(Khám phá) Hội làng Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa dân gian, đặc biệt là điệu múa cổ “Con đĩ đánh bồng”.
Vào thế kỷ thứ 8, làng Triều Khúc là nơi vua Phùng Hưng tập kết nghĩa sĩ bao vây đạo quân nhà Đường. Hàng năm, cứ vào ngày 9/1 âm lịch, dân làng lại tổ chức lễ hội truyền thống tưởng nhớ đến vị anh hùng dân tộc Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng.
Sau khi làm lễ tại đình Sắc, các trai làng đem lễ về đình lớn để bắt đầu lễ rước kiệu.
Nghi lễ rước kiệu vua Phùng Hưng từ đình Đại ra đình Sắc mang ý nghĩa mời vua về ngự tại đại đình làng, mừng ngày đăng quang, cảm tạ ngài đã ban cho dân làng một cuộc sống ấm no, an lành.
Màn rước long bào – triều phục của Hoàng đế Phùng Hưng – từ đình Sắc đi quanh làng rồi về đình Lớn để bắt đầu cuộc tế.
Nhiều gia đình dâng lễ vật lên Bố Cái Đại Vương và nghĩa quân.
Luôn có người gánh lư trầm hương để khử mùi ô uế trước kiệu của Bố Cái Đại Vương.
Điểm nhấn của lễ hội là màn múa “Con đĩ đánh bồng”. Các chàng trai sẽ được trang điểm sao cho giống con gái trong bộ quần áo mớ ba mớ bảy, má phấn, môi son, khăn đỏ mỏ quạ.
Theo quan niệm dân gian, xưa kia các quan võ và binh lính khi ra trận đã sáng tạo ra điệu múa này để khích lệ tinh thần binh sĩ, giúp họ vơi đi nỗi nhớ nhà và có thêm ý chí giết giặc. Do không có phụ nữ, những chàng trai trắng trẻo vận quần áo phụ nữ, giả gái diễn trò mua vui cho anh em.
Những chàng trai múa đánh bồng được tuyển chọn kỹ lưỡng, và phải là người làng. Đội múa được tập luyện cùng ban nhạc tại câu lạc bộ múa bồng vào những ngày trước hội.
Chí Hiếu, 17 tuổi, đã 4 năm tham dự múa bồng. Em cho biết năm đầu tiên đóng giả gái thấy rất ngượng, những năm sau thấy thích thú.
Các chàng trai sẽ vừa đi vừa nhún nhảy, miệng cười tươi, ánh mắt đong đưa, tay vỗ trống, họa theo âm thanh của dàn trống cái, chũm chọe và tù.
Những chàng trai giả gái vừa nhún nhảy vừa vỗ trống bồng đeo trước bụng. Hội làng sẽ kéo dài hết ngày 12/1 âm lịch với rất nhiều trò chơi dân gian.