(Khám phá) Trong nghi lễ, con nuôi có dịp tạ ơn thầy cúng và các âm binh đã chữa khỏi bệnh cho mình.
Cuối tháng 4, khi cây măng đắng trong rừng bắt đầu nhú, cây ban chúm chím khoe sắc, người La Ha (bản Nà Tạy, xã Pi Toong, huyện Mường La, Sơn La) tổ chức lễ Pang A (lễ cầu an). Thầy cúng đứng đầu trong buổi lễ, cũng là thầy thuốc của dân làng. Ông đứng ra làm những vật phẩm để cúng tế.
Dân tộc La Ha có hơn 8.170 người, là một trong số 16 dân tộc Việt Nam cần được bảo tồn văn hóa truyền thống khẩn cấp. Người La Ha được cho là những cư dân đầu tiên khai phá vùng lòng chảo Tây Bắc trước khi tộc người Thái di cư đến.
Một trong những vật phẩm quan trọng của buổi lễ cầu an là cây Xặng Bok, làm từ cây móc và cây chuối rừng. Người La Ha quan niệm cây móc tượng trưng cho trâu đen, cây chuối tượng trưng cho trâu trắng. Trên cây Xăng Bok trang trí rất nhiều vật dụng liên quan đến đời sống sinh hoạt hàng ngày.
Dân tộc La Ha theo tín ngưỡng thờ đa thần giáo. Họ quan niệm có nhiều loại ma, ma lành giúp ích cho con người, ma dữ chuyên gieo rắc tai họa, bệnh tật. Con người bị ốm đau phải nhờ các thầy mo cúng nhờ âm binh gọi hồn về để được khỏe mạnh. Khi chữa khỏi bệnh, thầy cúng nhận người bệnh làm con nuôi. Trong dịp này, các con nuôi tạ ơn thầy cúng và các âm binh đã chữa khỏi bệnh cho mình, cầu mong thầy cúng khỏe mạnh, sống lâu để giúp cho dân bản chữa bệnh.
Mâm lễ vật tùy thuộc vào điều kiện kinh tế và tình hình bệnh tật của mỗi người. Nếu người nào bệnh nặng thì mâm lễ phải có một con sóc khô, một chai rượu trắng, một chum rượu cần, một bát gạo và một quả trứng, đặc biệt là phải có củ măng.
Trong khi mọi người dựng cây Xặng Bók, gia đình thầy cúng chuẩn bị một mâm lễ, nhờ một người trong gia đình làm lễ cúng hồn chủ nhà. Nghi lễ này có ý nghĩa cầu mong cho các vị thần linh phù hộ, giữ hồn cho thầy cúng trong quá trình hành lễ được may mắn, không bị lạc hồn, lạc vía.
Theo trình tự thời gian, thầy cúng làm lễ mời tổ tiên, các thầy, ma, hồn thầy cúng… rồi lần lượt cúng cho con nuôi được khỏe mạnh mãi mãi, không ốm đau, làm ra nhiều thóc ngô, nuôi được nhiều gia súc, gia cầm.
Sau khi cúng cho mỗi con nuôi, thầy cúng mời con nuôi uống rượu và ăn lộc.
Điệu múa đặc biệt trong lễ Pang A là múa Sừng Lừng (mang tính phồn thực) cầu mong cho con người thoát nạn hữu sinh vô dưỡng, con người khỏe mạnh, vạn vật sinh sôi nảy nở.
Lễ hội mang tính cộng đồng, các trò diễn trong lễ phản ánh tín ngưỡng trong việc chữa các loại bệnh, thao tác nông nghiệp, như mô phỏng người bướu cổ, người què chân, người ngớ ngẩn, người trông nương…
Buổi lễ gần kết thúc, thầy cúng khấn cho hồn về trời tại mâm lễ chính. Trong khi thầy cúng làm lễ các con nuôi lại diễn trò cày bừa lần cuối. Lễ hội nhắc nhở con cháu ghi nhớ công ơn thầy thuốc có công cứu chữa cho mình được khỏi bệnh, nhắc nhở con cháu nhớ về nguồn cội.