Hữu Liên với cảnh quan rừng núi, thảo nguyên, suối thác, hang động và khu du lịch sinh thái là điểm đến mới mẻ cho du khách.
Xã Hữu Liên nằm cách trung tâm huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn khoảng 25 km về phía bắc; cách Hà Nội khoảng 150 km theo quốc lộ 1A và đường tỉnh lộ 243. Xã có tổng diện tích hơn 6.000 ha, dân số hơn 3.000 người gồm chủ yếu các dân tộc Kinh, Tày, Nùng, Dao và Mông.
Du khách tới Hữu Liên sẽ được chiêm ngưỡng những khối núi đá vôi kỳ vĩ cho tới những đồng cỏ mênh mông, từ thác nước phủ đầy rêu phong cho tới hồ nước trong xanh màu ngọc bích.
Trong ảnh là toàn cảnh thảo nguyên Đồng Lâm, khu sinh thái rộng đến 100 ha với cảnh đẹp sơn thủy hữu tình, nằm ở phía bắc xã. Trên núi có hang, dưới có cánh đồng cỏ xanh ngút ngàn và dòng suối nước xanh ngọc uốn lượn chảy qua.
Ngày nay, hoạt động du lịch tại đây dần khởi sắc với loại hình du lịch sinh thái cộng đồng, với các mô hình thành công tại thôn Làng Bên, Làng Cóc và thôn Là Ba.
Trong tiền cảnh bức ảnh là thôn Làng Bên, đối diện là thôn Làng Cóc với nhà sàn bốn mái lợp ngói âm dương của dân tộc Tày, Dao sinh sống qua nhiều thế hệ. Hiện có trên 5 khu nhà sàn kiểu homestay nằm cách thung lũng 2 – 3 km có giá khoảng 100.000 đồng/ người/ đêm. Ở đây có những dịch vụ khác như ăn uống, văn nghệ, lửa trại, tắm thuốc, ngâm chân và thuê hướng dẫn viên, người dẫn đường rừng.
Từ làng nhà sàn ở thôn Làng Bên, du khách đi khoảng 2 km là tới đồng cỏ Đồng Lâm. Thảo nguyên trải dài khoảng 1,5 km, có đường mòn và dòng suối chảy vắt ngang. Nguồn nước khởi phát từ các khối núi đá vôi chảy về điểm cuối đồng cỏ là hồ nước Đồng Lâm trong xanh. Mùa nước ngập, khu vực hồ này tập trung đông người dân di chuyển bằng bè mảng và thả lưới, đánh bắt cá.
Tác giả cho biết từ điểm cuối hồ Đồng Lâm, du khách băng rừng thêm khoảng một tiếng đường rừng nguyên sinh sẽ tới thôn Lân Đặt với khoảng 26 hộ gia đình dân tộc Dao sinh sống. Nơi đây hoàn toàn hoang sơ, không sóng wifi, không có điện và xung quanh là rừng nguyên sinh.
Đàn ngựa gặm cỏ trên thảo nguyên mùa khô. Đây đa phần là giống ngựa hoang dã thuần chủng, được người dân huấn luyện để du khách chụp ảnh hoặc thuê xe ngựa tham quan, kiếm thêm nguồn thu nhập và phát triển du lịch địa phương. Đồng cỏ trù phú cũng là nơi người dân chăn nuôi gia súc như bò và đi trâu (chăn trâu).
Dòng suối chảy trên đồng cỏ Đồng Lâm đang cạn nước. Vào mùa khô, thảo nguyên thích hợp cho các hoạt động du lịch dã ngoại, văn hóa thể thao và leo núi khám phá hang động. Tuy nhiên vào mùa mưa, tháng 7 – 10, nước sẽ ngập tràn vùng đồng cỏ với độ sâu từ 2 – 3 m. Đây là lý do người dân không canh tác nông nghiệp trên vùng thảo nguyên này vì mùa nước ngập sẽ cuốn trôi hết hoa màu.
“Nghĩa địa cây” với khung cảnh có phần ma mị khi chiều về. Gần khu vực này có cây sung cổ thụ tán lớn cao khoảng 10 m, là nơi cắm trại lý tưởng.
Du khách trải nghiệm chèo thuyền Kayak trên dòng suối chảy qua thảo nguyên Đồng Lâm. Nơi đây cũng thích hợp để du khách cắm trại và tận hưởng không khí trong lành.
Để phát triển du lịch, chính quyền địa phương đã xây dựng bãi giữ xe ô tô, cách đường vào Đồng Lâm khoảng 1 km, hoặc du khách có thể thuê xe ôm vào thảo nguyên với chi phí 30.000 – 40.000 đồng/lượt. Ngoài ra là trải nghiệm đi bộ và đạp xe để khám phá thiên nhiên.
Quang cảnh các khối núi đá vôi kỳ vĩ, xen kẽ là phần rừng đặc dụng Hữu Liên, hồ Nong Dùng (bên trên) và hồ Mỏ Áng (bên phải).
Rừng đặc dụng có tổng diện tích 8.293,4 hecta, thuộc Khu dự trữ rừng quốc gia Hữu Liên, với 3 phân khu trải dài trên 3 huyện Hữu Lũng, Chi Lăng và Văn Quan.
Địa hình khu vực rừng này hình lòng chảo, bao bọc xung quanh là các đỉnh và dãy núi đá vôi trùng điệp; trung tâm là vùng đồi đất, làng bản, đồng cỏ và khu sản xuất nông nghiệp. Hàng năm, tại phân khu dịch vụ hành chính của rừng có nhiều đoàn du khách trong và ngoài nước đến liên hệ Ban Quản lý rừng để khám phá rừng sinh thái đặc dụng này.
Đa dạng sinh học ở khu rừng Hữu Liên khá phong phú, với 776 loài thực vật bậc cao và 409 loài động vật, trong đó, có 30 loài thực vật và 61 loài động vật quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam.
Trải nghiệm chèo thuyền trên mặt hồ Mỏ Áng, điểm du lịch được ví như “tuyệt tình cốc” có màu nước trong xanh, được bao bọc bởi khối núi đá vôi và rừng cây xanh.
Từ UBND xã Hữu Liên, du khách đi ô tô theo đường tỉnh khoảng 2,4 km, sau đó rẽ trái theo đường mòn vào rừng tới hồ Nong Dùng, nơi du khách có thể thuê thuyền kayak (100.000 đồng/2 thuyền), thả trôi theo dòng nước xanh trong vắt và hòa mình giữa thung lũng. Từ đây, du khách nếu yêu thích khám phá có thể liên hệ homestay để thuê người dẫn đường, băng rừng, có đoạn khá lầy và vượt các mỏm đá tai mèo để đến hồ Mỏ Áng.
Nước từ hồ Mỏ Áng theo các khe núi đá vôi chảy xuống tạo thành thác Khe Dầu kỳ vĩ với những mảng bám rêu xanh. Tác giả cho biết, ở đây dù có nhiều rêu bám nhưng do kiểu địa chất đặc trưng là các khối núi đá vôi, mặt đá sần sùi không trơn trượt.
Ở khe suối có nhiều cua đá với mai to có kích cỡ chừng 3 ngón tay. Sau khi trải nghiệm, ngắm cảnh đẹp, du khách đừng quên trở về homestay thưởng thức các đặc sản ẩm thực địa phương như vịt quay, lợn quay mác mật Lạng Sơn, cá suối nướng, cua đá rang, ốc núi luộc, rau dớn xào tỏi với mẻ, lá sung nem chạo, xôi nếp cẩm, bánh bí đỏ và bánh chưng đen.
Bên cạnh phong cảnh và hệ sinh thái tự nhiên, Hữu Liên còn có điểm đến là nhà thờ Thánh Quý Minh Đại Vương. Ngoài ra, Hữu Liên còn là nơi lưu giữ được nguyên vẹn những phong tục tập quán và nét văn hóa truyền thống, di sản phi vật thể như lễ hội Gò Chùa, hát pá xoan, hát nhà tơ, hát then hay diễn chèo cổ.
Hòn ngọc thô Hữu Liên đang được mài giũa, sẽ trở thành địa chỉ mới, hấp dẫn du khách trên bản đồ du lịch Lạng Sơn. Du khách khi tham quan, cắm trại không nên xả rác làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái xung quanh, anh Thuận chia sẻ.