chơi bonsai. Cuối tuần ông đi nhiều nơi săn lùng cây ngoài tự nhiên hoặc mua lại các nơi đưa về nhà trồng.

Năm 2010, ông đi du lịch Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) và động Phong Nha (Quảng Bình), phát hiện nhiều cây mọc ngược. “Tôi quan sát thấy một số cây mọc hướng thẳng xuống đất, rễ lại cắm lên trời. Nhiều cây bám vào đá, song sinh trưởng phát triển tốt và cho những thế độc đáo”, ông kể.

Sau chuyến đi, về nhà ông bắt tay thử nghiệm. Đến nay, vườn cây cảnh với nhiều dáng ngược, dáng đứng, nghiêng đã phủ xanh ngôi nhà rộng 120 m2 của ông Thạnh.

Ông tận dụng ban công và tầng thượng rộng khoảng 80 m2 trồng cây thế ngược. Hơn 13 năm trồng, ông tạo ra hơn 120 cây thế ngược, hiện còn khoảng 70 cây. Số còn lại ông tặng bạn bè và bán thu hồi vốn tái đầu tư.

Cây linh san trồng trong bình ủ rượu được ông chăm sóc đã ra hoa. “Cây gì cũng có thể trồng ngược được hết, hiện tôi trồng hàng chục loại, chúng đều phát triển, sinh trưởng tốt”, ông nói.

Cây được trồng trong lu, bình, chậu cắm hoa, ché rượu, bình gốm… “Trồng ngược có ưu điểm không bị úng nước, cây treo lên thoát nước ra ngoài rất nhanh”, ông nói, cho hay để trồng cây ngược cho thế đẹp quan trọng là do con người chọn lọc. Quá trình trồng đơn giản, mỗi ngày chỉ tưới nước một lần.

Ông Thạnh trồng nhiều bonsai ăn quả như cam, chanh. Ông có khoảng 100 bonsai thế đứng, nghiêng, có những cây trị giá vài chục triệu đồng.

Ông dùng máy cắt bỏ phần đáy bình gốm rồi cho gốc cây vào cùng đất, phân bón treo ngược lên giàn.

Một cây trồng trong bình sứ đựng nước uống. Ông Thạnh hiện đã nghỉ hưu nên có nhiều thời gian chăm sóc, sưu tầm cây. “Vườn cây này chứa đựng cả tuổi thơ, là gia tài lớn đối với tôi”, ông chia sẻ.

Cuối năm 2020, ông Thạnh được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác nhận và trao bằng kỷ lục dành cho “Người tạo tác các tác phẩm bonsai ngược nhiều nhất Việt Nam”. Đây là động lực để ông tiếp tục sáng tạo ra nhiều tác phẩm bonsai.

Tin liên quan