Đấu trường “Hổ Quyền” nơi diễn ra các trận chiến giữa voi và hổ dưới triều Nguyễn, đang dần được phục dựng, tạo thành địa chỉ tham quan độc đáo của xứ Huế.
Đấu trường “Hổ Quyền” nằm ở thôn Trường Đá, phường Thủy Biều, TP Huế. Đây là nơi xưa kia triều Nguyễn tổ chức các trận đánh giữa voi và hổ để vừa huấn luyện tượng binh vừa phục vụ nhu cầu giải trí của vua, quan. Các con hổ trước khi được tung vào đấu trường đều bị bẻ răng nanh.
Hổ Quyền khởi công xây dựng vào năm 1830 dưới thời vua Minh Mạng, kiến trúc hình vành khăn với hai vòng thành trong và ngoài. Vòng thành trong cao 5,8 m, vòng thành ngoài cao 4,75 m, dày trung bình 4,5 m. Thành ngoài nghiêng tạo kiểu chân đế, chu vi tường ngoài là 140 m, đường kính lòng chảo 44 m.
Khán đài bố trí vua ngồi quay mặt về hướng đông nam của đấu trường, xây cao hơn so với các vị trí xung quanh. Bên trái khán đài là hệ thống bậc cấp đi lên gồm 24 cấp dành cho vua và triều thần. Bên phải khán đài có một hệ thống bậc cấp khác xây tương tự dành cho các quan, binh lính và thân hào nhân sĩ.
Đối diện với khán đài có 5 chuồng nhốt hổ, sân đấu là một thảm cỏ hình tròn. Ngoài thành có một cửa cao 8 thước 7 tấc, rộng 4 thước 5 tấc có hai cánh cửa bằng gỗ, đế làm bằng phiến đá thanh, trên cửa có ghi chữ “Hổ Quyền”. Voi được đưa vào sân đấu bằng lối cửa này.
Trải qua thời gian, đấu trường “Hổ Quyền” dần xuống cấp và bị người dân lấn chiếm khu vực xung quanh. Để hồi sinh đấu trường này, cuối năm 2019, Trung tâm Di tích cố đô Huế đã tiến hành trùng tu với các hạng mục như hệ thống tường thành, bậc cấp, hệ thống ròng rọc gỗ mở cửa các chuồng hổ. Việc trùng tu đến nay đã hoàn thành.
Chính quyền TP Huế cũng tiến hành chỉnh trang khu vực xung quanh Hổ Quyền, điện Voi Ré khi lên phương án di dời lăng mộ, nhà người dân lấn chiếm khu vực di tích. Thành phố Huế kỳ vọng việc chỉnh trang cụm di tích này không chỉ góp phần khôi phục lại những giá trị về lịch sử văn hóa mà còn tạo nên một điểm đến thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP Huế, cho biết, đơn vị đã tiến hành đo đạc, kiểm đếm số lăng mộ phải giải phóng mặt bằng trong khu vực gần 5 ha ở cụm di tích Hổ Quyền – Voi Ré. Sau khi giải phóng mặt bằng, khu vực này sẽ tạo cảnh quan với hệ thống cây xanh, bãi đỗ xe để phục vụ việc tham quan; tổng mức đầu tư dự kiến hơn 94 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng 54 tỷ đồng, chi phí đầu tư xây dựng hơn 40 tỷ đồng.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết Hổ Quyền là một trong những di tích rất đặc biệt trong quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 1993. Đây là đấu trường duy nhất dành cho voi và hổ, nơi nhà Nguyễn huấn luyện tượng binh, tôn vinh sức mạnh loài voi.
“Để phát huy giá trị lịch sử di tích Hổ Quyền, các cơ quan cần sớm tổ chức mô hình tham quan du lịch tại đây, kết hợp với di tích điện thờ Voi Ré- nơi thờ các con voi chiến trung nghĩa của triều Nguyễn”, ông Hoa nói. Ngoài ra, địa phương có thể tổ chức thêm lễ hội tế tự ở điện Voi Ré, mô hình huấn luyện tượng binh như dưới triều Nguyễn; dựng lại hình ảnh các trận chiến giữa voi và hổ theo hình ảnh 3D.
Theo ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Huế, đơn vị cũng đang lên các ý tưởng khai thác du lịch cụm di tích Hổ Quyền – Voi Ré.
“Chúng tôi dự kiến trình chiếu hình ảnh các trận chiến voi và hổ tại Hổ Quyền qua hệ thống hình ảnh ảo. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đang nghiên cứu, xây dựng tổ chức lễ tế tự ở điện Voi Ré nơi nhà Nguyễn thờ các con voi trung nghĩa. Hai di tích này cạnh nhau nên cũng thuận lợi trong việc kết nối, tổ chức một cụm tham quan liên hoàn”, ông Trung nói.