Lá vàng đỏ bao phủ rừng núi, thung lũng và sự thân thiện của người dân địa phương làm mê hoặc du khách khi ghé thăm thung lũng Hunza.
Khung cảnh thung lũng Hunza vào thu nhìn từ đồi Duiker ở Gilgit, thuộc Gilgit-Baltistan, vùng cực bắc của Pakistan, giáp với hành lang Wakhan (Afghanistan) và Tân Cương (Trung Quốc). Hunza chia ra thành 3 khu vực gồm Upper Hunza, Central Hunza và Lower Hunza.
Bộ ảnh “Sắc thu thung lũng Hunza” do nhiếp ảnh gia Cao Kỳ Nhân (TP HCM) thực hiện trong một chuyến du lịch mùa thu năm 2019.
Các điểm tham quan phổ biến trong hành trình của Cao Kỳ Nhân là các ngôi làng Ghulkin, Passu, Hussaini, Ganish, núi Passu Cones, cầu treo Passu, sông băng Passu, cầu treo Hussaini, thung lũng Hopar, Phandar và một số điểm đến khác.
Từ thủ đô Islamabad, anh Nhân mất 2 ngày ngồi xe tới làng Ghulkin ở Upper Hunza. Chặng đường dài mệt nhọc được đền đáp một cách xứng đáng trước khung cảnh rợp lá vàng trước mắt. “Tôi thực sự đắm chìm trong cảm xúc trước cảnh đẹp mùa thu ở thung lũng Hunza. Đó là một cảm xúc mà tôi sẽ không bao giờ quên”, anh Nhân nói.
Lối vào thung lũng Gupis trong tiết trời thu như mê hoặc du khách. Sông Hunza chảy dài theo thung lũng, xung quanh là các dãy núi tuyết hùng vĩ bao phủ. Tuyết từ những ngọn núi này sẽ cung cấp nước cho sông Hunza.
“Sáng sớm, cả thung lũng vẫn chìm trong im lặng vì những ngọn núi tuyết cao lớn bao quanh nên mặt trời lên trễ. Cái lạnh buốt giá bao trùm khắp nơi, tiếng suối chảy róc rách thật êm, chim bắt đầu cất tiếng hót. Đứng giữa không gian yên tĩnh, tôi tranh thủ tận hưởng không khí trong lành đó mà tưởng như mình chưa bao giờ được thưởng thức.
Rồi mặt trời ló dạng, cả không gian tĩnh lặng ấy chợt bừng sáng một cách rực rỡ. Nó rực rỡ như được thắp sáng bằng hàng triệu bóng đèn led màu vàng, một màu vàng tuyệt đẹp đến nỗi anh em trong đoàn chúng tôi bảo vui là cái màu vàng giả tạo. Chẳng thể nào nghĩ thiên nhiên lại có cái màu vàng đẹp đến thế”, Cao Kỳ Nhân kể.
Dòng sông xanh biếc ở thị trấn Nagar chảy qua các khối núi lớn, phía xa là cầu Jinnah. Thung lũng Hunza là nơi rất tuyệt để bạn du lịch trải nghiệm và trekking nhẹ, không hợp để nghỉ dưỡng. Vì điều kiện sinh hoạt ở đây hơi thiếu thốn, nhiều nơi buộc bạn phải ăn uống đạm bạc dù mỗi ngày phải đi bộ trung bình 10 km.
Sông Hunza chảy quanh dãy núi Passu Cones, nơi mà khách nước ngoài còn gọi là “Passu Cathedral” (Nhà thờ Passu), trong khi dân địa phương lại gọi “Tupopdan” nghĩa là mặt trời nuốt chửng ngọn núi.
Cảnh đẹp mùa thu quanh dãy núi Passu Cones được tô điểm bởi đàn gia súc khiến bạn ngỡ như lạc vào miền cổ tích.
Theo anh Nhân, nên đặt tour thay vì đi tự túc vì các điểm tham quan khá xa nhau. Giá tour kéo dài 14 ngày anh Nhân từng đi khoảng 1.000 USD cho nhóm 5 người. Bên tour ở Pakistan sẽ có tài xế và hướng dẫn viên tiếng Anh hỗ trợ suốt hành trình. Chú ý, có đường bay khứ hồi từ Islamabad đến Gilgit nhưng hay trễ chuyến. Bạn nên cân nhắc kỹ rủi ro có thể xảy ra để đảm bảo thời gian đi.
Anh Nhân cho biết xin visa tại đại sứ quán Pakistan không khó và không cần chứng minh tài chính. Ở Pakistan chi phí khá rẻ và cũng không phải mua sắm gì nhiều. Nếu bạn thích đồ cổ và thảm dệt bằng tay thì nên đổi tiền nhiều một chút để mua.
Thời điểm đẹp nhất là lúc cuối thu. Lúc này lá vàng rực rỡ nhất, trời càng lạnh thì lá càng mau vàng. Vì thời tiết rất lạnh, chỉ vài độ C vào sáng sớm và tối, nếu may mắn bạn có thể ngắm cả tuyết rơi nên bạn phải chuẩn bị quần áo giữ ấm thật kỹ.
“Người dân Pakistan thân thiện và mến khách. Họ không biết bạn là ai nhưng luôn chào hỏi khi gặp bạn ở ngoài đường. Đi ngang qua nhà họ, có thể bạn sẽ được mời ăn bánh, uống trà. Vào vườn táo của họ, bạn được cho phép hái táo ăn thỏa thích”, nhiếp ảnh gia kể lại.
Vì là quốc gia đạo Hồi, nên phụ nữ ít khi làm công việc ngoài xã hội. Khi ra chợ bạn chỉ thấy đàn ông, họ bán buôn, đi chợ. Người Hunza hầu như sử dụng thực phẩm hữu cơ tự cung, tự cấp nên rất khỏe mạnh và sống thọ.
Bữa sáng thường là trứng chiên, ốp la, sandwich, cháo trắng, bánh Naan và vài món đậu nấu sốt. Bữa trưa và tối thì phong phú hơn. Thức ăn ở đây đa phần đều có cà ri nhưng không nặng mùi và cũng dễ ăn. Các bạn có thể mang thêm thức ăn khô từ Việt Nam theo để thay đổi nếu ngán. Trà sữa là loại nước uống không thể thiếu ở Pakistan.
Pakistan là một trong những điểm đến mùa thu rất ấn tượng. Anh Nhân thích ở homestay hơn khách sạn vì thoải mái. Ở Hunza thiếu điện, các khách sạn hầu như đều chạy bằng máy phát điện. Một số chỗ nước nóng chỉ mở vào thời điểm sáng và tối, homestay có thể không có nước nóng, wifi luôn yếu. Có thể mua sim 4G để dùng nhưng thủ tục khá rắc rối.
“Đây là một chuyến đi với trải nghiệm tuyệt vời và đáng nhớ. Vừa được ngắm những cảnh đẹp miên man, vừa tận hưởng không khí trong lành và nhận được tình cảm thật ấm áp của người dân. Tất nhiên tôi sẽ còn quay lại”, anh Nhân nói.