HÀ NỘIKhông muốn học sinh nghèo trong xã bị gián đoạn học tập, thầy Ngọc Dũng, giảng viên Đại học Phương Đông, xin điện thoại cũ về sửa rồi mang tặng.
Hôm 4/9, thầy Nguyễn Ngọc Dũng, 42 tuổi, giảng viên thỉnh giảng khoa Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Đại học Phương Đông, trao 20 điện thoại thông minh cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm. Những chiếc điện thoại mới và cũ được nâng cấp trước khi đến tay các em.
Họp phụ huynh đầu năm, thầy Dũng biết lớp con mình có bạn không học trực tuyến vì thiếu thiết bị. Không muốn các em bị gián đoạn học tập, thầy giáo khởi xướng chương trình “Tiếp sức em thơ, giúp em học online” cho học sinh nơi mình sinh sống, gồm mầm non, tiểu học, THCS Phù Đổng, từ cuối tháng 8. Mục tiêu là có đủ điện thoại cho các em trước năm học mới. Qua thống kê, 20 học sinh ở ba trường này chưa có thiết bị học online.
Một tuần sau khi đăng bài “xin điện thoại cũ” trên trang cá nhân, thầy Dũng nhận được 13 triệu đồng cùng khoảng 30 điện thoại cũ từ bạn bè, người thân và các nhà hảo tâm. 10 chiếc quá cũ, không thể khôi phục, cấu hình chậm hoặc khó mua được linh kiện thay thế. Với những chiếc còn dùng được, thầy mày mò sửa chữa, thay màn hình và cài đặt phần mềm, ứng dụng phục vụ học trực tuyến.
Thầy bỏ thêm 2 triệu đồng cùng tiền quỹ từ Fanpage của mình, tổng cộng 20 triệu đồng để mua mới 5 điện thoại. Ngoài ra, thầy còn hỗ trợ đăng ký sim và trả tiền mạng cho học sinh nhận được máy.
Thầy Dũng lý giải không xin máy tính vì điện thoại cơ động, cấu hình cao và dễ vào Zoom hơn. Chỉ cần đăng ký sim, học sinh đã có thể vào học, trong khi nếu dùng máy tính phải có địa chỉ nhà để đăng ký mạng. Nhiều học sinh là con gia đình nghèo, không có chỗ ở ổn định nên việc này gặp khó khăn.
Ngoài giảng dạy tại trường, thầy Dũng còn hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người dân gặp khó khăn vì dịch bệnh và tham gia chống dịch tại địa phương. Hàng ngày, thầy cùng cộng sự vận chuyển và trao tặng hàng hóa, thuốc men, tối đến trực chốt. Tranh thủ những lúc trực, thầy sửa điện thoại, vệ sinh sạch sẽ rồi bọc lại cẩn thận để tặng học sinh.
Thầy Dũng tâm sự cuộc đời trải qua nhiều thăng trầm, vợ chồng hiếm muộn, khó khăn nhiều năm mới có được hai đứa con, hiện học lớp 7 và lớp 3. Sau khi sinh con, sức khỏe của vợ thầy suy giảm, bản thân từng trải qua giai đoạn thập tử nhất sinh. “Vợ chồng tôi chạy khắp bệnh viện vì các con ốm đau liên miên. Thấu hiểu nỗi lòng của người làm cha mẹ và yêu quý trẻ, tôi luôn hướng các hoạt động thiện nguyện của mình đến trẻ em”, thầy Dũng nói.
Hàng năm, thầy đều dành tiền và có các chương trình giúp đỡ bệnh nhân ở Viện K và Bệnh viện Nhi Trung ương. Hoạt động thiện nguyện vừa là cách để cho đi, nhưng cũng là cách thầy dạy các con biết yêu thương, trân trọng cuộc sống. Trước mỗi chuyến từ thiện, hai vợ chồng cùng các con phân chia thực phẩm và đóng vào từng túi. Các con được theo chân bố, vác gạo đi tặng người nghèo.
“Tôi mừng vì các con ngoan, nỗ lực học tập và đạt thành tích tốt dù bố không có nhiều thời gian kèm cặp. Tôi tin vào lựa chọn và cách giáo dục con cái của mình”, thầy Dũng nói. Hiện thầy ấp ủ mở một trung tâm tiếng Anh ở quê mình để các em có điều kiện tiếp cận với ngoại ngữ.
Cô Vương Thị Quyên, Hiệu trưởng trường Tiểu học Phù Đổng, cho biết trường có 11 học sinh thiếu thiết bị. Hiện 7 em trong số này đã có máy học, số còn lại đang chờ thay máy khác. Trong lúc khó khăn vì dịch bệnh, học sinh phải học từ xa, những chiếc điện thoại của thầy Dũng đã tới kịp thời, khiến phụ huynh và nhà trường xúc động. Những phụ huynh hôm 4/9 chưa thể tới trường lấy đều được giáo viên mang tới tận nhà.
“Điện thoại rất đẹp và mới, được dán cẩn thận, có cả số điện thoại ở phía sau để nếu các em gặp trục trặc có thể gọi, nhờ thầy Dũng giúp. Không chỉ điện thoại, thầy Dũng còn tặng gạo, tiền và mua gói cước cho học sinh”, cô Quyên nói.
Tiến sĩ Ngô Quang Duy, Trưởng ngành Việt Nam học, khoa Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Đại học Phương Đông, cho biết thầy Dũng là giảng viên thỉnh giảng của khoa, có chuyên môn tốt và tinh thần vì cộng đồng. “Những việc làm của thầy Dũng có sức lan tỏa tốt và không phải ai cũng đủ nhiệt huyết, tấm lòng, sự lăn xả để làm được như vậy. Sức khỏe của Dũng không tốt nhưng thầy nhiệt tình và rất có tâm”, tiến sĩ Duy chia sẻ.