(Tin hot) Rùa Hồ Gươm chết vào tháng 1/2016, sau đó hai chuyên gia người Đức đã đến Việt Nam hỗ trợ việc nhựa hóa xác rùa để bảo quản.
Sáng 16/3, tiêu bản rùa Hồ Gươm cuối cùng được bàn giao cho nhà trưng bày đền Ngọc Sơn.
Rùa Hồ Gươm chết vào tháng 1/2016, đến tháng 4 cùng năm, hai chuyên gia người Đức đã đến Việt Nam để hỗ trợ việc phục chế xác rùa. Phương pháp nhựa hóa được lựa chọn bởi nó giúp bảo quản nguyên trạng mẫu vật từ hình thái, màu sắc đến cả những phần khó như mắt, diềm mai. Phương pháp này cũng giúp giữ được nguyên vẹn mẫu vật (cả phần xương, sụn) sát thực nhất với mẫu sống, không để lại mùi và có độ bền cao.
Sau khi hoàn thành, mẫu rùa Hồ Gươm có kích thước dài hơn 2 m, rộng 1,1 m. Trước khi bàn giao cho nhà trưng bày của đền Ngọc Sơn, tiêu bản rùa được bảo quản tại Bảo tàng thiên Nhiên Việt Nam với điều kiện nhiệt độ dưới 25 độ C, độ ấm dưới 55%, tủ kính tránh ánh sáng trực tiếp.
Ngày 31/8/2018, tiến hành nghiệm thu chế tác rùa Hồ Gươm, Hội đồng đánh giá chất lượng nêu “mẫu vật giữ nguyên được thần thái rùa khi còn sống”.
Tư thế phía trước của tiêu bản rùa Hồ Gươm. Việc trưng bày tiêu bản đòi hỏi môi trường không có bụi bẩn, nấm mốc và cần được theo dõi, ghi chép hàng ngày để phát hiện hư hỏng để xử lý kịp thời.
Phần chân, các móng của rùa được giữ nguyên bản.
Các vết sẹo trên mai và chân rùa trước khi chết được giữ nguyên trạng.
Bộ phận sinh sản của rùa trưng bày bên cạnh tiêu bản. Rùa hồ Gươm là cá thể cái, có tên khoa học Rafetus Swinhoei, là một loài rùa nước ngọt khổng lồ cực hiếm, phần mai mềm. Sau khi rùa tại Hồ Gươm chết, hiện trên thế giới chỉ ghi nhận 3 con (một con ở hồ Đồng Mô và 2 con ở Trung Quốc).
Hai tiêu bản rùa Hồ Gươm được trưng bày cạnh nhau trong đền Ngọc Sơn. Tủ trưng bày bên trái là xác rùa chết năm 1967, bên phải là xác rùa năm 2016.
Tủ kính trưng bày tiêu bản rùa 2016 sử dụng kính chịu lực 2 lớp dày một cm, siêu trong, chống ánh sáng và đèn flash, có hệ thống làm sạch không khí và điều hoà độ ẩm, trị giá 3,7 tỷ đồng.