20 ngày qua bốn tỉnh Đông Bắc tìm khoảnh khắc đời sống

Thiên nhiên hoang sơ, văn hóa bản địa đa dạng, cuộc sống bình dị của người dân được tái hiện trong hành trình Hà Giang – Cao Bằng – Bắc Kạn – Thái Nguyên.

Lê Thị Xuân Phương, 30 tuổi, Đà Nẵng, có chuyến đi 20 ngày trong tháng 6 dưới cái nắng gắt và cả những cơn mưa rào bất chợt qua Hà Giang – Cao Bằng – Bắc Kạn – Thái Nguyên. Cô đã đến những bản làng hoang sơ của vùng Đông Bắc như thôn Khun, Nậm Hồng, Nậm Khòa, Bản Luốc, thôn Tha, Xà Phìn, Lao Xa, Hoài Khao, Pác Ngòi, La Bằng. Cảnh quan thiên nhiên mỗi vùng một đặc trưng, từ những triền đồi ruộng bậc thang mùa nước đổ đến những thung lũng mùa vàng, từ cao nguyên đá phủ ngô xanh đến những con đường rợp dưới tán rừng, những đồi chè đến hồ nước xanh trong. Con người trong lao động, lối sống, sinh hoạt và văn hóa nơi đây mang vẻ đẹp bình dị.

Điểm dừng chân đầu tiên trong hành trình của Phương là Khun xã Bằng Lang, huyện Quang Bình, Hà Giang. Khun nằm giữa một thung lũng, nơi lúa đang độ thu hoạch, xen giữa là những nương lạc. Trên khắp những cánh đồng, dưới những tán cọ xòe ô che nắng, người cắt lúa, người nhổ lạc. Khun là nơi sinh sống của cộng đồng 4 dân tộc Tày, Dao, Nùng, La Chí với đời sống văn hóa còn nguyên vẹn. Khun được bao trùm bởi bầu không khí trong lành, mát mẻ vì được bao quanh bởi những cánh rừng già.

Hoàng Su Phì là huyện phía tây của tỉnh Hà Giang với 3.700 ha được bao phủ bởi ruộng bậc thang. Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì được đánh giá đẹp nhất vào mùa nước đổ và mùa lúa chín. Tầm giữa tháng 6, từ Bản Phùng, Bản Luốc đến Thông Nguyên, Nậm Khòa, các thửa ruộng bậc thang được đổ nước biến thành những mặt gương soi bóng mây trời. Đây là thời điểm người dân bắt đầu làm đất, cấy mạ phủ xanh những thửa ruộng. Hoàng Su Phì cũng là địa bàn sinh sống của nhiều cộng đồng như Dao, Tày, Nùng, La Chí với văn hóa đa dạng.

Một nghi thức cúng của người Dao Đỏ ở xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang.

Khác với những con đường uốn lượn quanh đồi núi trùng điệp ở phía tây Hà Giang, những bản làng ở khu vực đồi núi thấp gần trung tâm thành phố Hà Giang hiền hòa giữa thung lũng bằng phẳng. Thôn Tha là một bản của người Tày nằm tại xã Phương Độ. Thôn đầu tháng 6 rộn rã không khí mùa gặt. Dưới những nếp nhà sàn lợp lá cọ, người Tày vẫn giữ gìn những nét đẹp trong lối sống, ẩm thực, nghề thủ công truyền thống.

Nặm Đăm (Quản Bạ) là một bản của người Dao Chàm. Bản Nặm Đăm hoang sơ, mát mẻ, bao quanh bởi những cánh rừng. Nặm Đăm có những hồ nước và dòng suối tưới mát ruộng nương. Người Dao Chàm ở Nặm Đăm sống trong những căn nhà trình tường xây dựng hoàn toàn bằng đất, mái lợp ngói âm dương. Người dân vẫn giữ gìn bản sắc văn hóa của mình trong nếp sống, sinh hoạt, đời sống tín ngưỡng.

Lao Xa là một bản của người Mông ở Sủng Là (Đồng Văn, Hà Giang). Tại Lao Xa, những nếp nhà trình tường, mái lợp ngói âm dương san sát nép mình, cheo veo trên núi đá. Trong vùng có gia đình cụ Mua Sè Sính vẫn giữ nghề chạm bạc thủ công truyền thống, đến nay đã duy trì 3 đời.

Địa hình vùng cao nguyên đá Đồng Văn đặc trưng bởi núi đá hùng vĩ. Những con đường khúc khuỷu vắt vẻo sườn núi dẫn đến những bản làng của Đồng Vân, Mèo Vạc. Trên những con đường ấy, thấp thoáng bóng phụ nữ Mông đeo quẩy tấu lên nương. Quẩy tấu (hay gùi) là vật dụng gắn liền với người phụ nữ Mông.

“Ở đâu có cây lanh, ở đó có người Mông”. Lanh gắn liền với đời sống văn hóa và tâm linh của người Mông. Cứ hè đến, xen giữa những nương ngô là nương lanh xanh biếc. Khi lanh đủ lớn, các gia đình người Mông từ người già đến trẻ con lại thu hoạch cây, từ đó, làm thành sợi dệt vải để may trang phục.

Chợ trâu bò Bảo Lâm nằm ở thị trấn Pác Miầu (Bảo Lâm, Cao Bằng). Cứ cách 5 ngày, vào các ngày 5, 10, 15, 20, 25, 30 âm lịch hàng tháng, chợ phiên Pác Miầu lại họp một lần. Ngoài chợ gia súc rất lớn, chợ phiên còn là nơi buôn bán các sản vật địa phương, lợn, gà và là nơi gặp gỡ, tâm tình của người dân sống quanh vùng.

Xóm cổ Hoài Khao (Nguyên Bình, Cao Bằng) là bản người Dao Tiền. Bản nhỏ nép mình giữa một thung lũng, nơi có những thửa ruộng bậc thang đang vào vụ cấy. Nằm dưới tán rừng, Hoài Khao có không khí mát mẻ, dễ chịu kể cả mùa hè. Phụ nữ Dao Tiền ở Hoài Khao vẫn thêu thùa và giữ kỹ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong lên chân váy. Họ tự may trang phục truyền thống để mặc hàng ngày. Để giữ kỹ thuật này, người dân Hoài Khao nuôi đàn ong ở hang ong. Sau những ngày cầy cấy, khi công việc đống áng ngớt, người dân sẽ vào hang lấy sáp mang về phục vụ vẽ sáp ong.

Hồ Ba Bể (Bắc Kạn) xanh mát. Ven hồ là những con đường rợp bóng rừng. Nép mình bên hồ là bản Pác Ngòi, một bản của người Tày. Từ đây, buổi sáng sớm nhìn ra hồ, có thể thấy mây chờn vờn trên những vách núi. Mặt hồ phẳng lặng, bảng lảng sương sớm tạo nên bức tranh thơ mộng.

Thái Nguyên là vùng trồng chè lớn của cả nước. Mùa hè, chè ra búp non xanh. Những nương chè ngập tràn màu xanh và sức sống. Tại vùng chè La Bằng (Đại Từ), người dân tất bật thu hoạch. La Bằng cũng là nơi có suối Kẹm trong vắt chảy qua tưới mát những nương chè.

Tin liên quan