Văn hóa chụp ảnh

(Nhiếp ảnh Hà Nội) Mấy cảm nghĩ về chuyện chụp ké mẫu:
1. Hôm trước ekip bọn mình đi chụp mẫu áo dài và hoa ban trên phố Hoàng Diệu. Bọn mình hẹn nhau cố gắng đến sớm để tranh thủ chụp khi phố còn vắng người. Khi ekip nhiếp ảnh và mẫu đang tác nghiệp thì bỗng từ đâu xuất hiện 1 bác, rồi bác nữa, rồi lại bác nữa vác máy đến, thản nhiên “xáp vô” chụp ké.
Thiếu nữ bên sen
Với văn hóa ứng xử của người Hà Nội nói chung và văn hóa ứng xử trong nhiếp ảnh nói riêng, khi bạn muốn chụp ké ảnh của ekip khác, ít nhất bạn cần mở lời: “Cho mình xin bắn ké vài kiểu nhé?” Nếu người ta đồng ý thì hẵng chụp, và cũng không nên lạm dụng chụp nhiều quá. Vì nhiều bạn mẫu không muốn hình ảnh của mình bị người lạ chụp và phát tán lung tung! Và nếu là những nội dung chụp mang tính thương mại, người ta phải giữ độc quyền hình ảnh nữa. Chưa kể, nhiều ông chụp ké còn “chỉ đạo mẫu” phải thế này thế kia, làm ảnh hưởng đến sự tập trung của nhiếp ảnh chính thức đang tác nghiệp.
Mấy bác này chắc mới chơi ảnh nên không biết quy tắc ứng xử ấy!
2. Nhớ lần ekip bọn mình theo một NAG nổi tiếng lên tận Bắc Kạn chụp 1 concept ảnh sexy nghệ thuật. Tốn kém công sức, chi phí đi lại và các chi phí khác là đương nhiên rồi. Khi ekip đang mê mải sáng tác, bỗng “mọc ra” một loạt “tay máy” cầm điện thoại và chụp, quay “tự nhiên như ở nhà”. Vị NAG trưởng đoàn bọn mình đã lịch sự nhưng kiên quyết yêu cầu họ ngừng chụp quay, nếu họ không dừng thì ông cho mẫu dừng diễn xuất. Bởi không lẽ ekip bỏ ra một đống tiền đi sáng tác, chưa có bức ảnh nào thì hình ảnh người mẫu đã bị phát tán lung tung lên mạng?!
3. Theo lời một Nghệ sĩ nhiếp ảnh có tên tuổi ở Hà Nội: “Nhiếp ảnh có tính độc quyền và tính độc nhất, nếu bạn gặp một ekip đang chụp một nội dung nào đó, bạn không nên chụp ké, trừ khi bạn phải rất thân với trưởng nhóm và được họ đồng ý. Tuy nhiên kể cả vậy cũng phải rất hạn chế.
“Bạn có biết rằng: Nhiếp ảnh là độc đáo, là ý tưởng, là bản quyền, là chi phí, là thời gian, công sức… Để làm được điều đó, họ phải chuẩn bị và tốn kém nhiều thứ lắm, còn bạn chỉ việc chụp ké, chưa nói đến người mẫu họ không muốn cho bạn chụp và sử dụng hình ảnh của họ”.
4. Mình thấy NSNA này nói rất đúng. Mình đã tổ chức rất nhiều buổi chụp cho anh em, và cũng đi chụp mẫu rất nhiều, mình thấy mỗi buổi chụp các ekip phải tốn rất nhiều chi phí: cat-xê (cachet) cho mẫu (nếu là mẫu dịch vụ), chi phí make-up (trang điểm, làm tóc…), chi phí thuê hoặc làm trang phục, chi phí thuê hoặc mua sắm đạo cụ, vé vào nơi chụp, nước giải khát v.v…
Mình thấy nhiều bác bắn ké, đơn giản là họ không bao giờ trả ảnh cho mẫu, hoặc nếu có đăng lên các nhóm thì ảnh không biết lấy góc chuẩn, ảnh chụp xấu hoặc không chỉnh sửa pts. Chính những hình ảnh cẩu thả này lại “dìm hàng” mẫu, và không một bạn mẫu ảnh nào dù mẫu chuyên nghiệp hay mẫu giao lưu lại mong muốn thấy cả.
Một buổi chụp sáng tác của CLB Ảnh Người Đẹp Việt Nam ở Hà Nội
Bài, ảnh: NSNA Hoàng Trung Hiếu (Hieu Tiger)
Tin liên quan