(Tin hot) Hưởng ứng trào lưu chụp ảnh nhặt rác, nhiều người ở Đà Nẵng, Ninh Thuận… từ trẻ đến già rủ nhau lập nhóm đi nhặt rác ở các bãi biển, lưng núi.
Sáng 17/3, Mai Văn Vinh (23 tuổi, Ninh Thuận, giáo viên tiểu học) đã huy động được nhiều bạn trẻ từ nhiều địa phương trong tỉnh đến Hòn Đỏ (xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận) để tham gia thách thức dọn rác. Không có nhà tài trợ, hơn 40 người đã bỏ tiền túi để mua nước uống, bao bì đựng rác, và đồ ăn nhẹ để phục vụ cho các thành viên.
Nhiều người hưởng ứng hoạt động phải đi cả trăm km để đến điểm dọn rác rồi vội quay về để kịp giờ làm việc buổi chiều. “Ở đây mảnh chai nhiều vô kể nhưng may mắn là không ai gặp sự cố. Thậm chí có những em nhỏ 7-8 tuổi cũng rất hăng hái và làm việc rất an toàn”. Từ 7 giờ sáng đến 4 giờ chiều, đã có hơn 100 túi rác được nhóm bạn này thu nhặt. Những túi đựng được sử dụng lại để tránh gây ảnh hưởng đến môi trường.
Dẫn con trai Nguyễn Đức Thịnh, 8 tuổi (mũ đỏ, áo đỏ), đến góp sức, chị Đào Thị Loan (phó chủ tịch xã Thanh Hải) chia sẻ, “tôi thấy hoạt động này rất hay, tôi muốn con trai tham gia để cháu có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường”.
Còn tại Đà Nẵng, khu vực bán đảo Sơn Trà, ngoài việc một số người dân nuôi gia súc tự do, đây cũng là nơi nhiều người lui tới vui chơi, ăn uống. Vì địa hình núi dốc, có đá lởm chởm, nơi này không được vệ sinh thường xuyên. Rác trên bờ đã nhiều, rác ở dưới biển bị sóng đánh mắc vào các hốc đá lại nhiều hơn, gây mất mỹ quan.
Võ Thành An (mũ trắng), 28 tuổi, Đà Nẵng, làm nghề tổ chức sự kiện, hay đi cắm trại ở các bãi biển này, thường xuyên thấy những người vui chơi ở đây xả rác lại. Ngày 16/3 vừa qua anh đã huy động được 8 người bạn cùng nhau đến bãi Đá Đen. Vì vách đá nguy hiểm nên mất khoảng 4 tiếng đồng hồ để dọn xong. “Việc trầy xước là chuyện bình thường, nhưng không sao, làm xong thấy bãi biển sạch sẽ là mình vui rồi. Chỉ hy vọng nó không còn là trào lưu nữa mà thực sự trở thành thói quen”.
Sau khi dọn được 30 bao rác, anh cùng bạn bè vận chuyển “thành quả” từ chân núi lên, chất đầy xe máy và chở về bãi tập kết cách đó 5 km. Sau khi đăng tải hình ảnh lên mạng xã hội, đã có hàng chục người đăng ký tham gia chiến dịch tiếp theo của anh vào cuối tuần này. Anh cũng khuyến nghị người tham gia không nên nhặt rác bằng tay, kể cả có bao tay chuyên dụng để tránh bị vật nhọn làm tổn thương da.
Cũng ở Đà Nẵng, sáng 17/3, chị Nguyễn Thị Tịnh (36 tuổi), làm việc tại một trung tâm giáo dục ở Đà Nẵng, cùng 4 người bạn đến âu thuyền Thọ Quang (Sơn Trà, Đà Nẵng) để thực hiện dọn dẹp vệ sinh. Ở đây, rác tràn ngập xung quanh nhà dân, bên bờ biển, nơi có rất nhiều lồng cá đang được nuôi.
“Chỉ cần mỗi người làm sạch mỗi khu vực nơi mình sinh sống đã khiến môi trường được sạch sẽ hơn”, chị Tịnh nói.
Từ 9 đến 12 giờ trưa, nhóm của chị Tịnh đã làm sạch được khu vực khoảng 300 m2, số lượng rác thu gom được 30 bao. “Vui nhất là có một tài xế xe trong xóm đã đồng ý giúp chuyển toàn bộ rác thu gom được ra đến nơi tập kết rác của phường Thọ Quang. Người dân ủng hộ như vậy tiếp thêm động lực cho chúng tôi rất nhiều”, chị Tịnh vui vẻ nói.
Còn ông Nguyễn Hữu Đức (58 tuổi, Đà Nẵng) đạp xe hơn 85 km đến đỉnh Dốc Kiền, giáp huyện vùng cao Đông Giang (Quảng Nam) cùng ông Quốc (50 tuổi) và hai người cháu.
“Đạp xe đường dốc là đam mê xưa nay, nhưng leo núi thì cả 4 người chưa từng. Trước đây tôi đã thấy bãi rác làm mình khó chịu ở lưng núi này nên đã chuẩn bị trước dây thừng để leo xuống và đưa rác lên mặt đường. Sau đó chúng tôi nhờ xe tải qua đường chở giúp vận chuyển rác xuống điểm tập kết”.
Ông Đức cho rằng môi trường Đà Nẵng khá tốt so với các địa phương khác. Nhiều bạn trẻ tích cực tham gia bảo vệ môi trường như nhặt rác sau đêm pháo hoa, nhặt rác ở bán đảo Sơn Trà…Tuy nhiên, một bộ phận dân cư trong đó có nhiều bạn trẻ vẫn chưa ý thức giữ gìn.
“Tôi đi nhặt rác thì cũng bình thường thôi, nhưng tôi rất trân trọng sự nhiệt huyết của hai cháu ủng hộ mình. Dù đi quãng đường rất dài bằng xe đạp, nhưng không suy nghĩ nhiều và rất háo hức. Hy vọng nhiều người trẻ sẽ thấy được điều này”, ông Đức (áo sọc) bày tỏ.