Những ngày này, nông dân ở xã Bình Đào, huyện Thăng Bình đội nắng thu hoạch cây thuốc nam để bán đun nước uống dịp Tết Đoan Ngọ.
Nằm bên sông Trường Giang, cánh đồng xứ Đồng Lành ở thôn Trà Đóa, xã Bình Đào, huyện Thăng Bình được trồng các loại cây hoắc hương, hoa khóm, rẻ quạt, tía tô… Đây là vùng trồng cây thuốc nam lâu đời và lớn nhất tỉnh Quảng Nam, diện tích hơn 3 ha.
Tháng 6 là mùa thu hoạch cây thuốc nam. Dưới nắng nóng hơn 36 độ C, chị Nguyễn Thị Thu Thủy đang cắt hoa khóm. Chị trồng 3 sào hoa khóm trên đất pha cát, đánh luống cao hơn 30 cm giúp thoát nước nhanh khi mưa lớn. Đầu tháng giêng, chị xuống giống và đến cuối tháng 4 Âm lịch cây ra hoa kết hạt, là thời điểm thu hoạch.
Ở ruộng kế bên, ông Lê Văn Nhưỡng đang nhổ 200 m2 cây hoắc hương. “Các loại cây thuốc phải thu hoạch trước ngày 5/5 Âm lịch để cung cấp cho thị trường. Sau Tết Đoan Ngọ, người mua ít, chúng tôi chỉ bán cho tiệm thuốc bắc”, ông giải thích.
Ông Nguyễn Hùng sau khi nhổ cây hoa khóm thì chất lên xe kéo về nhà. Thương lái đến nhà mua giá 6.000 đồng/kg cây tươi.
Trước khi nhổ cây, người dân tranh thủ thu hoạch hạt để dùng cho vụ sau. Theo ông Hùng, nghề trồng cây thuốc nam ở thôn Trà Đóa có hàng trăm năm qua. Sau thu hoạch cây thuốc, nông dân cải tạo đất trồng lúa, hoa màu. Cây hoa khóm có đặc điểm chỉ vùng đất này trồng được, mỗi năm một vụ.
Hoa khóm được thu hoạch từ rễ đến thân, cành lá rồi dùng nước rửa sạch đất cát, nhặt bỏ lá khô trước khi bán.
Từ sáng sớm, bà Nguyễn Thị Thủy cùng chồng ra đồng thu hoạch cây hoắc hương đưa về nhà buộc từng bó, bán 7.000 đồng/kg. Đến chiều thương lái thu mua chở đi tiêu thụ ở Quảng Nam và TP Đà Nẵng.
“Năm nay nắng nóng nên cây bị chết nhiều, năng suất không cao. Tôi trồng 3 sào cho thu hoạch hơn 35 triệu đồng”, bà nói, thêm rằng so với trồng lúa vẫn cao gấp ba lần.
Cuối tháng 4 Âm lịch từ khắp chợ quê đến chợ phố tỉnh Quảng Nam xuất hiện thêm gian hàng lá thuốc mùng 5. Mua hàng chục bó lá, bà Loan cho biết trong đó có hoa khóm, hoắc hương có nguồn gốc từ thôn Trà Đóa.
“Tôi mua hết hơn 300.000 đồng đưa về sử dụng. Lá thuốc nam gồm cả vị đắng, chát, ngọt, có tác dụng thanh nhiệt, mát gan, bổ huyết, an thần, lợi tiểu…”, bà nói.
Trước đây, người dân địa phương có thói quen trưa 5/5 Âm lịch đi hái lá về phơi uống để chữa bệnh, nhưng nay đã thay đổi. Họ mua lá thuốc về cắt ngắn, phơi nắng, đúng 12h mùng 5/5 đem ra phơi lần cuối rồi cho vào túi nylon bảo quản, đun nước uống dần.
Người Quảng Nam thường dùng lá thuốc thay cho chè, khi pha có màu vàng đậm, mùi thơm.
Tết Đoan Ngọ hay còn được gọi là tết Đoan Dương, được tổ chức vào giờ Ngọ, ngày mùng 5 tháng 5 Âm lịch hàng năm. Đây là ngày Tết truyền thống tại một số quốc gia như Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản và Trung Quốc. “Đoan” có nghĩa là mở đầu, “Ngọ” là khoảng thời gian từ 11h đến 13h. Ăn Tết Đoan Ngọ là ăn vào buổi trưa. Ở Việt Nam, Tết Đoan Ngọ còn được gọi là “Tết giết sâu bọ”.