Làng kháng chiến Stơr ở xã Tơ Tung, huyện K’bang, cách TP Pleiku 70 km về phía Đông, là nơi sinh ra và lớn lên của anh hùng Đinh Núp.
Anh hùng Đinh Núp, sinh năm 1914 ở làng Stơr, đã chỉ huy đội tự vệ đầu tiên của làng với trên 40 người, rồi phát động và lãnh đạo dân làng chống Pháp từ trước cách mạng tháng 8/1945.
Từ 1950 đến 1951, Pháp đã tổ chức 10 cuộc hành quân lên đốt làng, phá rẫy nhưng đều bị đánh bại. Bằng vũ khí thô sơ như chông tre, bẫy đá, cung tên…, anh hùng Đinh Núp đã cùng dân làng dựa vào núi rừng hiểm trở, giăng bẫy, tiêu diệt quân địch.
Thuộc tổng thể tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia làng kháng chiến Stơr, công trình Nhà lưu niệm Anh hùng Núp mô phỏng theo kiến trúc nhà sàn truyền thống Ba Na để lưu giữ hơn 100 kỷ vật, tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp đấu tranh của anh hùng Núp.
Ông mất năm 1999, thọ 85 tuổi. Nhà di tích được xây dựng và hoàn thành năm 2011 với diện tích 3 ha, bao gồm khu trưng bày, khu lưu niệm và khu thờ cúng.
Là người đồng bào Ba Na đầu tiên được kết nạp Đảng và tập kết ra Bắc năm 1954, Đinh Núp được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1955.
Ngoài vật dụng cá nhân của anh hùng Núp, khách tham quan có thể thấy các vật dụng truyền thống như gùi, nỏ… của người dân Ba Na.
Là một nhân vật huyền thoại nhưng ông sống vô cùng khiêm tốn và giản dị. Cuộc đời ông đã đi vào văn học, với tác phẩm Đất nước đứng lên của nhà văn Nguyên Ngọc.
Phía đối diện Nhà lưu niệm, ngành chức năng đã phục dựng làng kháng chiến với diện tích 2 ha bao gồm 7 căn nhà sàn bằng bêtông, bao quanh bằng tre nứa.
Hiện có 5 gia đình người Ba Na sống trong những căn nhà sàn phục dựng.
Ông Đinh Ngơn, 73 tuổi, sống ở trong căn nhà phục dựng gần 3 năm nay. Thỉnh thoảng ông đan gùi, nia để bán cho du khách đến thăm quan.
“Trước dịch mỗi ngày có thể kiếm được vài trăm ngàn từ việc bán các sản phẩm truyền thống”, ông Ngơn nói.
Đằng sau mỗi nhà luôn có một chuồng gà và một kho thóc. Các hộ gia đình dệt thổ cẩm, đan gùi, nia và bán các món ăn truyền thống của người Ba Na cho du khách.
Nằm giữa con suối Kzăc đằng trước và ngọn núi Tờ gu đằng sau, làng Stơr và anh hùng Núp đã trở thành huyền thoại trong lòng nhân dân các dân tộc Tây Nguyên, trở thành biểu tượng cho một Tây Nguyên bất khuất.