Sở thú 156 tuổi ‘kêu cứu’

Thảo Cầm Viên kêu gọi sự đóng góp từ cộng đồng để duy trì sự sống của 1.500 động vật vì quá ít khách ghé thăm.

Năm nay, Thảo Cầm Viên phải đóng cửa 2 tháng (20/3 – 14/5). Mở cửa từ 15/5, khách tham quan đông trở lại, nhưng diễn biến Covid-19 phức tạp lại khiến sở thú đìu hiu.

Trước tình hình này, 270 nhân viên Thảo Cầm Viên đã đồng lòng giảm 30% lương, giúp duy trì chế độ tốt nhất cho các loài vật. Việc giảm lương sẽ tạm thời trong tháng 8.

“Thảo Cầm Viên là đơn vị tự chủ tài chính, mọi kinh phí trang trải đều lấy từ tiền bán vé tham quan”, ông Phạm Anh Dũng, Phó giám đốc Thảo Cầm Viên, nói. Hiện doanh thu bán vé còn khoảng 15 triệu đồng một ngày trong khi trước Covid-19 là khoảng 300 triệu đồng.

Trong khi đó, chi phí thức ăn và chăm sóc động vật cần 5 – 6 tỷ đồng mỗi tháng. Ban quản lý Thảo Cầm Viên đang kêu gọi trên mạng xã hội, mong cộng đồng quyên góp để vượt qua giai đoạn khó khăn.

Vắng du khách, một số loài vật tự do đi lại trên đường trong Thảo Cầm Viên. Ảnh: Tâm Linh/VnExpress

Vắng du khách, một số loài vật tự do đi lại trên đường trong Thảo Cầm Viên. Ảnh: Tâm Linh/VnExpress

“Từ trước tới nay, các con vật được chăm sóc đúng khẩu phần, không cắt giảm gì”, anh Mai Khắc Trung Trực, Trưởng phòng Động vật, nói. “Vì động vật nuôi trong đây hầu hết đều quý hiếm, cần được bảo vệ, chăm sóc cẩn thận”.

Ông Thân Văn Nê, thuộc Tổ chế biến, cho biết phần lớn thực phẩm đều phải mua từ các đối tác cung ứng bên ngoài. Chỉ một số loại cỏ, lá, rau, quả là do Thảo Cầm Viên tự trồng ở trang trại Củ Chi. Xấp xỉ 5 tấn thức ăn gồm thịt, rau, củ, quả, cỏ, lá… được chuẩn bị mỗi ngày cho gần 1.500 đầu động vật.

Thực phẩm phải luôn mới, được vệ sinh, kiểm tra chất lượng và kiểm dịch trước khi chế biến, ông Nê nói thêm. Khẩu phần ăn được chuyên gia thú y phân chia theo từng thể trạng cá thể và khẩu vị động vật.

Thảo Cầm Viên do người Pháp xây dựng năm 1864, với tên gọi đầu tiên là Vườn Bách Thảo. Hiện nơi đây chăm sóc và bảo tồn khoảng 1.500 động vật, trong đó có nhiều loài quý hiếm như trĩ sao, chà vá, vượn má vàng, hươu vàng, báo lửa, báo gấm… và hơn 900 loài thực vật.

Đơn vị là thành viên và liên kết với các tổ chức như Hiệp hội các Vườn thú Đông Nam Á (SEAZA), Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), Hiệp hội Vườn thú và Thuỷ cung Thế giới (WAZA), Tổ chức Quản lý loài Quốc tế (ISIS), Hiệp hội Vườn thú Việt Nam (VZA)… Do đó, hoạt động chăm sóc động vật luôn đảm bảo theo tiêu chuẩn chung quốc tế.

Tin liên quan