Tên lửa, máy bay chiến đấu, xe tăng, radar phòng không và nhiều loại súng được trưng bày tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam.
Tổ hợp phòng không tầm trung SPYDER do Israel chế tạo, sử dụng tên lửa tầm nhiệt Python-5 và tên lửa dẫn đường bằng radar chủ động Derby, có khả năng phản ứng nhanh và cơ động cao, có thể phát hiện, tiêu diệt mục tiêu như máy bay có người lái và không người lái (UAV), trực thăng và tên lửa hành trình.
Bệ phóng và đạn tên lửa phòng không S-125-2TM thuộc biên chế của Việt Nam, có khả năng tiêu diệt mục tiêu bay với vận tốc 900 m/s ở cự ly tối đa 35 km.
Ngư lôi cỡ 533 mm (thân xanh) do Nga sản xuất, được trang bị đầu dò chuyên bám theo vệt sóng sau đuôi tàu chiến đối phương, có khả năng đánh chìm nhiều loại tàu mặt nước, tàu ngầm và công trình nổi.
UAV hạng nhẹ tầm gần VUA-SC-3G do Tập đoàn Viettel sản xuất có khối lượng cất cánh tối đa 26 kg, bay liên tục 3 tiếng, với vận tốc lên tới 120 km/h, bán kính hoạt động 50 km.
Xe tăng T-90SK của Quân đội nhân dân Việt Nam do Nga sản xuất, có khối lượng 46,5 tấn, động cơ 1.000 mã lực, vận tốc lớn nhất đạt 60 km/h. Xe trang bị pháo nòng trơn cỡ 125 mm với hệ thống nạp đạn tự động, tốc độ bắn tối đa 8 phát/phút, cùng súng máy đồng trục PKT và súng máy 12,7 mm trên nóc tháp pháo.
T-90SK có thể bắn nhiều loại đạn như thanh xuyên động năng ổn định bằng cánh đuôi (APFSDS), nổ lõm xuyên giáp (HEAT) và tên lửa dẫn đường.
Tại khu vực của Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, nhiều loại súng trường tấn công, lựu đạn, súng tiểu liên, súng bắn tỉa được trưng bày. Các loại súng chủ yếu sử dụng đạn 7,62×39 mm do Việt Nam tự sản xuất có độ chính xác cao, sức sát thương lớn.
Khu triển lãm trong nhà trưng bày mô hình thiết bị công nghệ, radar phòng thủ, một số máy móc phục vụ diễn tập, các loại súng trường, tiểu liên…
Súng trường Cyclone của hãng Steel Core (Anh) có khối lượng 6,85 kg, dài 1,19 m, hộp tiếp đạn 10 viên với tầm bắn hiệu quả lên đến một km. Súng sử dụng loại đạn 7,62 mm x 51 mm chuẩn NATO, được biên chế chủ yếu cho các đơn vị quân đội, cảnh sát.
Súng lục CZ P-10 C và một số biến thể được trưng bày tại gian hàng của Israel. CZ P-10 C có khung polymer, được gia cố bằng sợi thủy tinh, sử dụng cỡ đạn 9 mm với hộp tiếp đạn 15 viên.
Tập đoàn xuất khẩu vũ khí Nga (Rosoboronexport) trưng bày mô hình tiêm kích đa năng Su-35S.
Su-35S là tiêm kích thế hệ 4++ của Nga, có khả năng cơ động cao và được sơn vật liệu giảm tiết diện phản xạ radar. Tiêm kích được trang bị nhiều thiết bị điện tử hiện đại, trong đó radar mảng pha quét điện tử thụ động (PESA) N035 Irbis-E cho phép bám bắt 30 mục tiêu ở khoảng cách 400 km và khai hỏa tiêu diệt 8 mục tiêu cùng lúc.
Không quân Nga bắt đầu vận hành dòng Su-35S từ năm 2013 với hơn 100 chiếc đang trong biên chế. Su-35S là tiêm kích chủ lực hiện đại nhất của quân đội Nga hiện nay, trong bối cảnh chiến đấu cơ tàng hình Su-57 mới được bàn giao với số lượng nhỏ và chưa biên chế vào các đơn vị chiến đấu.
Mô hình tiêm kích hạng nhẹ F-16 do tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ sản xuất.
F-16 được phát triển từ những năm 1970 và trải qua nhiều đợt cải tiến từ đó đến nay, xuất hiện trong lực lượng không quân Mỹ và nhiều quốc gia trên thế giới. F-16 có thể đạt tốc độ tối đa 2.121 km/h ở độ cao 12.000 m, trần bay tối đa 18.000 m với tầm hoạt động 546 km. F-16 được trang bị một pháo 6 nòng 20 mm, 11 giá treo có thể mang theo 7,7 tấn vũ khí.
Phiên bản F-16 Block 70 mới nhất được ra mắt tại Triển lãm hàng không Singapore năm 2012. Điểm nổi bật của biến thể này là radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) AN/APG-83, sử dụng nhiều công nghệ từ radar tiêm kích tàng hình F-22 và F-35.
Thủ tướng Phạm Minh Chính (thứ hai từ trái qua), Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang thăm gian trưng bày hệ thống radar, công nghệ phòng không của Tập Đoàn Công Nghiệp – Viễn Thông Quân Đội (Viettel).
Từ 14h ngày 9/12 đến 17h ngày 10/12, người dân có thể đến tham dự triển lãm, xem trình diễn quốc phòng của đặc công và không quân Việt Nam tại sân bay Gia Lâm. Triển lãm kết thúc lúc 18h ngày 10/12.