Vùng đầm phá Tam Giang- Cầu Hai là đầm nước lợ lớn nhất Đông Nam Á, sở hữu nhiều tiềm năng du lịch sinh thái chưa khai phá hết.
Hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai có diện tích hơn 22.000 ha trải dài 68 km thuộc huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và thị xã Hương Trà. Đây là đầm phá nước lợ lớn nhất Đông Nam Á.
Phá Tam Giang – Cầu Hai giàu tài nguyên động thực vật, được đánh giá phong phú nhất ở Đông Nam Á.
Tam Giang – Cầu Hai là nơi mưu sinh của hàng nghìn ngư dân. Hàng trăm năm qua, tập quán đánh bắt thủy hải sản trên vùng đầm nước lợ của người dân không hề thay đổi.
Những hàng sáo, nò được ngư dân lắp đặt trên khắp vùng đầm phá. Phương thức đánh bắt này được người dân duy trì từ thế hệ này sang thế hệ khác hàng chục năm qua.
Chợ nổi ở đầm Quảng Lợi là một trong những nét riêng biệt ở đây. Các tiểu thương tự mình chèo thuyền ra giữa đầm thu mua tôm cá mà ngư dân vừa đánh bắt được sau một đêm thức trắng.
Tôm cá, cua đánh bắt được, ngư dân mang vào bờ sát phá Tam Giang bán. Tập quán này được người dân vùng đầm phá duy trì suốt hàng trăm năm qua.
Khu rừng ngập mặn Rú Chá nằm ở xã Hương Phong, thị xã Hương Trà được xem là khu sinh quyển quan trọng của hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai. Khu vực này chủ yếu là cây Chá cổ thụ hàng trăm năm tuổi.
Khu bảo tồn rừng ngập mặn Rú Chá là một trong những địa điểm được nhiều nhiếp ảnh gia ưa thích sáng tác. Rú Chá cũng là điểm thu hút nhiều du khách tham quan.
Để bảo tồn, phát triển nguồn lợi thủy hải sản trên đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, nhiều năm qua chính quyền Thừa Thiên Huế đã triển khai trồng rừng ngập mặn để làm nơi trú ẩn, sinh sản tôm cá. Những cánh rừng cây bần chùa, dừa nước đã tạo nên một màu xanh giữa vùng nước lợ mênh mông. Chính quyền địa phương đang hướng đến phát triển các tour du lịch đầm phá, du lịch sinh thái tại đây.